|
Người dân gửi tiền vào ngân hàng để tích lũy, tiết kiệm (ảnh minh họa). Ảnh: Bảo Phước |
Một con số rất lớn về tăng trưởng tín dụng, khoảng 14% những năm gần đây, trong đó như đến cuối năm 2022, dư nợ ở lĩnh vực BĐS chiếm khoảng 21,4%. Để được hệ thống ngân hàng thương mại giải ngân con số khổng lồ nêu trên những người được vay phải có tài sản thế chấp, có vốn đối ứng, thường vào khoảng 30% thì chúng ta thấy một lượng tiền được tích lũy trong dân là khá lớn.
Một lĩnh vực khác cũng cho thấy lượng tiền ở trong dân cũng ngày càng nhiều hơn lên, đó là tăng trưởng tiền gửi tiết kiệm. Theo số liệu thống kê mới nhất, chỉ tính từ tháng 1 đến tháng 6 năm 2023 số tiền gửi tiết kiệm đã tăng thêm gần 340 ngàn tỷ đồng. Con số tuyệt đối tiền gửi tiết kiệm tính đến tháng 6/2023 là 6.382.886 tỷ đồng.
Người dân tiết kiệm nhiều hơn, giàu hơn lên là điều đáng lấy làm mừng. Vấn đề đáng nói là ai giàu hơn lên, sự giàu có hơn có phải được phân bổ đồng đều hay là chỉ một nhóm nào đó giàu hơn lên, còn số đông còn lại không tham gia gì được trong miếng bánh này mà thậm chí còn nghèo đi!
Nhìn về BĐS chúng ta thấy người ít tiền (dù là đã tiết kiệm cả đời) rất khó tham gia vào thị trường này, bởi BĐS có giá trị lớn. Mấy năm qua BĐS tăng cao đột biến mà chúng ta thường nói là “sốt” thì người ít tiền lại càng ít cơ hội. Ngay trong thị trường BĐS, theo Bộ Xây dựng cho biết, có đến 80% là BĐS cao cấp, tức là rất nhiều tiền. Dù là người mua BĐS để ở, để làm dịch vụ, để đầu tư, đầu cơ… thì cũng là người giàu mới tham gia được. Đúng là tiền đẻ ra tiền. Cũng đã có những cảnh báo về nợ xấu ngân hàng ở lĩnh vực BĐS. Nhưng dù có vậy thì nó cũng cho thấy một điều, người giàu sẽ càng giàu hơn. Một khi miếng bánh và những lợi ích kinh tế không phân chia đồng đều (dù là tương đối) thì khoảng cách giàu nghèo trong xã hội ngày càng giãn ra thêm.
Nhìn ở khía cạnh tăng trưởng tiền gửi tiết kiệm, như nêu trên, chúng ta sẽ thấy người dân đã có tích lũy nhiều hơn. Gần 6,4 triệu tỷ đồng là một con số lớn. Mặc dù lãi suất huy động giảm nhưng lượng tiền tiết kiệm chảy vào ngân hàng nhiều hơn, như trên đã nói, chỉ trong 6 tháng đã tăng gần 340 ngàn tỷ đồng, ít nhất cho chúng ta thấy: Những món gửi tiết kiệm không phải là những món tiền lớn. Nhiều người có một ít tiền nhưng chưa biết làm gì hoặc không thể tham gia vào những thị trường cần vốn lớn, chẳng hạn như BĐS… nên gửi vào ngân hàng để lấy tiền lãi, dù là lãi cao hay thấp. Với gần 6,4 triệu tỷ đồng gửi tiết kiệm cho thấy, ít nhất là số đông người dân đã có của ăn của để, hoặc tằn tiện trong chi tiêu để có tích lũy!?
Dù giàu lên ở dạng nào, miễn là làm ăn chân chính, không vi phạm pháp luật thì cũng đều được khuyến khích. Vấn đề là về mặt quản lý Nhà nước phải quản làm sao để cho thị trường phát triển lành mạnh. Chẳng hạn như BĐS. Thị trường này có sức lan tỏa cao trong nền kinh tế nên tín dụng chảy vào thị trường này nhiều cũng không có gì đáng ngạc nhiên. Vấn đề là phải định hướng để các dự án phát triến BĐS phải hài hòa lợi ích của số đông, tức là phân khúc nào cũng cần phát triển để đáp ứng nhu cầu của người dân, từ phân khúc bình dân như nhà ở xã hội đến phân khúc trung, cao cấp. Việc phát triển BĐS thời gian qua cho thấy độ “lệch pha”, là phân khúc cao cấp nhu cầu ít nhưng phát triển nhiều, phân khúc nhà ở giá rẻ nhu cầu nhiều nhưng phát triển ít. Việc thị trường phát triển không đi đúng nhu cầu của thị trường sẽ làm cho đất đai không được khai thác hiệu quả; có thể cản trở tốc độ phát triển kinh tế; có thể để lại nợ xấu cho hệ thống ngân hàng… nhu cầu của số đông người dân không được hỗ trợ, đáp ứng…
Dù thế nào cũng lấy làm vui khi người dân chúng ta… ngày càng có nhiều tiền.