ClockChủ Nhật, 24/03/2013 05:53

Lật rừng tìm thảo dược

TTH.VN - Bắc Tây nguyên được thiên nhiên biệt đãi với nhiều loại thảo dược, trong đó có sâm Ngọc Linh tột quý. Thế nhưng, vùng dược liệu này đang đứng trước nguy cơ cạn kiệt khi hàng ngàn lượt người đang đổ xô vào rừng sâu tìm kiếm.

Cơn sốt tìm thảo dược chưa bao giờ có hấp lực mạnh mẽ với hàng chục ngàn người dân vùng bắc Tây nguyên như thời gian này. Chỉ cần vài ống bơ gạo, xoong nồi, ít cá khô, con dao và vài dụng cụ đào bới lận lưng, người dân sẵn sàng bỏ nhà bỏ rẫy vào rừng tìm thảo dược. Các thương lái cũng luôn đón lõng ngay cửa rừng thu mua “chiến lợi phẩm” người dân đào xới được, thứ tiêu thụ trong nước, thứ đóng thùng xuất sang Trung Quốc, Đài Loan bằng đường tiểu ngạch… Hậu quả là các loài thảo dược đứng trước nguy cơ bị tận diệt, môi trường ảnh hưởng, rừng sâu bị bới tung…

Người già cũng vào rừng tìm cây kim cương
Người già cũng vào rừng tìm cây kim cương - Ảnh: Trần Hiếu 

“Trung Quốc họ mua nhiều lắm”

Mới tinh mơ, A Quý ở xã Hiếu, H.Kon Plong (Kon Tum) đã giục vợ chuẩn bị lên đường vào rừng dù trời đang mưa rả rích. Chất vào gùi thức ăn, con dao quắm sắc lẹm và vài vật dụng gọn nhẹ khác, vợ chồng anh bước ra khỏi nhà, hòa cùng dòng người tiến sâu vào rừng tìm cây kim cương (còn gọi là lan gấm, thạch tằm, có lá trơn hình trứng, mặt trên lá màu xanh đen, phía dưới màu tím đỏ, gân lá màu vàng kim óng ánh) - loại cây mọc trong rừng già và phát triển mạnh vào những tháng cuối năm. Mùa này, người dân ở các xã Hiếu, Pờ Ê, Măng Bút, Măng Cành gọi là mùa kiếm tiền bởi đúng vào thời điểm cây kim cương nở hoa, dễ tìm. A Quý cho biết có cả trăm người lội vào rừng sâu như anh, có nhóm ở lại luôn trong rừng vài ba ngày để tìm loại thảo dược được thương lái mua với giá trên 1 triệu đồng/kg cây tươi này. “Họ nói là cây này chữa được bệnh ung thư, quý lắm, có nhiều cũng mua nên mọi người vào rừng tìm về bán. Sáng đi, chiều về bán lấy tiền ngay, ai cũng thích”, A Quý nói.

 
 

Vợ chồng mình thu mua cây kim cương đã gần chục năm nay. Không biết tác dụng thật sự của nó là gì, nhưng bên Trung Quốc, Đài Loan họ luôn cần nên khát hàng lắm. Một số thương lái phải bỏ tiền đặt cọc trước cho dân. Họ kiếm nhiều quá từ những năm qua nên kim cương cạn rồi, sợ vài mùa nữa sẽ không còn hàng

 

Chị Diễm, một đại lý thu mua cây kim cương ở Kon Tum

 

Để vào được vùng có cây kim cương, người dân phải đi 2, 3 giờ đồng hồ đường rừng. Chỉ cần kiếm được 2, 3 lạng cây kim cương mỗi ngày là đã có 300.000 - 400.000 đồng, một số tiền không nhỏ đối với những người dân còn khốn khó. Trong đoàn người tìm kim cương có ông Đinh Hồng Gió, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Hiếu. Ông cho biết đã vào rừng tìm loại cây này về bán cho thương lái từ nhiều năm nay.

Không chỉ ở Kon Tum, thương lái từ Gia Lai, Quảng Ngãi cũng đổ xô đến Kon Plong thu mua kim cương để bán đi Trung Quốc, Đài Loan. Chị Diễm, một đại lý thu mua cây kim cương khá lớn ở Kon Tum, nói: “Vợ chồng mình thu mua cây kim cương đã gần chục năm nay. Không biết tác dụng thật sự của nó là gì, nhưng bên Trung Quốc, Đài Loan họ luôn cần nên khát hàng lắm. Một số thương lái phải bỏ tiền đặt cọc trước cho dân. Họ kiếm nhiều quá từ những năm qua nên kim cương cạn rồi, sợ vài mùa nữa sẽ không còn hàng”.

Thực tế, không chỉ cây kim cương bị tàn phá. Để tìm được loại thảo dược chỉ dài non gang tay này, bước chân những người tìm kiếm đã giẫm qua nhiều vạt rừng sâu, bàn tay họ cầm dao phát chặt nhiều cây rừng một cách không thương tiếc. Chưa hết, hàng ngàn lượt người dân vùng bắc Tây nguyên cũng đang từng ngày lùng sục các loại thảo dược như nấm linh chi, mật nhân, hoàng đằng, sâm đá, cốt toái bổ, hồng sâm và đặc biệt là sâm quý Ngọc Linh, khiến những loài này đang dần cạn kiệt. Đã xảy ra tình trạng sâm Ngọc Linh giả từ phía bắc ngược đường vào Tây nguyên, trà trộn sâm thật gây cảnh thật giả lẫn lộn.

