Bệnh nhân được đào tạo nghề may tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh
Nội bất xuất, ngoại bất nhập
TT BTXH tỉnh được đầu tư xây dựng khang trang trong khuôn viên rộng rãi, thoáng mát, nhiều cây xanh. Nhiều năm qua, đơn vị này nỗ lực tuyển nhân sự nhưng vì nhiều lý do, bác sĩ không mặn mà. Giám đốc Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Ngô Duy Bình lo lắng: “Nói thật, nếu TT có ca nhiễm COVID-19 sẽ rất khó xử lý khi bác sĩ không có. Vì vậy, cùng một lúc, chúng tôi phải thực hiện rất nhiều giải pháp”.
Hiện, TT “nội bất xuất, ngoại bất nhập”. Tại đây, việc xử lý môi trường được thực hiện 1 tuần 2 lần, phun thuốc khử khuẩn liên tục. Để phòng chống dịch, bệnh nhân và học viên phải rửa tay bằng xà phòng diệt khuẩn trước khi ăn, số được ra ngoài bắt buộc phải mang khẩu trang, trong khu vực tập trung chủ yếu vệ sinh cá nhân và môi trường đảm bảo. Lương thực thực phẩm nhập vào cũng xử lý khử khuẩn ngay từ cổng, kể cả các nhân viên cung cấp thực phẩm. Cán bộ của TT trước khi vào cơ quan cũng phải rửa tay sát khuẩn, đo thân nhiệt.
Do không có bác sĩ nên việc chăm sóc cho toàn bộ bệnh nhân phụ thuộc vào đội ngũ cán bộ y tế gần 20 người, gồm 5 y sĩ đa khoa, 2 điều dưỡng (hệ cao đẳng), 10 hộ lý và 1 quản lý kho dược. Hàng ngày, đội ngũ hộ lý giúp bệnh nhân tắm rửa, cơm nước, trang cấp quần áo, giày dép, sinh hoạt cá nhân. Cán bộ điều dưỡng, y sĩ đa khoa phụ trách từng nhóm bệnh nhân, theo dõi tình hình sức khoẻ, cấp phát thuốc.
“Bình thường, việc chăm sóc sức khoẻ cho hàng trăm bệnh nhân tâm thần, khuyết tật nặng, đặc biệt nặng về thần kinh và học viên cai nghiện đã vất vả thì hiện càng áp lực, vất vả hơn nhiều”. Ông Hồ Đậu, Phó Giám đốc TT BTXH tỉnh cho hay.
Chờ bác sĩ
Theo ông Hồ Đậu, thu nhập thấp, áp lực công việc lớn, việc phát triển tay nghề hạn chế, môi trường làm việc nhiều rủi ro, căng thẳng, ở xa thành phố… là những nguyên nhân TT BTXH tỉnh 34 năm qua không thu hút được bác sĩ. Thiếu bác sĩ nên lâu nay, với bệnh nhân tâm thần, TT phối hợp với bác sĩ chuyên khoa của Bệnh viện Tâm thần (thuộc Sở Y tế), vào giữa và cuối tháng, sẽ có 2 bác sĩ lên thăm khám, kiểm tra, ký xác nhận bệnh án và điều chỉnh thuốc để TT tiến hành cấp phát thuốc theo phác đồ điều trị.
Giám đốc TT BTXH tỉnh nhìn nhận: “Ở đây bao nhiêu bệnh tật xảy ra chứ đâu chỉ có phác đồ cắt cơn hay tâm thần, an thần. Vì không có bác sĩ nên có nhiều trường hợp rất đáng tiếc. Đúng ra, họ được chuyển viện, được kiểm tra sức khoẻ, nhưng mình không đủ trình độ kiểm tra cũng như chuyển viện. Nếu có bác sĩ họ sẽ quyết ngay”. Ngay như bệnh nhân qua đời cũng phải mời giám định pháp y, công an vào cuộc để giải quyết cho rõ vì sao họ chết chứ không gia đình bệnh nhân kiện.
“Hiện, đội ngũ của TT cơ bản đáp ứng được, nhưng nói về y tế thì thú thật, chưa có lúc nào chúng tôi yên tâm. Bởi cán bộ TT chỉ qua kinh nghiệm thực tế, làm việc theo cảm nhận của mình”, ông Bình bày tỏ. Ví như có một số trường hợp bệnh nhân lên cơn hay học viên cai nghiện lên cơn vã thuốc quậy phá, TT đành gọi bệnh viện xin chuyển. Thủ tục sẽ bổ sung sau.
Hộ lý Nguyễn Thị Diệu Tâm mong mỏi, nếu TT có 1 bác sĩ thì quá tốt. Không chỉ tâm thần, bệnh nhân còn nhiều bệnh lý khác ngoài tầm khả năng của cán bộ, nên không điều trị được. “Chúng tôi rất cần một bác sĩ vừa có chuyên môn tâm thần vừa theo dõi được bệnh lý khác để hỗ trợ. Chứ mỗi lần có trường hợp đau ốm nặng cần chuyển viện, TT bắt buộc phải cử cán bộ đi theo chăm sóc bệnh nhân. Những lúc thế này, cán bộ ở nhà rất vất vả do “khuyết” người”.
Ông Ngô Duy Bình cho hay, trong một lần Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ lên thăm, làm việc tại TT, đã phát biểu, “ở đây không có bác sĩ thì gay quá, bằng mọi giá với chính sách biệt phái phải có một bác sĩ”. Nhưng đến bây giờ, TT vẫn đang còn trông chờ... - ông Bình buồn bã.
Bài, ảnh: Liên Minh