ClockThứ Hai, 10/06/2019 05:45

Nhiều chính sách cho đồng bào dân tộc

TTH - Trưởng ban Dân tộc tỉnh Hồ Xuân Trăng khẳng định: "Chương trình giảm nghèo, giải quyết việc làm, thực hiện chính sách an sinh xã hội đối với đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) đã được các địa phương đặc biệt quan tâm''.

6,3 tỷ đồng hỗ trợ trẻ em, hộ gia đình nghèo vùng DTTSBồi dưỡng kiến thức cho người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số

Khảo sát lắp đặt nước sạch cho đồng bào DTTS xã Bắc Sơn (A Lưới) 

Nâng cao năng lực cộng đồng

Xã Thượng Nhật (Nam Đông) trước đây thuộc diện đặc biệt khó khăn. Toàn xã có gần 400 hộ, trong đó dân tộc Cơ Tu chiếm 93%.

Được sự quan tâm của tỉnh và huyện, các chương trình, dự án thuộc chính sách dân tộc, trong đó dự án “Hạ tầng cơ sở nông thôn dựa vào cộng đồng” triển khai ở Thượng Nhật được chính quyền địa phương thực hiện hiệu quả, góp phần đưa xã thoát khỏi danh sách các xã nghèo diện 135.

Năm 2018, các công trình bức thiết như: công trình thủy lợi, đường giao thông, nâng cấp hệ thống nước sạch... được phê duyệt đầu tư, tổ chức đấu thầu thi công. Từ nguồn vốn đối ứng của Chính phủ, vốn WB và cộng đồng đóng góp 5%, nguồn kinh phí xây dựng các công trình của dự án mỗi năm đạt hằng trăm triệu đồng, góp phần làm đổi thay bộ mặt Thượng Nhật và nâng cao đời sống cho bà con vùng cao.

Chủ tịch UBND xã Thượng Nhật Trần Đình Khởi cho rằng, ngoài việc nâng cao đời sống Nhân dân, các dự án từ chính sách dân tộc đã góp phần nâng cao năng lực quản lý cho cán bộ xã, thôn.

Cải thiện đời sống 

“Gia đình tôi phát triển kinh tế tốt là nhờ có chính sách dành cho đồng bào DTTS ở địa phương”, chị Hồ Thị Lành, một hộ đồng bào dân tộc Pa Cô ở thôn Loah – Ta Vai, xã Đông Sơn, huyện A Lưới bộc bạch.

Sau khi được vay vốn ưu đãi 50 triệu đồng và được hỗ trợ cây, con giống từ chương trình hỗ trợ đồng bào DTTS phát triển sản xuất, chị Lành tự huy động thêm vốn đầu tư mô hình nuôi bò đàn, kết hợp trồng rừng và mở cửa hàng kinh doanh tạp hóa. Quy trình sản xuất, hoạch toán kinh doanh được cán bộ khuyến nông và Hội phụ nữ, nông dân tập huấn, hướng dẫn đầy đủ. Mỗi năm gia đình chị có thu nhập từ chăn nuôi và buôn bán trên 150 triệu đồng. Nhờ chính sách hỗ trợ, nhiều hộ đồng bào ở đây đã phát triển trồng rừng và chăn nuôi gia súc đạt hiệu quả, thu nhập mỗi năm từ 150 - 200 triệu đồng.

Huyện A Lưới là địa bàn biên giới có trên 70% đồng bào DTTS, do đó việc thực hiện các chính sách dân tộc, miền núi được địa phương đặc biệt quan tâm. Cấp ủy, chính quyền các cấp ở địa phương thường xuyên rà soát các chính sách nhằm triển khai thực hiện đầy đủ, đồng thời lồng ghép chương trình trọng điểm về phát triển kinh tế, xã hội, nhất là chương trình hỗ trợ đất ở, đất sản xuất và hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh cho đồng bào DTTS.

Trưởng phòng Dân tộc huyện A Lưới Hồ Viết Ái cho hay, công tác dân tộc và chính sách dân tộc được các cấp, ngành quan tâm thực hiện kịp thời, đạt hiệu quả. Đặc biệt, hiệu quả từ Chương trình 135, 160... góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn cho huyện miền núi A Lưới. Tất cả các xã đều có trạm y tế và trường học khang trang, có bưu điện văn hóa, trạm truyền thanh, nhà sinh hoạt văn hóa cộng đồng... Các lĩnh vực đầu tư phát triển sản xuất, khai hoang, bố trí lại dân cư, lập vườn, trồng cây lâm nghiệp được ưu tiên đến hộ đồng bào DTTS, 100% hộ đồng bào được bố trí đất ở, đất sản xuất…

Triển khai hiệu quả các chính sách

Đời sống đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh ngày càng khởi sắc từ các chương trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi (thâm canh lúa nước, phát triển chăn nuôi và trồng rừng kinh tế... ) được các cấp, các ngành đẩy mạnh thực hiện. Nhiều mô hình kinh tế hiệu quả xuất hiện từ chuyển giao khoa học kỹ thuật, khuyến nông, khuyến ngư.

