ClockThứ Tư, 10/06/2020 06:45

Gấp rút chi hỗ trợ cho người lao động ảnh hưởng dịch

TTH - Hiện, một lượng lớn người lao động (NLĐ) ảnh hưởng do dịch COVID-19 vẫn chưa nhận được hỗ trợ từ gói an sinh theo Nghị định 42 của Chính phủ.

Gấp rút rà soát đúng, đủ đối tượng ảnh hưởng COVID-19, chi hỗ trợ sớm cho người lao động. Ảnh: K.O

Công khai 

 Chị Trương Thị Vui, ở đường Nguyễn Lộ Trạch, phường Xuân Phú (TP. Huế) cho hay, cách đây hơn 1 tháng, phường có cử người về lập hồ sơ, kê khai để đưa trường hợp của vợ chồng chị vào diện lao động bị ảnh hưởng do dịch COVID-19 được nhận hỗ trợ của Chính phủ. Nhưng từ đó đến nay vẫn chưa thấy phản hồi.

 Bà Phan Thị Thảnh, thợ may ở chợ Phò Trạch (thị trấn Phong Điền, huyện Phong Điền) cũng được thông báo trong diện được hỗ trợ. Nhưng đến nay bà vẫn chưa nghe thông báo lúc nào sẽ được nhận tiền hỗ trợ.

 Thời gian qua, các địa phương trên địa bàn tỉnh mới thực hiện hoàn thành chi hỗ trợ cho 3 nhóm đối tượng bị ảnh hưởng, yếu thế, gồm: người có công cách mạng, đối tượng bảo trợ xã hội, hộ nghèo, hộ cận nghèo.

 Kể từ tháng 5, các địa phương bắt đầu công tác tiếp nhận hồ sơ và thực hiện hỗ trợ chi cho 4 nhóm đối tượng bị ảnh hưởng, giảm sâu thu nhập: NLĐ tạm hoãn hợp đồng lao động (HĐLĐ), nghỉ việc không hưởng lương; NLĐ chấm dứt HĐLĐ, HĐLĐ không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp; hộ kinh doanh; NLĐ làm việc không giao kết HĐLĐ.

 Theo phản ánh của nhiều địa phương, đây là việc làm chưa có tiền lệ, chưa được quản lý về số người nằm trong diện hỗ trợ trước đó nên còn bỡ ngỡ, tốn nhiều thời gian, công sức, vật tư. Một số trường hợp kê khai khống, không đúng sự thật hoặc chưa nắm rõ quy định nên làm mất thời gian trong việc thẩm định, loại trừ ban đầu.

 Tại buổi làm việc với UBND huyện A Lưới và các xã, thị trấn trên địa bàn về công tác triển khai, tiến độ kê khai chi trả cho nhóm đối tượng chưa được hỗ trợ, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, ông Đặng Hữu Phúc đề nghị các địa phương cần niêm yết cụ thể các thông tin, văn bản liên quan, làm tốt công tác tuyên truyền. Qua đó để người dân tham khảo, tìm hiểu, xét thấy cá nhân đủ điều kiện được hỗ trợ hay không để tiến hành làm đơn đề nghị. Như vậy vừa giảm thời gian cho người dân, và bộ phận thực hiện giải quyết chính sách của địa phương.

Nhân viên cấp dưỡng tạm hoãn HĐLĐ, nghỉ việc không lương được xem xét hỗ trợ theo gói của Nghị định 42

 Đẩy nhanh tiến độ

 Đến nay, các địa phương đã tiếp nhận và thẩm định hồ sơ của khoảng trên 30.000 đối tượng. Căn cứ quy trình tiếp nhận hồ sơ của UBND tỉnh, Sở LĐTB&XH cũng đã tiếp nhận 6.124 hồ sơ đề nghị hỗ trợ của các đối tượng, trong đó có 365 đối tượng nộp qua cổng dịch vụ công trực tuyến. Riêng TP. Huế nộp trực tiếp bằng hồ sơ giấy cho 5.759 hồ sơ của NLĐ làm việc không có giao kết HĐLĐ. Số lượng hồ sơ còn lại, địa phương đang tiến hành thẩm định, xác minh và thực hiện các quy trình, thủ tục theo quy định tại Quyết định 15 của Thủ tướng Chính phủ.

 Qua rà soát, kiểm tra hồ sơ đề nghị hỗ trợ cho các đối tượng bị ảnh hưởng do đại dịch COVID-19 của một số địa phương cấp xã, hầu hết vẫn chưa thực hiện đúng quy trình, thủ tục được quy định tại Quyết định số 15 và Quyết định 1177 của UBND tỉnh như thời gian niêm yết chưa đủ 2 ngày làm việc, việc lập biên bản của Tổ thẩm định chưa rõ ràng và không thể hiện có sự giám sát của UBMTTQ...

 Do đó, đến nay, Sở LĐTB&XH mới chỉ trình UBND tỉnh phê duyệt hỗ trợ cho 61 lao động tạm hoãn HĐLĐ, nghỉ việc không hưởng lương của Công ty TNHH lữ hành Hương Giang. Sở tiếp tục trình UBND tỉnh phê duyệt hỗ trợ 52 hộ kinh doanh, 6.061 LĐ làm việc không có HĐLĐ bị mất việc làm với tổng kinh phí 6,113 tỷ đồng.

 Hiện nay, do tình hình bệnh COVID-19 cơ bản đã được kiểm soát, các thành phần kinh tế đã hoạt động trở lại, NLĐ đã quay lại làm việc nên số lượng đối tượng được hỗ trợ sẽ thấp hơn so với dự kiến ban đầu.

 Do đó, tổng số đối tượng trong nhóm 4 đối tượng còn lại kể trên được hỗ trợ theo lũy kế đến hết tháng 6/2020 dự kiến 33.970 đối tượng, với tổng kinh phí 35,17 tỷ đồng. Trong đó, đối tượng NLĐ làm việc không giao kết HĐLĐ chiếm nhiều nhất với trên dưới 30.000 người, tiếp đến là hộ kinh doanh khoảng trên 2.000 hộ...

 Ông Đặng Hữu Phúc cho rằng, nếu việc chi trả cho 4 nhóm đối tượng còn lại bị ảnh hưởng, giảm sâu thu nhập kịp trong tháng 6 hoặc chậm nhất đầu tháng 7 mới thực sự có ý nghĩa. Thực tế thời gian qua, do số lượng tiếp nhận lớn, trong khi cán bộ tiếp nhận hồ sơ của UBND cấp xã phải tự tiến hành số hóa để nhập vào phần mềm hành chính công nên tiến độ chậm. Tuy nhiên, từ ngày 26/5/2020 áp dụng hồ sơ liên thông từ cấp xã lên cấp huyện để thẩm định trước khi trình UBND tỉnh phê duyệt nên khả năng thời gian sẽ rút ngắn và việc chi trả tiền hỗ trợ sẽ kịp đến tay người bị ảnh hưởng sớm nhất.

Bài, ảnh: HOÀI THƯƠNG

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hiệu quả từ phối hợp “3 bên”

Sau khi triển khai ký kết quy chế phối hợp nhằm tăng cường mối quan hệ giữa 3 bên, gồm: Cơ quan Bảo hiểm xã hội (BHXH), Ban chỉ đạo (BCĐ) cấp xã và Tổ chức dịch vụ thu, số người tham gia các loại hình bảo hiểm tăng đột biến.

Hiệu quả từ phối hợp “3 bên”

TIN MỚI

Return to top