ClockThứ Hai, 10/07/2017 05:26

Tận tâm & yêu thương

TTH - Sự tận tâm, tình yêu thương của các cán bộ, nhân viên ở Trung tâm Điều dưỡng, chăm sóc người có công tỉnh đã mang đến niềm vui, xây dựng nên một mái ấm chung của những người có công với cách mạng.

Tập vật lý trị liệu tại trung tâm Điều dưỡng, chăm sóc người có công

Đến thăm các cụ tại khu nuôi dưỡng người già neo đơn của trung tâm, chúng tôi cảm nhận được niềm vui trên từng khuôn mặt hằn sâu nếp thời gian. Các cụ ở đây hầu hết đều là thương binh, bệnh binh, Mẹ Việt Nam anh hùng, thân nhân liệt sĩ, gia đình cách mạng, tiền khởi nghĩa... Tuổi tác khác nhau, mỗi người lại một tính. Nhiều người trong số họ còn mang những vết thương chiến tranh, thỉnh thoảng âm ỉ, nhức nhối. Nhưng sự thân tình, gần gũi đã gắn kết các cụ và cán bộ, nhân viên trung tâm như người một nhà. Ở đây, các cụ luôn được chăm sóc từ bữa ăn, giấc ngủ và được kiểm tra sức khoẻ định kỳ. Sự chăm sóc tận tình đó phần nào an ủi các cụ quên đi những thiệt thòi trong cuộc sống.

Trung tâm hiện chăm sóc 23 cụ theo diện nuôi dưỡng thường xuyên và trong năm 2017 này, tiến hành điều dưỡng luân phiên cho 2.323 cụ. Mỗi phòng ở có 3 cụ, phòng ốc khang trang, có vệ sinh khép kín. Khu nhà bếp, phòng ăn, phòng sinh hoạt chung, phòng điều dưỡng, phòng nghỉ… được bố trí khoa học, sạch sẽ, thoáng đãng cùng hệ thống máy móc phục vụ cho các hoạt động chăm sóc, phục hồi sức khoẻ. Chăm sóc sức khỏe cho các cụ là điều cốt lõi được cán bộ trung tâm đặt lên hàng đầu. 5h30 mỗi sáng, các cụ được cán bộ y tế hướng dẫn tập thể dục dưỡng sinh, tăng cường sức khỏe, sự dẻo dai. Các bài tập vật lý trị liệu, như châm cứu, xoa bóp bấm huyệt, chiếu đèn hồng ngoại được thực hiện đều đặn. Nhiều năm qua, cụ Phạm Thị Hư (86 tuổi), quê ở xã Quảng Thái, huyện Quảng Điền là thân nhân liệt sĩ mỗi năm đến điều dưỡng tại trung tâm một đợt. Cụ chia sẻ: “Cán bộ nơi đây chăm sóc tôi rất chu đáo. Mỗi lần điều dưỡng ở đây về tôi đều thấy khỏe ra, tinh thần sảng khoái lên rất nhiều”.

Chị Nguyễn Thị Loan, phụ trách nhà ăn trung tâm, cho biết: “Chúng tôi luôn cố gắng xây dựng thực đơn đầy đủ chất dinh dưỡng và phong phú bằng cách khảo sát mong muốn, đề xuất của các cụ”. Các cụ ở đây có khẩu vị ăn uống khác nhau, có cụ ăn cơm, cụ ăn cháo, lại có cụ ăn chay, sự khác biệt đó được nhân viên nhà ăn vui vẻ đáp ứng, đem đến bữa ăn ngon miệng và hợp khẩu vị cho từng cụ.

Nhiều cụ ở đây tuổi cao sức yếu, không thể tự chăm lo cho bản thân. Cán bộ trung tâm không nề hà từ việc vệ sinh thân thể đến bón thức ăn. Ngoài việc chăm sóc từng miếng ăn, giấc ngủ, cán bộ ở đây còn luôn chuyện trò, tâm sự để các cụ không cảm thấy buồn khi không có người thân bên cạnh. Đời sống tinh thần của các cụ luôn được trung tâm quan tâm bằng việc phối hợp với các đơn vị tổ chức thường xuyên các buổi sinh hoạt văn nghệ, trang bị ti vi, thư viện với nhiều loại sách báo, xây dựng môi trường cảnh quan xanh, sạch hay những tổ chức những buổi thăm quan di tích lịch sử, thăm lại chiến trường xưa. Đó là “liều thuốc” bổ trợ hữu hiệu, giúp các cụ phần nào cảm thấy bớt mệt mỏi, cô đơn. Cụ Hoàng Thị Gái (76 tuổi) là nạn nhân chất độc hóa học khi hoạt động kháng chiến, vào trung tâm ở đã được 7 năm, tâm sự: “Ở đây, tôi thấy vui vì được bầu bạn với những người bạn già. Tôi rất cảm động vì được cán bộ tận tình chăm sóc sóc, đem lại cảm giác của một gia đình”.

Niềm tri ân sâu sắc chính là động lực để cán bộ, nhân viên tiếp tục gắn bó với công việc, giúp các cụ xoa dịu vết thương chiến tranh, đền đáp phần nào những cống hiến, hy sinh cho đất nước được độc lập, tự do. Anh Nguyễn Sĩ Quế, Phó Giám đốc Trung tâm Điều dưỡng, chăm sóc người có công tỉnh chia sẻ: “Chăm sóc các cụ như người thân, có thái độ niềm nở, kính trọng, xem các cụ như ông bà, cha mẹ là phương châm hoạt động của đội ngũ cán bộ trung tâm”.

Bài, ảnh: Phước Ly

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

1.500 đại biểu tham dự hội nghị da liễu Quốc tế

Tối 21/11, hội nghị Da liễu Quốc tế diễn ra phiên khai mạc chính thức. Hội nghị do Bệnh viện Da liễu Trung ương, Sở Y tế, Bệnh viện Da liễu tỉnh phối hợp tổ chức. Sự kiện quy tụ hơn 1.500 đại biểu trong, ngoài nước là các giáo sư, phó giáo sư, bác sĩ, dược sĩ, chuyên gia trong lĩnh vực da liễu, thẩm mỹ.

1 500 đại biểu tham dự hội nghị da liễu Quốc tế
Ca ghép tim xuyên Việt thứ 12 xuất viện

Ngày 12/11, Bệnh viện Trung ương (BVTW) Huế thông tin, người được ghép tim xuyên Việt thứ 12 đã làm thủ tục xuất viện. Lãnh đạo BV cùng đội ngũ chăm sóc sau ghép tặng hoa chúc mừng và chia vui cùng gia đình người bệnh.

Ca ghép tim xuyên Việt thứ 12 xuất viện
Return to top