ClockThứ Sáu, 28/12/2018 06:45

Giải quyết việc làm, bảo đảm an sinh xã hội

TTH - Giải quyết việc làm cho người lao động (LĐ) luôn là một trong những nội dụng xuyên suốt trong quá trình điều hành phát triển kinh tế, ổn định xã hội ở địa phương.

Tổ chức hội thi về an toàn lao độngPhải đảm bảo vấn đề môi trường và an sinh xã hộiGắn tăng trưởng với đảm bảo an sinh xã hội

Doanh nghiệp phỏng vấn người lao động tại Ngày hội việc làm lần 2-2018. Ảnh: Minh Hiền

Bước chuyển đáng mừng

Theo số liệu điều tra cung – cầu LĐ năm 2018 (tháng 7/2018) được tiến hành bởi Sở LĐTB&XH, Thừa Thiên Huế hiện có lực lượng LĐ 592.566 người, số LĐ có việc làm tại thời điểm điều tra là 583.113 người và số LĐ thất nghiệp là 9.453 người. Tỷ lệ LĐ thất nghiệp là 1,6%. Tuy tỷ lệ LĐ thất nghiệp không cao nhưng LĐ của tỉnh đang làm việc trong khu vực nông nghiệp – nơi có năng suất LĐ rất thấp còn cao (27,89%), LĐ có việc làm không ổn định và thu nhập thấp còn nhiều. Điều này thể hiện trong 10 tháng đầu năm 2018, đã có 5.636 người đến trung tâm dịch vụ việc làm nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Năm 2017, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết về chương trình việc làm Thừa Thiên Huế giai đoạn 2017-2020, phấn đấu trong bốn năm sẽ tạo việc làm cho 64.000 LĐ (trong đó xuất khẩu LĐ 2.700 người), bình quân mỗi năm giải quyết 16.000 LĐ có việc làm cả ở trong nước lẫn nước ngoài; thực hiện các giải pháp để nâng cao chất lượng đào tạo và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực… Để đạt được mục tiêu đề ra, thời gian qua, các cấp, các ngành trong tỉnh đã thực hiện nhiều giải pháp quyết liệt, đồng bộ, bước đầu đã đem lại kết quả tích cực.

Xuất khẩu LĐ đã có những bước chuyển đáng mừng. Theo số liệu của Cục quản lý LĐ ngoài nước (Bộ LĐTBXH) cung cấp, 11 tháng đầu năm 2018, Thừa Thiên Huế đã có 942 LĐ ra nước ngoài làm việc, trong đó có 764 người làm việc tại Nhật Bản và 178 người làm việc tại các thị trường khác như Hàn Quốc, Đài Loan… Ước cả năm 2018 tỉnh ta có khoảng 1.050 người ra nước ngoài làm việc. Nếu so sánh với số người đi xuất khẩu LĐ năm 2015 có 160 người, 2016 có 207 người, 2017 có 702 người thì kết quả đạt được của năm 2018 là một bước tiến dài, cho dù so với tiềm năng LĐ hiện có của tỉnh và số người đi xuất khẩu LĐ của cả nước hàng năm thì con số đạt được vẫn còn rất khiêm tốn.

Hiện nay còn khoảng hơn 500 LĐ của tỉnh đã trúng tuyển các đơn hàng, hoặc đã vượt qua kỳ thi tiếng Hàn hiện đang học tiếng và các kỹ năng, kiến thức cơ bản khác để chờ ngày xuất cảnh. Thu nhập làm việc ở nước ngoài cao hơn rất nhiều so với làm việc ở Huế, việc làm ổn định, đời sống vật chất và tinh thần đảm bảo, môi trường làm việc an toàn, tích lũy được nhiều kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm nghề nghiệp cho tương lai… là những hứa hẹn thúc đẩy nhiều LĐ tỉnh nhà đi xuất khẩu LĐ.