Ông Đặng Thanh Nam, Phó chủ tịch UBND H.Kon Plong, cho biết: “UBND huyện đã có công văn chỉ đạo chính quyền các địa phương bảo vệ các loại thảo dược bằng các biện pháp tuyên truyền, vận động bà con tăng cường sản xuất, không vào rừng tìm thảo dược bán cho thương lái… Tuy nhiên, do địa bàn rừng núi rộng, lực lượng mỏng, người dân ham cái lợi trước mắt và giá các loại này liên tục tăng cao nên người dân vẫn lén lút vào rừng tìm thảo dược bán…”.

Thương lái đến tận làng mua cây kim cương mỗi ngày
Thương lái đến tận làng mua cây kim cương mỗi ngày

Giá không ngừng tăng, nguồn hàng càng kiệt

Cùng tình trạng khai thác ồ ạt hàng chục loại thảo dược ở bắc Tây nguyên, những khu vực buôn bán thảo dược khá sầm uất cũng đã mọc lên. Tại Kon Tum, đường Lê Hồng Phong là nơi tập trung các điểm bán thảo dược với số lượng khá lớn và tấp nập. Chị Yến, một người bán thảo dược ở khu vực này, đã có 5 năm làm nghề, liến thoắng giới thiệu sản phẩm với khách: nào là cốt toái bổ trị đau lưng, đau khớp, viêm xoang; mật nhân chữa đau lưng, đau khớp, gai cột sống… Chị cho biết điểm bán thảo dược của chị có hơn chục loại như mật nhân, cốt toái bổ, hà thủ ô, cây chó đẻ, nhân trần…, hằng ngày có rất nhiều người từ các tỉnh thành tìm đến xem, mua hàng.

Tại phố Lê Hồng Phong, nhiều loại thảo dược được bày bán công khai, bất chấp nguồn gốc chúng được khai thác từ đâu. Ở cửa hàng của chị Yến, 1 kg mật nhân có giá 50.000 đồng/kg; cốt toái bổ 300.000 đồng/kg; hà thủ ô 100.000 đồng/kg… “Chỉ vài ba năm trước, sâm dây (hồng sâm) được bán với giá chừng 200.000 đồng/kg thì nay đã lên 450.000/kg. Nhiều người cũng vào rừng đào rễ khổ qua (mướp đắng) rừng về bán cho những người trị bệnh tiểu đường với giá đến 500.000 đồng/kg khô. Giá các loại thảo dược ngày càng lên, chưa thấy loại nào xuống cả”, chị Yến nói.

Thảo dược được bày bán ở “phố dược liệu” Lê Hồng Phong, TP.Kon Tum
Thảo dược được bày bán ở “phố dược liệu” Lê Hồng Phong, TP.Kon Tum

Gian hàng dược liệu của bà Hai cũng khá đông khách. Đã hơn 70 tuổi nhưng bà Hai còn rất nhanh nhẹn. Bà thật thà nói mỗi ngày sau khi trừ các khoản thuế phí phải nộp còn lại vài trăm ngàn đồng lãi, đủ nuôi thân. Cửa hàng của bà cũng bày bán rất nhiều loại dược liệu, được mua về từ các huyện Đắc Tô, Sa Thầy, Tu Mơ Rông, Kon Plong của tỉnh Kon Tum…

Trong nhiều lần mời gọi đầu tư, tỉnh Kon Tum đều đề cập đến việc sử dụng hiệu quả nguồn dược liệu rất quý ở địa phương. Nhưng đến nay, thực tế nguồn dược liệu vẫn bị khai thác vô tội vạ, dẫn đến cạn kiệt, còn nhà đầu tư thì ít thấy. Ông Vũ Hữu Tuấn, Chủ tịch UBND H.Tu Mơ Rông (Kon Tum), nói rằng sâm dây và đặc biệt là sâm Ngọc Linh đang hiếm dần vì cầu vượt cung. Hiện giá sâm Ngọc Linh loại tốt lên tới 70-80 triệu đồng/kg tươi nhưng vẫn không có hàng để bán. Nếu không có chiến lược bảo vệ, phát triển đúng hướng, nhiều loại dược liệu quý ở khu vực này sẽ bị xóa sổ, đặc biệt là sâm Ngọc Linh - được đánh giá là một trong những loại sâm tốt nhất thế giới hiện nay. 

Trần Hiếu (theo Thanh niên)
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đảm bảo an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững

Chiều 19/12, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) tổng kết công tác lao động, người có công và xã hội năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025. Tham dự hội nghị có các UVTV Tỉnh ủy: Nguyễn Quang Tuấn, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; Nguyễn Chí Tài, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy; Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh.

Đảm bảo an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững

TIN MỚI

Return to top