ClockThứ Hai, 02/12/2024 10:14

Một mốc son tự hào của A Lưới

TTH - Chương trình giảm nghèo trên địa bàn huyện A Lưới đã bám sát thực tế, nhất là các tiêu chí, tiêu chuẩn về giảm nghèo bền vững để triển khai thực hiện một cách đồng bộ và quyết liệt.

Lãnh đạo huyện A Lưới thăm hỏi, động viên hộ gia đình ông Trần Văn Khưa bị sạt lở Sạt lở vùi lấp nhà ở A Lưới, 2 người bị thươngA Roàng xa vẫn có sức hút

 Sinh hoạt văn hóa văn nghệ bên nhà Gươl - linh hồn của làng

Thành quả

Tại hội nghị công bố huyện A Lưới thoát nghèo vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương khẳng định, đây là một mốc son đáng tự hào trong hành trình phát triển của huyện A Lưới. Thừa Thiên Huế đã tập trung mọi nguồn lực với mục tiêu lựa chọn hỗ trợ đầu tư các dự án “trọng tâm, trọng điểm” phục vụ phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, lưu thông hàng hóa nhằm tạo sự đột phá, động lực phát triển và nâng cao thu nhập cho người dân.

Từ khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào danh sách huyện nghèo giai đoạn 2021 - 2025, huyện A Lưới đã tập trung nguồn lực của Trung ương, tỉnh, địa phương và huy động các nguồn lực khác để đầu tư, triển khai thực hiện có hiệu quả trên các lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH), đặc biệt là về tạo việc làm, hỗ trợ nhà ở và các mô hình sinh kế giúp người dân tăng thu nhập, vươn lên thoát nghèo.

Đến nay, huyện đã phê duyệt hỗ trợ xóa nhà tạm cho 3.786 hộ gia đình, với tổng kinh phí hơn 231 tỷ đồng. Trong đó, nguồn kinh phí từ các chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) hơn 200 tỷ đồng, hỗ trợ 3.341 nhà, gồm ngân sách Trung ương hơn 133 tỷ đồng và ngân sách địa phương cùng các nguồn xã hội hóa hơn 66,8 tỷ đồng.

Anh Hồ Minh Ý (36 tuổi, trú tại xã Quảng Nhâm, huyện A Lưới), một trong những hộ dân được hỗ trợ xóa nhà tạm trên địa bàn cho biết, bao năm tích cóp vẫn chưa xây dựng được ngôi nhà kiên cố để ở. Từ nguồn hỗ trợ của CTMTQG cùng với nguồn tích cóp được, vay mượn thêm, gia đình anh đã xây dựng được căn nhà khang trang, trị giá hơn 100 triệu đồng. Có nơi an cư, gia đình anh có điều kiện tập trung phát triển kinh tế, tham gia các mô hình sản xuất nông nghiệp để tạo sinh kế thoát nghèo bền vững.

Theo UBND huyện A Lưới, để thoát nghèo bền vững, ngoài nơi an cư, người dân còn được hỗ trợ sản xuất, tạo công ăn việc làm. Huyện đã tổ chức các lớp đào tạo nghề, phối hợp với Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tổ chức các ngày hội việc làm trên địa bàn, từ đó người lao động đã tiếp cận được với các nhà tuyển dụng. Trong giai đoạn 2022 - 2024, đã giải quyết việc làm cho hơn 2.000 lao động và có 120 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Huyện cũng triển khai các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn, với tổng kinh phí thực hiện trên 50 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch UBND huyện A Lưới thông tin, hiện nay trên địa bàn huyện A Lưới đã và đang triển khai thực hiện 3 CTMTQG với tổng kế hoạch vốn giai đoạn 2022 - 2024 là hơn 1.000 tỷ đồng. Trong đó, vốn đầu tư phát triển giai đoạn 2022 - 2024 hơn 623 tỷ đồng và vốn sự nghiệp hơn 390 tỷ đồng. Ngoài ra, còn có các chương trình, dự án liên quan khác đang triển khai.

Tháng 7/2024, Chính phủ đã ban hành quyết định công nhận huyện A Lưới thoát nghèo. Theo quyết định này, thời gian tới các nguồn lực từ CTMTQG giảm nghèo bền vững sẽ giảm đi, tuy nhiên, huyện vẫn đang triển khai thực hiện CTMTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi cùng CTMTQG xây dựng nông thôn mới. Huyện vẫn nhận được sự quan tâm, ưu tiên của UBND tỉnh trong bố trí ngân sách địa phương, tiếp tục hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng để phục vụ dân sinh và cung cấp các dịch vụ xã hội cơ bản, bảo đảm tính bền vững.