Kết quả tìm hiểu của chúng tôi tại nhiều gia đình đang có con, em làm việc tại Nhật Bản và Hàn Quốc ở các xã, phường như Quảng Công, Quảng Thái (Quảng Điền), Hương Xuân, Hương Chữ (Hương Trà), Lộc Vĩnh, Vinh Giang (Phú Lộc), Phong An, Phong Hiền (Phong Điền)… cho thấy, những gia đình này cuộc sống đều được cải thiện, thậm chí nhiều hộ có 2 người thân cùng đi xuất khẩu thì khá giả nhanh chóng. Chính điều đó đã phá vỡ những rào cản, những do dự, lo toan, chần chừ… vốn dĩ là lực cản cực lớn trong tư duy của nhiều người LĐ Thừa Thiên Huế bấy lâu nay. Xuất khẩu LĐ đã và đang mở ra nhiều cơ hội việc làm rất tốt cho tất cả các bạn LĐ trẻ, là cơ hội học nghề, lập nghiệp, làm giàu chính đáng, nhanh chóng cho bản thân, gia đình và xã hội cả trước mắt lẫn lâu dài.

Người lao động tìm hiểu thông tin việc làm tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh. Ảnh: Minh Hiền

Kết nối cung - cầu

Nhiều hoạt động kết nối cung - cầu lao động, ngày hội việc làm, sàn giao dịch việc làm đã được tổ chức ở khắp nơi trên địa bàn tỉnh, thu hút nhiều DN và người LĐ tham gia, giúp cho hàng ngàn người LĐ và các bạn học sinh, sinh viên có nhiều cơ hội để tìm việc làm phù hợp. 11 tháng đầu năm 2018, riêng Sở LĐTB&XH đã tổ chức 2 ngày hội việc làm và 33 phiên giao dịch việc làm (trong đó có 10 phiên liên kết lưu động). Các hoạt động này đã thu hút 704 lượt DN trong và ngoài tỉnh tham gia với nhu cầu cần tuyển 43.332 LĐ; đã có 10.537 lượt người tham gia, 13.688 LĐ đăng ký tìm việc làm và 4.344 LĐ được sơ tuyển, trong đó gần 3.000 LĐ đã tìm được việc làm ổn định.

Trong số các phiên giao dịch trên đã có 8 phiên được tổ chức tại sáu trường đại học (Ngoại ngữ, Luật, Khoa học, Nông lâm, Kinh tế và Sư phạm) và hai trường cao đẳng (Sư phạm và Du lịch) thu hút 179 DN tham gia, cần tuyển 7.215 LĐ. Qua 8 phiên giao dịch này đã có 1.351 sinh viên được sơ tuyển tại sàn và hơn 1.000 em sau đó đã được tuyển dụng. Số lượng và chất lượng các DN tham gia các ngày hội và các phiên giao dịch việc làm từng bước được nâng lên, thu hút rất đông LĐ tham gia.

Đáng chú ý là hai phiên giao dịch việc làm để tuyển người làm việc cho Vincom Huế và Siêu thị điện máy Nguyễn Kim đã thu hút hàng ngàn người tham gia dự tuyển. Điều này cho thấy sức nóng tìm kiếm việc làm ở Huế đang là nhu cầu thiết thân của rất nhiều người. Hiện nay, nhiều đơn vị có nhu cầu đang phối hợp với ngành LĐ để tuyển người làm việc như Cinestar Huế đang tuyển 375 LĐ, Trường đại học dân lập Phú Xuân tuyển sinh học lập trình viên…

Nhằm giúp các DN tuyển đủ người làm việc, giúp người LĐ sớm có việc làm phù hợp và để nâng cao chất lượng hoạt động kết nối cung – cầu LĐ, tháng 7/2018, Sở LĐTB&XH đã tổ chức điều tra nhu cầu tuyển dụng tại 3.512 DN đang hoạt động trên địa bàn tỉnh. Tổng hợp dữ liệu điều tra cho thấy có 902 DN đang có nhu cầu tuyển dụng 14.338 LĐ trong năm 2019. Hy vọng, hoạt động kết nối cung cầu LĐ của tỉnh trong thời gian tới sẽ sôi động hơn, cơ hội việc làm cho mọi người sẽ nhiều hơn, thu nhập và đời sống của người dân sẽ tiến bộ hơn.

