ClockThứ Sáu, 28/06/2019 16:32
CHÀO MỪNG NGÀY GIA ĐÌNH VIỆT NAM (28/6)

Đồng lòng xây tổ ấm

TTH - Từ khó khăn vất vả, nhiều gia đình ở huyện miền núi A Lưới đã biết vươn lên phát triển kinh tế, xây dựng mái ấm.

Phú Vang: Các gia đình hạnh phúc tranh tài

Mẹ con chị Trần Thị Hinh hạnh phúc với công việc dệt zèng

Đồng lòng

Trái ngược với cái nóng thiêu đốt khi chạy xe mấy chục cây số từ thị trấn A Lưới về xã A Đớt, cảm giác bình yên, mát lành ùa đến khi chúng tôi bước chân vào ngôi nhà của chị Trần Thị Hinh, người Tà Ôi ở thôn Chi Lanh – A Roh. Cảm giác ấy có lẽ đến từ hình ảnh chị Hinh cùng cô con gái ngồi dệt zèng bên khung cửi, tiếng trò chuyện, tiếng cười đùa của hai mẹ con như xua cái nắng, sự ngột ngạt của ngày hè oi ả.

Trong ngôi nhà nhỏ ấy, cuộc sống gia đình chị Hinh hạnh phúc, êm ấm. Ngày ngày, chị Hinh chăm chỉ với khung cửi dệt zèng, còn anh Ra Pát Nhung, chồng chị phụ vợ xâu cườm, cuốn sợi. Anh Nhung vốn là thợ mộc, mỗi khi không theo công trình, anh phụ vợ làm ruộng, làm zèng và thu mua thêm của bà con trong bản để mang vào Quảng Nam bán.

Lập gia đình khi mới ngoài 20, những ngày mới ra riêng, cuộc sống của vợ chồng anh Nhung, chị Hinh khốn khó trăm bề. Nhớ lại những ngày khó khăn, chị Hinh kể: “Lúc ấy, không hiểu sức mạnh từ đâu để tôi xoay sở vượt khó, một mình kiếm tiền chăm chồng, nuôi con. Ban đầu, không có tiền đi xe đò, tôi lội bộ băng rừng ròng rã hai ngày trời từ A Lưới sang Quảng Nam bán vải zèng”.

Chưa thể gọi là khấm khá nhưng chị Hinh tạm hài lòng với thu nhập đủ để nuôi hai cô con gái ăn học. Cô con gái đầu lòng đang học ở Trường đại học Sư phạm – Đại học Huế, bé gái thứ hai học lớp 10 Trường phổ thông Dân tộc Nội trú tỉnh. Hai cô con gái cũng được mẹ truyền nghề từ hồi tiểu học, phụ giúp mẹ dệt zèng những khi rảnh rỗi. Chị Hinh chia sẻ: “Vì gia đình đông con, tôi không được học nhiều. Dẫu chưa có con trai nhưng vợ chồng tôi nghĩ khác, con gái cũng là con nên chỉ dừng lại ở hai con để nuôi chúng ăn học tới nơi, tới chốn. Vợ chồng tôi cần mẫn làm việc để con không phải thiếu thốn”.

Sống với nhau hơn 20 năm nhưng vợ chồng chị Hinh chưa to tiếng bao giờ. Là phụ nữ, chị thu vén khéo léo trong việc xây dựng tổ ấm, gắn kết các thành viên, nuôi dạy con cái chăm ngoan, học giỏi. Chị Hinh tâm sự: “Vợ chồng mình lúc nào cũng đồng lòng, làm việc gì cũng phụ nhau, san sẻ. Như thế mới làm gương cho các con”.

Vợ chồng anh Sơn, chị Phương chăm sóc vườn cây ăn quả

Quả ngọt từ mảnh đất khô cằn

Đến xã miền núi Hương Phong, ai cũng ngưỡng mộ cơ ngơi của vợ chồng chị Đoàn Thị Bích Phương và anh Nguyễn Văn Sơn với ngôi nhà khang trang vừa mới xây, đồ dùng vật dụng không thiếu thứ gì, cây cảnh được cắt tỉa ngăn nắp và khu vườn rộng 8 nghìn m2 với cây trái sai quả... Tất cả đều được anh chị gầy dựng từ đôi bàn tay trắng.

Cưới nhau năm 2001, thuở ấy, anh Sơn, chị Phương nghèo lắm, phải sống trong căn nhà tạm. Chị Phương đi làm thuê, còn anh Sơn là tài xế lái xe đường dài. Một lần xe gặp nạn, anh Sơn đành phải bỏ nghề, thế là hai vợ chồng quyết định lập vườn. Ban đầu, họ trồng chuối, trồng tiêu, thấy không hiệu quả nên chuyển sang trồng cây ăn quả.

