ClockThứ Bảy, 25/09/2021 06:56

Đổi mới cách tiếp cận và có những giải pháp tạo việc làm cho lao động về từ vùng dịch

TTH.VN - Chiều 24/9, tại Văn phòng UBND tỉnh, ông Nguyễn Thanh Bình, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị trực tuyến nghe báo cáo tình hình triển khai các giải pháp giải quyết việc làm cho người lao động, nhất là đối tượng lao động quê Thừa Thiên Huế đi làm việc tại các tỉnh, thành đã di chuyển về địa phương tránh dịch COVID-19.

Giải quyết việc làm không chỉ ngang tay nghề phổ thôngNắm bắt trình độ, tay nghề của người lao động để thông báo cho doanh nghiệpTạo điều kiện tốt nhất để người trở về từ vùng dịch có việc làm tại quê hương

Tham dự tại điểm cầu Văn phòng UBND tỉnh có lãnh đạo các Sở: Lao động-Thương binh và Xã hội, Thông tin và Truyền thông, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính; cùng đại diện lãnh đạo các ban, ngành, đơn vị, một số doanh nghiệp (DN) tại địa phương có nhu cầu tuyển dụng lao động. Tham dự qua hình thức trực tuyến tại các điểm cầu cấp huyện có lãnh đạo UBND các huyện, thị xã, TP. Huế và các phòng, ban, DN liên quan.  

Tại các điểm cầu báo cáo tình hình giải quyết việc làm cho người lao động về từ vùng dịch, chỉ ra những khó khăn, vướng mắc, tồn tại

Cầu nhiều, tuyển được ít

Ông Hồ Dần, Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH cho biết, đến nay, toàn tỉnh có 25.160 người trong độ tuổi lao động trở về địa phương chủ yếu lao động tập trung các ngành: dệt may chiếm tỷ lệ 37%; xây dựng chiếm 14,1%; dịch vụ chiếm 13%; nông, lâm, thủy sản chiếm 4,6%; vận tải kho bãi chiếm 3,2%; ngành nghề khác chiếm tỷ lệ 28,1%. Trong đó có nhu cầu học nghề 1.431 lao động, nhu cầu vay vốn giải quyết việc làm 4.618 lao động, nhu cầu giới thiệu việc làm 9.791 lao động, nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng 342 lao động.

Theo thống kê, có 34 DN có nhu cầu tuyển dụng với 7.669 vị trí việc làm. Để kết nối cung- cầu lao động giải quyết việc làm, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh đã làm việc với các phòng LĐTB&XH cấp huyện và liên hệ với nhiều người lao động để nắm tình hình, nhu cầu việc làm của người lao động trở về địa phương. Qua làm việc cho thấy nhiều lao động vẫn chưa có nhu cầu đi làm việc với tâm lý chờ kiểm soát được dịch trên toàn quốc và quay lại thị trường lao động trước đây để tham gia lao động, hoặc một số lao động chưa liên hệ được theo danh sách do địa phương cung cấp.

Vào ngày 20/9, Trung tâm đã tổ chức sàn giao dịch việc làm trực tuyến, qua đó kết nối giữa người lao động và DN có nhu cầu tuyển dụng, tư vấn, giới thiệu việc làm. Mặc dù đã được thông báo trên các kênh thông tin truyền thông đến với người lao động và DN về  kết nối thị trường lao động, tuy nhiên chỉ có 121 lao động tham gia sàn giao dịch việc làm với 5 DN kết nối.

Cũng theo báo cáo của ông Nguyễn Văn Sơn, Phó trưởng Ban quản lý Khu kinh tế, khu công nghiệp tỉnh tại hội nghị, với nhu cầu tuyển dụng của các DN, đến nay, chỉ có 7 DN tuyển được 1.518 người. Đây là con số quá nhỏ so với nhu cầu hiện tại của DN cũng như số liệu nhu cầu việc làm của người lao động trên địa bàn và lao động từ các vùng dịch trở về quê hương.

Phát biểu ý kiến tại hội nghị trực tuyến, đại diện Công ty Scavi Huế cho biết, mức lương của mỗi lao động được công ty trả hơn 7 triệu đồng/tháng, người mới học nghề 5,5 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, công ty thực hiện đóng bảo hiểm xã hội ngay từ tháng đầu tiên lao động vào làm việc, hỗ trợ xe đưa đón, nhà ở, nhà trẻ cho con em lao động... Dù vậy, công ty vẫn khó tuyển được lao động. Bình quân mỗi tháng, đơn vị chỉ tuyển được 200 người vào làm vị trí mới và thay thế (lao động nghỉ thai sản, ốm đau...).

Với tình hình khó khăn này, đại diện công ty cũng đề xuất tại hội nghị là mong muốn UBND các huyện, trong đó có 2 huyện Phong Điền, Quảng Điền và TX. Hương Trà tạo điều kiện cho công ty kết nối với các thôn trưởng, tổ trưởng lập thành nhóm cộng tác viên của công ty để giới thiệu về công ty, chế độ tiền lương, chính sách... đến người lao động; hoặc giới thiệu người lao động đến trực tiếp công ty để tham quan, tìm hiểu trước khi có quyết định đăng ký tuyển dụng việc làm. Với những cộng tác viên này, lâu nay đơn vị áp dụng chi trả mức thù lao 500 nghìn đồng cho mỗi người khi giới thiệu được 1 lao động vào làm việc tại công ty.

