ClockThứ Sáu, 16/07/2021 06:45

Nơi nghĩa tình đọng lại

TTH - Với đạo lý “Uống nước, nhớ nguồn” đối với các gia đình chính sách, người có công, trong 8 năm qua, TP. Huế đã hỗ trợ xây mới và sửa chữa hơn 350 nhà tình nghĩa, trị giá trên 5 tỷ đồng cùng với nhiều hoạt động chăm lo đời sống cho các đối tượng có công.

TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Hải Minh (bìa trái) thăm gia đình chính sách trên địa bàn TP. Huế

Chăm lo gia đình chính sách

Căn nhà của thương binh Nguyễn Duy Mễ ở 14 Nguyễn Chí Thanh, phường Phú Cát (nay là phường Gia Hội) nhiều năm qua xuống cấp, nhưng gia đình không có điều kiện sửa chữa, xây mới. Tháng 8/2020, thông qua nguồn quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”, thành phố hỗ trợ gia đình 30 triệu đồng cùng với nguồn đóng góp của con cháu nên gia đình đã xây mới ngôi nhà, sửa sang lại nơi thờ cúng tổ tiên nhằm tri ân những người đã mất, đồng thời động viên, sẻ chia những mất mát của gia đình.

Theo ông Mễ, đây là món quà ý nghĩa thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của thành phố dành cho các gia đình chính sách. Từ nguồn hỗ trợ của Nhà nước, gia đình đã kêu gọi sự đóng góp của con cháu để xây dựng nhà ở, an dưỡng tuổi già. Không chỉ hỗ trợ vật chất, nhiều năm qua lãnh đạo thành phố và các ban ngành thường xuyên quan tâm, động viên tinh thần nhân các dịp lễ, tết, đây thực sự là món quà tinh thần quý giá.

Bà Trương Thị Huyền, con liệt sĩ Trương Ngọc Quách ở phường Thuận Hoà là gia đình có hoàn cảnh khó khăn, nhà cửa xuống cấp, song không có kinh phí sửa chữa. Tháng 6/2020, sau khi thực hiện chủ trương của tỉnh và TP. Huế di dời ra Khu dân cư Bắc Hương Sơ để trả lại mặt bằng cho di tích Kinh thành Huế, gia đình được thành phố hỗ trợ 30 triệu đồng từ Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”cùng với khoản tiền dành dụm của gia đình, căn nhà được xây mới để làm nơi thờ tự liệt sĩ, đồng thời là nơi cả gia đình sum vầy.

Năm 2020, trích từ nguồn kinh phí Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”, thành phố đã hỗ trợ 510 triệu đồng cho 29 hộ gia đình người có công với cách mạng xây dựng và sửa chữa nhà ở. Hiện, các ngôi nhà đã hoàn thành và đưa vào sử dụng, mang lại niềm vui, động viên lớn lao cho các đối tượng chính sách.

Năm 2021, thông qua các đợt khảo sát, thẩm định tại các phường, thành phố có quyết định hỗ trợ xây mới và sửa chữa khoảng 40 nhà tình nghĩa cho các gia đình chính sách với tổng mức hỗ trợ trên 750 triệu đồng; từ nay đến cuối năm, sẽ tiếp tục khảo sát, lựa chọn các đối tượng gia đình chính sách nằm trong tiêu chí để hỗ trợ xây dựng nhà ở với mong muốn mang lại niềm vui, sự động viên kịp thời cho những gia đình chính sách và người có công để giúp họ có cuộc sống tốt hơn. 

Hướng về người đã khuất

Nghĩa trang Liệt sĩ (NTLS) TP. Huế là nơi yên nghỉ của gần 2.000 liệt sĩ, hằng ngày đón hàng trăm thân nhân liệt sĩ khắp nơi trong cả nước đến thắp hương và tưởng niệm. Vì vậy, việc chỉnh trang và nâng cấp nghĩa trang đã được UBND TP. Huế đẩy nhanh tiến độ. Theo đó, giai đoạn 1 của dự án có tổng mức đầu tư 49,6 tỷ đồng, đến nay đã hoàn thành và đưa vào sử dụng, tạo không gian trang nghiêm, ấm cúng nơi yên nghỉ của các anh linh, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi để thân nhân đến viếng thăm và hương khói. TP. Huế đang lập dự án giai đoạn 2 với tổng mức đầu tư khoảng 25 tỷ đồng, trong đó tập trung chỉnh trang mặt đường, xây dựng tường rào, nâng cấp các hạng mục đường nội bộ nhằm hoàn thiện hạ tầng trong và ngoài nghĩa trang. Dự kiến, công trình sẽ khởi công vào đầu năm 2022 và hoàn thành trước tháng 7/2022.