Từ mảnh đất khô cằn, khu vườn của anh chị giờ xanh um với bao loại cây trái: cam, quýt, ổi, sa pô chê, vú sữa… Cây trái được anh chị chăm bón an toàn, sử dụng phân hữu cơ và không phun thuốc hóa học nên ai cũng tìm mua. Họ còn làm ruộng, nuôi gà, thả cá. Việc nhà nhiều vậy nhưng chị Phương vẫn tranh thủ đi làm thuê phát rẫy. Làm việc quần quật, sau bao năm tích lũy, vợ chồng chị Phương vừa xây được ngôi nhà trị giá 400 triệu đồng. Hai đứa con trai, đứa lớn đang theo học nghề ở Trường cao đẳng Công nghiệp Huế, đứa nhỏ đang học lớp 11 ở A Lưới.

Chị Phương chia sẻ: “Sau bao năm cố gắng, chúng tôi may mắn đã ổn định cuộc sống. Con cái ngoan ngoãn, vợ chồng thuận hòa là điều người phụ nữ nào cũng mong mỏi khi lập gia đình. Vợ chồng tôi đồng cam cộng khổ nên rất hiểu và yêu thương nhau, làm việc gì cũng chia sẻ. Ngôi nhà này cũng do vợ chồng tôi tự xây dựng, chồng xây, vợ phụ mà không cần kêu thợ. Chúng tôi đã bỏ nhiều mồ hôi, công sức mới gây dựng được cơ ngơi này”.

Bà Lê Thị Thêm, Trưởng phòng Văn hóa Thông tin huyện A Lưới chia sẻ, dẫu còn khó khăn nhưng nhiều gia đình ở A Lưới đã biết chăm lo xây dựng gia đình no ấm, hạnh phúc. Trước đây, gia đình nào cũng đông con, đói nghèo, thiếu thốn, thất học… nhưng giờ nhận thức của bà con đã thay đổi, biết vươn lên từ khó khăn, quan tâm hơn đến chất lượng cuộc sống, tạo điều kiện cho con cái học tập, nhiều gia đình là tấm gương điển hình trong phát triển kinh tế, xây dựng gia đình hạnh phúc.

Bài, ảnh: Minh Hiền

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Giữ cốt cách gia đình truyền thống Huế

Con người Huế có tính cách và lối sống đặc trưng, thể hiện qua sự kín đáo, ý tứ, trầm lặng, hoài cổ, hướng nội, nền nếp gia phong… Đó là đặc trưng của gia đình truyền thống Huế. Các gia đình Huế ngày nay vẫn giữ được sâu đậm thuần phong mỹ tục, nền nếp trong quan hệ gia đình. Đó là nhận định của PGS.TS. Nguyễn Văn Mạnh - nguyên Trưởng khoa Lịch sử, Trường đại học Khoa học, Đại học Huế khi bàn về gia đình truyền thống Huế trong xã hội hiện đại.

Giữ cốt cách gia đình truyền thống Huế
Chuyến trở về của cha

Năm tôi 49 tuổi, cha dẫn tôi về Huế. Cha bảo: “Rất có thể đây là chuyến thăm quê cuối cùng”. Gọi là dẫn nhưng thật ra có lúc tôi phải dìu đỡ ông. Ngoài 80, dù đầu óc vẫn còn minh mẫn nhưng các cơ quan hoạt động của người già đã đồng loạt rệu rã. Nhất là từ sau khi mẹ tôi mất, cha như yếu hẳn đi. Nỗi buồn bao giờ cũng là kẻ thù bào mòn sức lực. Cha ăn ít, nói ít, có hôm chỉ tha thẩn ngồi dưới tán cây sộp cổ thụ trước nhà. Hỏi gió máy quá cha ngồi đó làm gì, cha cười, bảo đang trò chuyện với thiên nhiên. Nhưng ông chỉ lắng nghe thôi, nào là tiếng lá rụng, tiếng chim ca, tiếng của con sóc nâu truyền cành ngó đôi mắt láo liên nhìn ông già tóc bạc nhấp chén trà lạt ướp hoa sói trong buổi sáng trời se se lạnh.

Chuyến trở về của cha
Ngõ nhỏ không tên

Cái cách hơi xuân đột nhiên từ từ len lỏi vào cuộc sống thường nhật khiến đôi người khẽ rùng mình vì lạnh. Nhưng đó là một cái lạnh khoan khoái. Người đàn ông đưa tay sờ vào mũi mình để tận hưởng cảm giác mới mẻ đầu ngón tay và nhìn ánh nắng từ từ buông xuống đoạn đường làng trước mặt, tinh nghịch nhảy lên đỉnh đầu đứa con trai nhỏ bên cạnh làm cu cậu khẽ xoa đầu mình làm anh bật cười. Cu cậu được bao nhiêu tuổi là từng ấy năm anh chưa về lại quê, bộn bề cuộc sống rồi lại vì nhiều lý do trong quá khứ, mãi đến giờ mới tranh thủ dịp Tết để đưa vợ con về thăm quê nội.

Ngõ nhỏ không tên

TIN MỚI

Return to top