Bảo hiểm xã hội tỉnh tăng cường công tác truyền thông chính sách bảo hiểm đến với người dân
Theo báo cáo của các đơn vị BHXH trong Cụm 6, gồm BHXH 9 tỉnh, thành phố: Thừa Thiên Huế, TP. Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hoà, Ninh Thuận và Bình Thuận, những tháng đầu năm 2022, BHXH các tỉnh đã có nhiều nỗ lực trong công tác phát triển người tham gia BHXH, BHYT, BH thất nghiệp cũng như công tác thu và đôn đốc thu hồi nợ BHXH, BHYT... Tuy nhiên, do đặc thù của các địa phương nên công tác thu hồi nợ tại một số BHXH gặp nhiều khó khăn, nhất là nợ “treo” trong các DN giải thể, phá sản, dừng hoạt động.
Theo ông Nguyễn Viết Dũng - Giám đốc BHXH Thừa Thiên Huế, hiện UBND tỉnh đã ban hành chính sách hỗ trợ thêm 25% cho người cận nghèo tham gia BHYT; hỗ trợ thêm 30% cho người nghèo thiếu hụt các tiêu chí xã hội cơ bản. Vì vậy, toàn tỉnh có 1.145.345 người tham gia BHYT và theo kế hoạch, Thừa Thiên Huế còn phải vận động 18.978 người tham gia BHYT để hoàn thành chỉ tiêu giao. Bên cạnh đó, toàn tỉnh cũng phải vận động 7.486 người tham gia BHXH bắt buộc và 13.650 người tham gia BHXH tự nguyện mới hoàn thành chỉ tiêu. Đáng chú ý, số tiền chậm đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp cũng lên 240 tỷ đồng (chiếm 6,95% số phải thu).
Tại buổi làm việc, BHXH các tỉnh đã phân tích những khó khăn, thuận lợi trong công tác phát triển người tham gia BHXH, BHYT, BH thất nghiệp, đặc biệt những khó khăn trong vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình. Đồng thời, khẳng định đến hết năm 2022 các địa phương sẽ hoàn thành kế hoạch thu, phát triển người tham gia; phấn đấu giảm tỷ lệ chi KCB BHYT, đảm bảo dự toán được giao.
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam- Đào Việt Ánh cho biết, trong Cụm 6 hiện có 3 BHXH tỉnh gặp nhiều khó khăn trong công tác thu, phát triển đối tượng, công tác KCB BHYT, gồm Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Bình Định. Đặc biệt, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng dự kiến sẽ vượt dự toán chi phí KCB BHYT. Đồng thời, BHXH các tỉnh cũng cần tham mưu UBND tỉnh có chính sách hỗ trợ người dân tham gia BHYT, BHXH tự nguyện (Bình Thuận, Phú Yên, Ninh Thuận).
Đồng thời, Phó Tổng Giám đốc Đào Việt Ánh cũng khẳng định, qua từng ý kiến thì các địa phương cơ bản đảm bảo công tác thu BHXH, BHYT, BH thất nghiệp, cơ bản hoàn thành kế hoạch. Riêng Thừa Thiên Huế đề xuất BHXH Việt Nam giao chỉ tiêu phát triển BHYT đảm bảo chỉ tiêu trên dân số, còn lại các chỉ tiêu đều đạt; 2/9 đơn vị chỉ tiêu BHXH tự nguyện có thể không đạt, song lấy chỉ tiêu BHXH bắt buộc bù vào.
Ông Đào Việt Ánh cho rằng, BHXH các địa phương tiếp tục nắm vững đối tượng, phân tích được nguyên nhân người dân chưa tham gia BHXH tự nguyện để có chính sách hỗ trợ. Ban Quản lý thu, sổ thẻ phối hợp Tổng cục Thuế hỗ trợ các địa phương xác định nhanh số đơn vị, người lao động tăng nhưng người tham gia BHXH không tăng. Với các địa phương giảm sâu cần phân tích nguyên nhân để sớm có các giải pháp khắc phục.
Tin, ảnh: Thanh Hương