Thực chất và bền vững

Cũng theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, công tác giảm nghèo bền vững trên địa bàn huyện A Lưới luôn được chính quyền quan tâm hàng đầu và được xem là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, thường xuyên, lâu dài, thực hiện tốt nhằm đạt mục tiêu “không để ai bị bỏ lại phía sau”.

Quan điểm thực hiện chương trình giảm nghèo là bám sát thực trạng, để triển khai thực hiện một cách đồng bộ và quyết liệt trong chỉ đạo thực hiện. Huyện xác định rõ nguyên nhân và có phương án thoát nghèo theo địa chỉ cụ thể cho từng hộ. Chính vì thế, kết quả giảm nghèo trên địa bàn huyện A Lưới là thực chất và bền vững.

Từ một huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao, chiếm 49,98% vào cuối năm 2021, A Lưới giảm xuống còn 24,3% vào cuối năm 2023 và giảm còn 14,34% vào cuối năm 2024. Hiện nay, huyện tiếp tục chỉ đạo quyết liệt các giải pháp giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững thông qua các giải pháp, như: Tập trung hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, đẩy nhanh tiến độ thực hiện đầu tư các công trình cơ sở hạ tầng thuộc nguồn vốn 3 CTMTQG đã được phê duyệt; huy động các nguồn nội lực và thu hút đầu tư để đầu tư cơ sở hạ tầng ở những địa bàn khó khăn, phục vụ phát triển KT-XH.

Để tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, huyện đang tập trung thực hiện hiệu quả đề án tái cơ cấu nông nghiệp, nông thôn. Trong đó, phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp bền vững theo hướng chú trọng các sản phẩm đặc hữu gắn với bảo vệ rừng và từng bước nâng cao thu nhập cho người dân. Hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, duy trì các dự án đã có thương hiệu như “Bò A Lưới”, phát triển dự án trồng cây dược liệu, nuôi dê, lợn rừng...

Để thoát nghèo bền vững, A Lưới chủ trương tăng cường công tác tư vấn, giới thiệu việc làm theo hướng tiếp cận đến người dân và người lao động. Kết nối và trợ giúp lao động nghèo tìm kiếm việc làm ổn định thông qua hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài và đưa lao động đi làm việc tại các khu, cụm công nghiệp. Trong đó, ưu tiên, chú trọng mời gọi các doanh nghiệp tuyển dụng lao động và đầu tư để tạo việc làm tại chỗ.

Thời gian tới, A Lưới tiếp tục triển khai chương trình hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo theo các chính sách hỗ trợ của Nhà nước từ CTMTQG giảm nghèo bền vững và CTMTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025; lồng ghép nguồn vốn từ CTMTQG xây dựng nông thôn mới và các chính sách hỗ trợ của Trung ương, tỉnh áp dụng cho giai đoạn 2021 - 2025 và các năm tiếp theo.

A Lưới sẽ tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành thực hiện nhằm đảm bảo mục tiêu phát triển KT-XH và giảm nghèo bền vững. Trong đó, nâng cao năng lực và tăng cường trách nhiệm cho lãnh đạo và cán bộ làm công tác giảm nghèo ở các cấp, nhất là ở cấp xã. Đây là yếu tố quan trọng để thực hiện hiệu quả mục tiêu của kế hoạch giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 và sau khi A Lưới được công nhận huyện thoát nghèo.
Hà Nguyên
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Để “Thịt bò vàng A Lưới” vươn xa

Trên địa bàn huyện A Lưới hiện có 109 hộ sản xuất, kinh doanh (SXKD) sản phẩm từ thịt bò và chăn nuôi bò được Hội Nông dân (HND) huyện cấp quyết định sử dụng nhãn hiệu “Thịt bò vàng A Lưới”.

Để “Thịt bò vàng A Lưới” vươn xa
Thoát nghèo từ nguồn vốn chính sách

Từ nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), nhiều mô hình sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi trên địa bàn TX. Hương Trà đã được hình thành, phát triển, góp phần giúp người nghèo nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.

Thoát nghèo từ nguồn vốn chính sách

TIN MỚI

Return to top