ClockThứ Sáu, 11/10/2019 20:08

Phấn đấu đưa tỷ lệ hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số xuống dưới 15%

TTH.VN - Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số (DTTS) toàn tỉnh lần thứ III năm 2019, được long trọng tổ chức ngày 11/10 tại TP Huế, với sự tham dự của 210 đại biểu đại diện cho hơn 54.000 đồng bào DTTS chung sống trên địa bàn tỉnh.

Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Y Thông tặng lẵng hoa chúc mừng Đại hội

Dự Đại hội, về phía Trung ương có Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc Hội Nguyễn Lâm Thành; Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Y Thông. 

Về phía lãnh đạo tỉnh có Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bùi Thanh Hà; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Phan Ngọc Thọ, cùng lãnh đạo các sở, ngành, địa phương liên quan.

Triển khai đồng bộ các chính sách

Theo Trưởng ban Dân tộc tỉnh Hồ Xuân Trăng, trong 5 năm qua với sự nỗ lực của hệ thống chính trị và đồng bào các dân tộc, diện mạo vùng miền núi ngày càng khởi sắc, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào các DTTS từng bước được cải thiện rõ rệt. Nội dung chỉ đạo công tác dân tộc, chính sách dân tộc đã được đưa vào chương trình công tác của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh.

Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 04-NQ/TU về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020; UBND tỉnh ban hành kế hoạch số 16/KH-UBND về phân công các sở, ban, ngành, đoàn thể, trường học giúp đỡ các xã có tỷ lệ hộ nghèo trên 25% ở hai huyện A Lưới, Nam Đông giai đoạn 2016-2020. 

Kinh tế vùng đồng bào DTTS của tỉnh phát triển khá vững chắc. Tốc độ tăng giá trị sản xuất bình quân chung tăng trên 16% /năm. Thu nhập bình quân đầu người năm 2018 đạt 27 triệu đồng/người/năm, tăng gấp 1,5 lần so với năm 2014. Tổng nguồn vốn huy động thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo về hỗ trợ phát triển sản xuất trên địa bàn DTTS toàn tỉnh từ 2014-2019 đạt hơn 51 tỷ đồng, với hơn 5.930 hộ hưởng lợi…

Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Y Thông đánh giá, các chính sách dân tộc được cấp ủy, chính quyền các cấp tỉnh Thừa Thiên Huế triển khai khá đồng bộ, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội, QP-AN, tạo cho nền kinh tế vùng đồng bào DTTS có tăng trưởng khá, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, các chính sách an sinh xã hội được quan tâm, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào DTTS được cải thiện rõ rệt…

Nhiều giải pháp phát triển vùng DTTS được Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ trao đổi với các đại biểu bên lề Đại hội

Thay đổi phương thức sản xuất cho đồng bào

Chỉ đạo Đại hội, Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ cho rằng, trong 5 năm qua, toàn tỉnh đã tập trung làm tốt công tác tuyên truyền, vận động chỉ đạo thực hiện tốt công tác giảm nghèo nhanh và bền vững. Đồng thời, phát huy tốt tiềm năng thế mạnh từng vùng gắn với lồng ghép các chương trình dự án nên đã tạo cơ hội tốt cho đồng bào DTTS vươn lên phát triển kinh tế, làm giàu chính đáng, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo chung của tỉnh. Tỷ lệ hộ nghèo giảm gần 14% trong 4 năm từ 2014 – 2018.

Tuy nhiên, Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ trăn trở, tỷ lệ hộ nghèo giảm dần hàng năm song vẫn còn ở mức rất cao so với mức bình quân chung của toàn tỉnh (25,52%/5,03%). Để giảm nghèo nhanh và bền vững trong những năm đến, bên cạnh sự quan tâm đầu tư của Đảng, Nhà nước, của cộng đồng xã hội, đồng bào các DTTS phải kiên quyết từ bỏ tập quán du canh, du cư; khắc phục tư tưởng mặc cảm tự ti, thụ động, trông chờ, ỷ lại và sản xuất đơn lẻ.

Đồng thời lưu ý, chúng ta không đầu tư dàn trải cho riêng từng đối tượng người nghèo mà lấy sự phát triển của cộng đồng làm trung tâm thông qua các chương trình, dự án. Bên cạnh sự hỗ trợ vật tư, vốn, phải có sự hỗ trợ về khoa học kỹ thuật, kết nối giữa sản xuất với chế biến và thị trường tiêu thụ. Nói không với sản xuất đơn lẻ, thay đổi phương thức sản xuất, quan hệ sản xuất, qua đó mới có được sức sản xuất mới, tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho người dân.

Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Y Thông tặng Bằng khen của Ủy ban Dân tộc cho các tập thể

Cũng theo Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ, thời gian qua, các chính sách hỗ trợ cho giáo dục đào tạo, cơ sở vật chất thiết yếu phục vụ cho công tác đào tạo, giảng dạy ở vùng đồng bào DTTS được đầu tư hoàn thiện nhưng chất lượng giáo dục vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển hiện nay. Vì vậy, cần tập trung nâng cao chất lượng giáo dục ở vùng đồng bào DTTS, triển khai hiệu quả chính sách đặc thù đối với con em các dân tộc sau khi tốt nghiệp phổ thông trung học. Nếu không thi vào các trường trung cấp, cao đẳng, đại học thì bố trí cho đi học nghề và giải quyết công ăn, việc làm sau khi ra trường để tránh lãng phí nguồn nhân lực rất cần cho sự phát triển của các vùng DTTS trong thời kỳ hội nhập sâu rộng ở nước ta hiện nay.

Một số tham luận của các đại biểu tại Đại hội đã tập trung vào giải pháp lồng ghép triển khai các chương trình, hợp phần dự án thuộc chính sách dân tộc vào chương trình phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương. Hình thành các chuỗi giá trị ngành hàng trên lĩnh vực sản xuất nông, lâm nghiệp của bà con. Các mô hình dự án Phát triển sản xuất thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia cần tập trung theo lợi thế ở mỗi địa phương, tạo chuỗi liên kết giá trị phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS, tiến đến xây dựng thương hiệu cho từng sản phẩm.

Ngoài việc tổ chức tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, cần chú trọng đào tạo nghề gắn với hoạt động của các doanh nghiệp, trang trại sản xuất nông - lâm nghiệp trong và ngoài địa bàn. Qua đó, nhằm đảm bảo tăng khả năng giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, phấn đấu đến năm 2024 giảm tỷ lệ hộ nghèo đồng bào DTTS xuống dưới 15%.

Bài, ảnh: Bá Trí

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tầm quan trọng của mạng lưới chăm sóc sức khỏe tim mạch đa tuyến

Ngày 14/12, Đại hội Tim mạch học toàn quốc lần thứ 19 chính thức khai mạc, thu hút 2.200 đại biểu và hội viên trong, ngoài nước. Với chủ đề “Tim mạch học trong kỷ nguyên mới: Con đường bước ra thế giới", đại hội diễn ra với nhiều hoạt động đến ngày 15/12.

Tầm quan trọng của mạng lưới chăm sóc sức khỏe tim mạch đa tuyến
Return to top