ClockThứ Bảy, 27/06/2015 10:20

Giúp nạn nhân mua bán người hòa nhập cộng đồng

TTH - Chỉ vì nhẹ dạ, cả tin nên nhiều nạn nhân ở A Lưới bị lừa bán làm mại dâm hoặc bị đẩy vào các bãi vàng. Khi được giải cứu trở về, cuộc sống của họ lại luẩn quẩn, bế tắc vì bị kỳ thị, bệnh tật, nghèo đói... Bằng cách hỗ trợ kỹ năng sống, tổ chức Di cư quốc tế đã hướng dẫn cách làm ăn để họ tự tin hoà nhập cộng đồng.

Dễ tổn thương

Theo số liệu thống kê, toàn tỉnh xảy ra 14 vụ liên quan đến tội phạm mua bán người, với hơn 48 nạn nhân bị bán ra nước ngoài, chưa kể đến hàng trăm trường hợp bị mua bán trong nước đang được các cơ quan chức năng xác minh. Nạn nhân chủ yếu là phụ nữ, nam thanh niên ở A Lưới.
Bọn tội phạm buôn bán người thường lợi dụng tâm lý người dân ở vùng sâu, vùng xa không có công ăn việc làm ổn định để dụ dỗ, lừa gạt, hứa hẹn tìm kiếm việc làm với mức thu nhập cao. Sau đó, lừa bán cho các tụ điểm mại dâm hoặc cưỡng ép lao động bất hợp pháp.
Thành viên của nhóm tự lực đã biết cách làm kinh tế
Năm 2008, một nhóm thanh niên ở A Lưới nghe theo lời rủ rê làm việc nhẹ, lương cao nên đã bị lừa vào Quảng Nam để khai thác rừng, đào đãi vàng trái phép. Họ bị bóc lột sức lao động khi làm việc trên 15 giờ/ngày, không được chăm sóc y tế, thiếu ăn uống, nghỉ ngơi, không trả tiền công... Anh Lê Quang Son (A Ngo – A Lưới) nhớ lại: Năm 2008, có người thuê chúng tôi đi làm rừng, nghe nói trả lương cao nên cả nhóm gồm 32 người cùng đi. Vào đó, chúng tôi mới biết bị lừa khi phải đào hầm vàng sâu hơn 200m, người phải buộc dây rất sợ. Hơn 1,5 tháng làm việc cật lực, tôi được trả lương 900.000 ngàn đồng nhưng mình trốn về nên họ trừ hết. Mỗi lần trốn, họ bắt được là đánh, bỏ đói mấy ngày”.
Cũng trong năm 2008, dư luận A Lưới chấn động khi Phùng Quý Nang, trú tại thị trấn A Lưới, đã lừa gạt 8 phụ nữ giao cho các chủ chứa ở Trung Quốc để làm nghề mại dâm. Chiêu bài dụ dỗ của Phùng Quý Nang là vờ đưa những người phụ nữ nhẹ dạ lên thành phố phụ bán quán ăn với mức lương cao rồi lừa bán họ cho “đầu nậu” với giá 4-5 triệu đồng/người. May mắn các chị đã bỏ trốn được và đến cơ quan cảnh sát điều tra tỉnh Lào Cai tố cáo. Phùng Quý Nang bị phạt 16 năm tù, nhưng cuộc sống của chính các chị ngay sau đó cũng dần trở nên ảm đạm vì luôn bị ám ảnh bởi những ngày tháng kinh hoàng khi bị bán sang Trung Quốc.
Khi các nạn nhân ở A Lưới được giải cứu trở về, hầu hết họ đối mặt với những khó khăn, như: không có việc làm hoặc có nhưng thu nhập quá thấp, thiếu vốn sản xuất và thiếu kỹ năng sống… Nhiều người không chỉ đau đớn do bị đánh đập, bị lây nhiễm các bệnh qua đường tình dục mà còn bị ảnh hưởng nặng nề về tâm lý. Đáng lo hơn là sự kỳ thị của cộng đồng đã khiến họ tự ti, mặc cảm, xa lánh với mọi người dẫn đến trầm cảm. Có người 6 tháng không ra khỏi nhà, không muốn tiếp xúc với ai do sợ bị trả thù, sợ đàm tếu nên chính quyền địa phương khó tiếp xúc, hỗ trợ.
Hỗ trợ kiến thức, kỹ năng
