ClockThứ Năm, 18/01/2018 08:19

Thủ tướng: Bộ LĐTB&XH là hiện thân lòng nhân văn của một Chính phủ phục vụ

TTH.VN - Ngày 17/1, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác năm 2017 và triển khai nhiệm vụ 2018 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH).

Vượt qua tư duy nhiệm kỳ, gạt bỏ lợi ích cục bộ

Thủ tướng phát biểu tại Hội nghị

Phát biểu tại Hội nghị, hoan nghênh sự tham dự đông đảo của các đại biểu, Thủ tướng cho rằng, “điều này thể hiện sự quan tâm của các đồng chí đến lĩnh vực xã hội chứ không chỉ kinh tế” và sự đồng tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, bộ, ngành, địa phương đối với lĩnh vực quan trọng này.

Điểm lại các kết quả mà ngành LĐTB&XH đạt được, Thủ tướng nhấn mạnh việc tổ chức trọng thể, có ý nghĩa kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh, liệt sĩ trong năm 2017 “làm rung chuyển mọi tấm lòng của người dân, mọi cấp, mọi ngành đối với đối tượng chính sách ở nước ta”.

Bộ đã hoàn thành 100% các đề án, nhiệm vụ được giao, ban hành nhiều chính sách quan trọng cho các đối tượng chính sách. Hoàn thành 3 chỉ tiêu được giao về tỷ lệ thất nghiệp, tỷ lệ lao động qua đào tạo và tỷ lệ hộ nghèo và đáng chú ý là xuất khẩu lao động tới 135.000 người.

Thủ tướng bày tỏ ấn tượng về nhiều cán bộ, lãnh đạo của Bộ làm việc nhiệt huyết, trí tuệ, trách nhiệm và nhiều đồng chí lăn lộn, đi đến tất cả các huyện nghèo cả nước, chứ “ngồi mãi bàn giấy làm sao biết được thực tiễn cuộc sống, làm sao biết được người dân tộc thiểu số cần gì”.

Biểu dương thành tích ngành LĐTB&XH đạt được, Thủ tướng cho rằng, cần nói thẳng một số tồn tại, bất cập. Chất lượng, hiệu quả trong một số lĩnh vực chưa được cải thiện, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển như năng suất lao động thấp, thu nhập bình quân của người lao động thấp, việc làm chưa ổn định. Tỷ lệ thất nghiệp còn cao, nhất là số sinh viên tốt nghiệp ở nhiều nơi chưa có việc làm. Quản lý lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài còn hạn chế. Tỷ lệ người lao động tham gia bảo hiểm xã hội còn thấp. Giảm nghèo chưa bền vững. Một số vấn đề như bạo hành trẻ em, đuối nước ở trẻ em còn gây bức xúc xã hội.

Thủ tướng cho rằng, những tồn tại này không chỉ là trách nhiệm riêng của ngành LĐTB&XH mà của hệ thống chúng ta, của Chính phủ. Tuy nhiên, trước hết, ngành LĐTB&XH phải nghiêm túc đánh giá, tìm ra nguyên nhân, chủ động đề xuất phối hợp với các ngành, lĩnh vực liên quan, cùng vào cuộc, có biện pháp khắc phục để thực hiện tốt hơn trong năm tới.

Thủ tướng yêu cầu Bộ LĐTB&XH triển khai quyết liệt Nghị quyết 01 của Chính phủ ngay từ ngày đầu, tháng đầu của năm.

Quán triệt tinh thần Chính phủ kiến tạo phát triển trong lĩnh vực mà Bộ LĐTB&XH phụ trách, Thủ tướng nhấn mạnh, Chính phủ kiến tạo có nhiệm vụ tạo mọi điều kiện để thị trường hoạt động tốt và không làm những việc thị trường làm tốt hơn. Vì vậy, trong các lĩnh vực của ngành LĐTB&XH, cần nhìn rõ được cái gì Bộ cần làm, cái gì Bộ nên tạo điều kiện để thị trường làm, nhất là trong lĩnh vực lao động, việc làm.