Ngoài ra, theo báo cáo của các địa phương tại các điểm cầu, đa phần việc giải quyết việc làm cho lao động ngoại tỉnh trở về địa phương đều chưa có chuyển biến lớn, dù nhiều DN tại các khu công nghiệp  đóng ngay trên địa bàn đang rất cần tuyển người. Lý do mà các địa phương đưa ra là nhiều lao động có tâm lý "tránh dịch", nghỉ ngơi và chờ tình hình dịch ổn định sẽ trở lại phía Nam làm việc. Một số khác đang tìm hiểu, lưỡng lự chưa biết nên đi hay ở lại. Kể cả số lượng lao động đăng ký và đã đi làm việc tại nước ngoài theo hợp đồng cũng không nhiều, một phần do ngại thay đổi, phần khác do còn gặp khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn vay, chưa được tiêm đủ 2 mũi vắc xin theo yêu cầu của nước sở tại tiếp nhận làm việc.

Khó khăn trong tuyển dụng lao động của DN không chỉ ảnh hưởng đến kế hoạch sản xuất của đơn vị mà còn tác động đến tình hình an sinh xã hội của địa phương

Đổi mới tư duy và cách tiếp cận

Với con số 1.518 người được tuyển dụng trong số nhu cầu cần hơn 7.600 trong thời gian qua, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình cho rằng cần phải xem lại vai trò của các địa phương cũng như công tác tuyên truyền, phối kết hợp giữa các sở, ngành chức năng. Công tác triển khai rà soát, hỗ trợ giải quyết việc làm mỗi nơi một kiểu, chưa phát huy nguồn lực lao động.

Các ý kiến đều cho rằng tâm lý của người lao động đang "chờ" dịch ổn định. Vì việc "chờ" này của hàng chục nghìn lao động cũng là vấn đề nan giải của chính quyền địa phương trong việc đảm bảo an sinh xã hội, an ninh trật tự trên địa bàn. Tuy nhiên, ông Nguyễn Thanh Bình cho rằng, nếu có môi trường tốt, vị trí việc làm, công việc ổn định, thu nhập tốt thì người lao động sẽ bám trụ tại quê nhà.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình nhấn mạnh, nguồn lực lao động là cực kỳ quan trọng góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Vì thế, các sở, ban, ngành, địa phương cần có những đổi mới, chủ động trong thực hiện, trong cách tiếp cận để phát huy tốt nguồn nhân lực, giải quyết việc làm, an sinh xã hội. Trước hết cần đổi mới về cơ chế phối hợp và phân vai phân nhiệm cụ thể. Thứ hai là đổi mới cơ chế thông tin tuyên truyền, phải đưa thông tin cung- cầu lao động, cơ chế, chính sách của Nhà nước, của DN đến với các đơn vị, chính quyền địa phương, người dân và DN. Việc tuyên truyền phải thực tế, thiết thực, người dân dễ dàng tiếp cận.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Sở LĐTB&XH phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông sớm xây dựng một phần mềm kênh thông tin truyền thông về công tác việc làm - lao động, có đầy đủ thông tin, dữ liệu về lĩnh vực này để phục cho cả công tác điều hành của tỉnh, nhất là phục vụ chuyển đổi số, báo cáo số của tỉnh và quản lý của ngành LĐTB&XH cũng như việc tiếp cận, tương tác của người dân, DN. Chẳng hạn với việc tạo các kênh, đầu mối giới thiệu việc làm và chế độ thù lao như của Công ty Scavi Huế áp dụng cũng là cách làm hay cần nhân rộng.

Bên cạnh đó cần quan tâm công tác hỗ trợ, đào tạo nghề, vay vốn... với sự tham gia tích cực của DN và cụ thể hóa việc hỗ trợ này. Phải tìm ra được nguyên nhân vì sao chưa phát huy được nguồn lực lao động, chưa thu hút, giữ chân được người lao động, nhằm đưa ra những giải pháp căn cơ, ổn định để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, giúp giải quyết việc làm và giữ chân lao động ở lại làm ăn, sinh sống ổn định tại địa phương.

Bài, ảnh: HOÀI THƯƠNG

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đào tạo nghề cho bộ đội xuất ngũ

Sau thời gian tham gia nghĩa vụ quân sự phục vụ Tổ quốc, bộ đội xuất ngũ được cấp thẻ học nghề, có thể chọn học một trong 140 danh mục ngành nghề đào tạo tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Đào tạo nghề cho bộ đội xuất ngũ
Khai giảng các khóa đào tạo nghề

Chiều 19/11, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tổ chức lễ khai giảng các khóa đào tạo nghề, đánh giá kết quả hoạt động nghề năm 2024, triển khai kế hoạch đào tạo nghề năm 2025 và kỷ niệm 42 năm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11.

Khai giảng các khóa đào tạo nghề
THÔNG TIN DOANH NGHIỆP:
Hàng nghìn cơ hội việc làm công nhân đóng gói tại Hà Nội

Tuyển công nhân đóng gói tại Hà Nội đang thu hút sự chú ý của người lao động, với nhiều cơ hội việc làm hấp dẫn. Trong bối cảnh nhu cầu sản xuất ngày càng tăng, các doanh nghiệp cần bổ sung hàng ngàn lực lượng lao động để đáp ứng yêu cầu thị trường. Dưới đây là thông tin chi tiết về cơ hội việc làm công nhân đóng gói tại thủ đô

Hàng nghìn cơ hội việc làm công nhân đóng gói tại Hà Nội
Cơ hội việc làm cho sinh viên, người lao động

Ngày 15/11, Trường đại học Phú Xuân, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức sự kiện “PXUni Job Festival 2024” với sự tham gia của gần 20 doanh nghiệp hàng đầu trong nhiều lĩnh vực khác nhau, mang đến hơn 500 cơ hội việc làm hấp dẫn cho sinh viên và người lao động.

Cơ hội việc làm cho sinh viên, người lao động

TIN MỚI

Return to top