Cùng với công trình NTLS thành phố, năm 2021 thành phố đầu tư 700 triệu đồng nâng cấp NTLS phường Hương Long và nâng cấp Đài tưởng niệm Anh hùng liệt sĩ phường An Đông, đồng thời chỉnh trang, cải tạo và làm vệ sinh các NTLS tại các địa phương nhằm chỉnh trang khuôn viên yên nghỉ của các liệt sĩ cũng như tạo không gian thông thoáng, trang nghiêm để đón tiếp thân nhân liệt sĩ đến thắp hương và tưởng niệm.

Theo Trưởng phòng Lao động - Thương binh & Xã hội TP. Huế Dương Xuân Mân, cùng với việc đầu tư xây dựng, nâng cấp các NTLS, nhà chính sách và thường xuyên thăm hỏi, động viên các gia đình chính sách, người có công, lãnh đạo thành phố và các địa phương huy động mọi nguồn lực chăm lo tốt đời sống vật chất và tinh thần cho người có công với cách mạng nhằm thể hiện trách nhiệm, tình cảm của các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị và các tầng lớp Nhân dân trên địa bàn thành phố đối với người có công.

Thành phố đang chỉ đạo các các cấp ủy, chính quyền, các ngành, các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội phối hợp tổ chức các hoạt động kỷ niệm 74 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ thiết thực, hiệu quả, tiết kiệm, đẩy mạnh các hoạt động xã hội hóa phong trào “Đền ơn, đáp nghĩa”, đồng thời huy động toàn thể đảng viên, cán bộ và Nhân dân hưởng ứng tham gia, để tất cả người có công đều được quan tâm chăm sóc, ổn định về đời sống vật chất và tinh thần.

Bài, ảnh: Thanh Hương

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Giữ cốt cách gia đình truyền thống Huế

Con người Huế có tính cách và lối sống đặc trưng, thể hiện qua sự kín đáo, ý tứ, trầm lặng, hoài cổ, hướng nội, nền nếp gia phong… Đó là đặc trưng của gia đình truyền thống Huế. Các gia đình Huế ngày nay vẫn giữ được sâu đậm thuần phong mỹ tục, nền nếp trong quan hệ gia đình. Đó là nhận định của PGS.TS. Nguyễn Văn Mạnh - nguyên Trưởng khoa Lịch sử, Trường đại học Khoa học, Đại học Huế khi bàn về gia đình truyền thống Huế trong xã hội hiện đại.

Giữ cốt cách gia đình truyền thống Huế
Chuyến trở về của cha

Năm tôi 49 tuổi, cha dẫn tôi về Huế. Cha bảo: “Rất có thể đây là chuyến thăm quê cuối cùng”. Gọi là dẫn nhưng thật ra có lúc tôi phải dìu đỡ ông. Ngoài 80, dù đầu óc vẫn còn minh mẫn nhưng các cơ quan hoạt động của người già đã đồng loạt rệu rã. Nhất là từ sau khi mẹ tôi mất, cha như yếu hẳn đi. Nỗi buồn bao giờ cũng là kẻ thù bào mòn sức lực. Cha ăn ít, nói ít, có hôm chỉ tha thẩn ngồi dưới tán cây sộp cổ thụ trước nhà. Hỏi gió máy quá cha ngồi đó làm gì, cha cười, bảo đang trò chuyện với thiên nhiên. Nhưng ông chỉ lắng nghe thôi, nào là tiếng lá rụng, tiếng chim ca, tiếng của con sóc nâu truyền cành ngó đôi mắt láo liên nhìn ông già tóc bạc nhấp chén trà lạt ướp hoa sói trong buổi sáng trời se se lạnh.

Chuyến trở về của cha
Chính sách sử dụng người tài: Lịch sử và vấn đề đặt ra

Phát hiện, tiến cử, thu hút, trọng dụng nhân tài luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm. Việc đặt ra những chính sách kịp thời, phù hợp hơn để thu hút và trọng dụng nhân tài là vô cùng quan trọng và cần thiết trong giai đoạn hiện nay.

Chính sách sử dụng người tài Lịch sử và vấn đề đặt ra
Return to top