Một giải pháp có tính quyết định tạo ra nhiều việc làm cho người dân đó là đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, đổi mới phương thức chỉ đạo, điều hành nhằm thu hút các dự án đầu tư mới, mở rộng quy mô hoạt động của các DN và các cơ sở, sản xuất kinh doanh hiện có, thúc đẩy thành lập thêm nhiều DN mới đã được thực hiện quyết liệt trong thời gian qua. 11 tháng đầu năm 2018, có 650 DN thành lập mới với số vốn đăng ký trên 5.000 tỷ đồng, đã thu hút 34 dự án đầu tư với tổng vốn hơn 30.000 tỷ đồng, trong đó có 27 dự án trong nước và 7 dự án FDI với số vốn đăng ký 1.161,8 triệu USD. Hoạt động sản xuất, kinh doanh của các DN, các hộ gia đình, cá nhân phát triển, mở rộng đã góp phần giải quyết việc làm cho gần 10.000 LĐ trong năm.

Hoạt động dạy nghề theo hướng gắn đào tạo với giải quyết việc làm cho người LĐ, đào tạo theo địa chỉ đầu ra được các cơ sở dạy nghề và các cơ quan quản lý chú trọng, giúp người LĐ có việc làm ngay sau khi kết thúc khóa học, hoặc có thể tự tạo việc làm cho mình, hoặc tiếp tục làm việc cũ với năng suất và thu nhập cao hơn. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã chú trọng hơn đến việc đào tạo nghề gắn với nhu cầu của DN, trang bị kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp và thái độ làm việc của người LĐ sát với thực tế của thị trường LĐ và các cơ sở sản xuất kinh doanh, giúp người LĐ dễ tìm được việc làm...

Hai năm 2017 và 2018, HĐND tỉnh đã ủy thác 12 tỷ đồng từ ngân sách tỉnh sang Ngân hàng Chính sách xã hội để cho người LĐ vay vốn tạo việc làm ở trong và ngoài nước. Theo Ngân hàng CSXH tỉnh, 11 tháng đầu năm 2018, chi nhánh đã giải ngân cho 1.546 dự án vay vốn với số tiền gần 63 tỷ đồng, góp phần giải quyết việc làm cho 1.767 LĐ.

HÀ VĂN TUẤN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đảm bảo an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững

Chiều 19/12, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) tổng kết công tác lao động, người có công và xã hội năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025. Tham dự hội nghị có các UVTV Tỉnh ủy: Nguyễn Quang Tuấn, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; Nguyễn Chí Tài, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy; Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh.

Đảm bảo an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững
Quan tâm giải quyết các kiến nghị của cử tri

Tại các kỳ tiếp xúc cử tri trước Kỳ họp thứ 8, HĐND tỉnh khóa VIII, cử tri trên địa bàn TP. Huế đã có nhiều ý kiến, kiến nghị các vấn đề liên quan đến hạ tầng dân sinh. Điều đáng mừng, TP. Huế đã chỉ đạo các ban ngành, địa phương trả lời thấu đáo cũng như triển khai khắc phục.

Quan tâm giải quyết các kiến nghị của cử tri
Nỗ lực giải quyết tình trạng thiếu-thừa nhà ở xã hội

Nhằm cải thiện chỗ ở cho người thu nhập thấp, từ năm 2022, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã ban hành kế hoạch phát triển nhà ở xã hội, với mục tiêu đến năm 2025 có thêm 1,25 triệu m2 sàn nhà ở xã hội, nhưng đến thời điểm này có thể thấy, kế hoạch có nguy cơ “phá sản”. Trong khi đó, nhiều khu nhà ở tái định cư lại bị bỏ hoang, lãng phí, gây bức xúc trong dư luận xã hội.

Nỗ lực giải quyết tình trạng thiếu-thừa nhà ở xã hội

TIN MỚI

Return to top