Thực hiện dự án hỗ trợ phát triển sản xuất cho các hộ đồng bào nghèo, Ban Dân tộc tỉnh đã tiến hành hỗ trợ hơn 35 tấn giống lúa; 1,2 tấn ngô; trên 19 nghìn cây ăn quả; 63 nghìn cây công nghiệp; 300 nghìn cây lâm nghiệp; hỗ trợ 28,6 nghìn con gia súc, 386 nghìn con cá giống; đồng thời, hỗ trợ cho các hộ đồng bào mua sắm thiết bị phục vụ sản xuất như: máy cày, máy tuốt lúa… với tổng kinh phí 8,7 tỷ đồng. Ngoài ra, đầu tư 95,3 tỷ đồng bố trí 9 điểm định canh định cư tập trung. Trong đó, có 3 dự án cơ bản hoàn thành là các dự án ở thôn Tà Rỵ (xã Hương Hữu); thôn Ta Rinh (xã Thượng Nhật) của huyện Nam Đông và dự án định canh định cư Khe Bùn (xã A Ngo) của huyện A Lưới.

Theo Trưởng ban Dân tộc tỉnh Hồ Xuân Trăng, ngoài hỗ trợ phát triển kinh tế, các địa phương thực hiện tốt chính sách miễn, giảm viện phí khám chữa bệnh cho đồng bào DTTS; cơ sở y tế được tăng cường, chất lượng khám chữa bệnh ngày càng nâng cao hơn. Học sinh là con em đồng bào nghèo được hỗ trợ đúng chế độ, góp phần nâng tỷ lệ học sinh huy động đến trường ngày càng cao (đạt trên 90%)...

Trên địa bàn tỉnh, đồng bào DTTS sinh sống chủ yếu ở 2 huyện miền núi Nam Đông, A Lưới và một số ít ở TX. Hương Trà, huyện Phú Lộc, huyện Phong Điền. Toàn tỉnh có 34 xã có đồng bào DTTS với hơn 53.670 người. Tỷ lệ hộ nghèo DTTS giảm bình quân trên 4,5%/năm. Cụ thể, số hộ nghèo từ 38,84% vào cuối năm 2015 đến nay còn 29%.

Bài, ảnh: Bá Trí

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hướng đi mới cho đồng bào vùng cao

A Lưới là huyện miền núi có tiềm năng lớn trong phát triển kinh tế nông nghiệp nhờ vào lợi thế về đất đai và điều kiện tự nhiên. Thời gian qua, các chính sách hỗ trợ cụ thể từ tỉnh và huyện đã giúp người dân nơi đây áp dụng các mô hình kinh tế bền vững, từ đó cải thiện đáng kể đời sống.

Hướng đi mới cho đồng bào vùng cao
Cần tháo gỡ các nút thắt về vốn cho hoạt động tín dụng chính sách

Ngày 25/10, Đoàn công tác của Hội đồng quản trị (HĐQT) Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) Việt Nam do ông Ngô Văn Cương, thành viên HĐQT NHCSXH Việt Nam làm Trưởng đoàn đã có buổi kiểm tra, giám sát đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh.

Cần tháo gỡ các nút thắt về vốn cho hoạt động tín dụng chính sách
Giữ nghề chạm khắc gỗ của đồng bào Pa Cô

Vùng đất phía tây Thừa Thiên Huế không chỉ thu hút du khách bởi cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ, mà còn nhờ vào sự đa dạng về văn hóa và nghệ thuật truyền thống của các dân tộc thiểu số (DTTS). Trong đó, nghề chạm khắc gỗ của đồng bào Pa Cô đã trở thành một biểu tượng đặc sắc, mang trong mình những giá trị lịch sử và tâm linh. Giữa dòng chảy của thời gian, ông Cu Đài, một nghệ nhân điêu khắc gỗ đã nỗ lực hết mình để gìn giữ và phát triển nghề truyền thống này.

Giữ nghề chạm khắc gỗ của đồng bào Pa Cô
Return to top