Năm 2012, tổ chức Di cư quốc tế hỗ trợ dự án tái hoà nhập cộng đồng cho các nạn nhân ở A Lưới bị mua bán trở về và đã phát huy hiệu quả. Dự án hỗ trợ nhu cầu thiết yếu, hỗ trợ y tế, hỗ trợ học văn hoá, học nghề và trợ cấp khó khăn ban đầu. Các nhu cầu hỗ trợ được thực hiện phù hợp với từng trường hợp, đặc biệt là những nạn nhân là dân tộc thiểu số, trình độ văn hoá thấp, gặp khó khăn trong việc tự bảo vệ cũng như khả năng giao tiếp về những nhu cầu của mình.
Khó khăn lớn nhất của nhiều người là bị kỳ thị, không tìm được việc làm. Thế nên, dự án đã hỗ trợ các nhóm 20 con dê giống, 80 con lợn giống và giống cây con để họ tư chăn nuôi, trồng trọt. Họ được cán bộ thú y đến hướng dẫn tại nhà về kỹ thuật trồng các loại cây phù hợp với đất đai, thời tiết. Sau gần 1 năm hỗ trợ lợn giống, trừ chi phí chăm sóc, mua lại lợn giống mỗi người lãi 2 triệu đồng/con. Có nhiều người đã phát triển đàn lợn và dê. Anh Lê Quang Son (A Ngo – A Lưới), thành viên của nhóm tự lực nam cho hay: Hai vợ chồng tôi đều nấu rượu, nuôi heo nên cuộc sống khá ổn định. Trước đây, nuôi heo không to, hay chết, nay được cán bộ thú y đến hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi nên tôi rất yên tâm, mỗi năm thu nhập thêm 15 triệu đồng.
Với sự giúp đỡ của tổ chức Di cư quốc tế, nhiều nạn nhân đã mạnh dạn bày tỏ nguyện vọng muốn được hỗ trợ vốn làm ăn, ổn định kinh tế và nhất là nâng cao nhận thức để tự bảo vệ trước nạn mua bán người. Trong số các nạn nhân được tạo điều kiện hoà nhập cộng đồng, có 18 nạn nhân nữ đã lập gia đình, có chồng con và tích cực phát triển kinh tế. Sau gần 3 năm thành lập, nhóm tự lực thuộc tổ chức Di cư quốc tế đã thu hút hơn 20 người.
Chị Hồ Thị Trễ (A Lưới), Trưởng nhóm tự lực nữ cho hay: Mỗi tháng, chúng tôi đều sinh hoạt, trao đổi kiến thức, cung cấp thông tin về thủ đoạn buôn bán phụ nữ, trẻ em. Chúng tôi biết phân biệt các thủ đoạn lừa bịp của những kẻ mua bán người và tuyên truyền trở lại trong cộng đồng dân cư. Một số thành viên trong nhóm còn mạnh dạn cung cấp thông tin để tìm kiếm những nạn nhân chưa trở về.
Đánh giá về hoạt động của nhóm tự lực, ông Hồ Quang Minh, Chi cục trưởng Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội cho rằng: Mô hình nhóm tự lực khá hiệu quả khi các nạn nhân ở gần nhau, có cùng hoàn cảnh, cùng tham gia sinh hoạt nên được hỗ trợ cả về tâm lý, kiến thức, kỹ năng và tài chính cho từng thành viên. Dự án có tác động tốt đối với sự phát triển kinh tế tại vùng khó khăn, giảm bớt áp lực về tìm kiếm việc làm cho nạn nhân bị mua bán trở về tái hoà nhập cộng đồng.
Bài, ảnh: Huế Thu
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đảm bảo an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững

Chiều 19/12, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) tổng kết công tác lao động, người có công và xã hội năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025. Tham dự hội nghị có các UVTV Tỉnh ủy: Nguyễn Quang Tuấn, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; Nguyễn Chí Tài, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy; Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh.

Đảm bảo an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững
Return to top