“Bộ LĐTB&XH là Bộ hiện thân của lòng nhân văn của một Quốc hội, của một Chính phủ phục vụ nhân dân từ người lao động đến người có công cho đến những người dễ bị tổn thương”, Thủ tướng khẳng định. “Vậy những hồ sơ tồn đọng chờ xác minh, những dịch vụ công hỗ trợ người yếu thế, khó khăn, cần được cung cấp thế nào cho hiệu quả… Đó là một dấu hỏi đặt ra để thể hiện sự nhân văn này”.

Vậy tinh thần hành động của một bộ đặc thù như Bộ LĐTB&XH là gì? Thủ tướng nhấn mạnh, đó là nói và làm ngay, làm bằng được với tinh thần phục vụ, trách nhiệm cao, giải quyết càng sớm càng tốt những bất cập liên quan đến chế độ chính sách, quyền lợi của người dân.

Về một số nhiệm vụ cần tập trung, Thủ tướng yêu cầu khẩn trương xây dựng đề án cải cách tiền lương, đề án cải cách chính sách bảo hiểm xã hội để trình Hội nghị Trung ương 7. Lương tối thiểu ở khu vực kinh doanh để bảo vệ người lao động là cần thiết nhưng cần tính toán kỹ và điều chỉnh định kỳ để vừa bảo đảm thu nhập tối thiểu cho người lao động, vừa không đặt gánh nặng lớn lên doanh nghiệp.

Cần nâng cao chất lượng đào tạo nghề, đào tạo kỹ năng cho nguồn nhân lực, đó là chìa khóa để thoát bẫy thu nhập trung bình. Tạo điều kiện cho khu vực tư nhân tham gia xây dựng trường nghề, cung cấp dịch vụ hướng nghiệp. Cần chuyển mạnh từ cấp kinh phí sang đặt hàng đào tạo nghề.

Tăng cường quản lý lao động Việt Nam ở nước ngoài, mở rộng thị trường xuất khẩu lao động có thu nhập cao. Tiếp tục hoàn thiện, tổ chức thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, chính sách giảm nghèo. Cần nâng dần tỷ lệ bao phủ bảo hiểm xã hội. Xác định rõ trách nhiệm người đứng đầu các cấp, các ngành, địa phương, đơn vị khi để xảy ra bạo lực, bạo hành đối với trẻ em, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

Đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác cai nghiện, đừng để tình trạng kinh tế có phát triển mà xã hội chưa ổn.

Tiếp tục cải cách hành chính, nhất là thủ tục hành chính, giảm và loại bỏ những thủ tục rườm rà, chồng chéo đối với các lĩnh vực liên quan trực tiếp đến doanh nghiệp, người dân. “Tôi đã đi nhiều địa phương, người dân tới trụ sở các đồng chí để giải quyết thủ tục không phải đơn giản đâu. Đi vừa xa, vừa chờ đợi. Các đồng chí xem lại các phòng của các Sở này đã làm việc đến nơi, đến chốn chưa”, Thủ tướng nói và yêu cầu kỷ luật, xử lý nghiêm cá nhân gây phiền hà, nhũng nhiễu.

Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, đẩy mạnh công tác thông tin truyền thông về chính sách pháp luật, nêu gương điển hình, phê phán cá nhân không làm tốt.

Cho rằng cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ tác động sâu sắc đến việc làm, người lao động, nhất là đối với ngành nghề sử dụng nhiều lao động, Thủ tướng nêu rõ, Bộ LĐTB&XH phải chủ động, đồng bộ trong phát triển khoa học công nghệ, nguồn nhân lực.

Trong năm 2018, Bộ phải tập trung đổi mới hệ thống dạy nghề theo hướng tự chủ, gắn với doanh nghiệp, hướng về công nghệ mới, đặc biệt kỹ năng công nghệ thông tin.

Trong bối cảnh nước ta tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) với các điều khoản về lao động công đoàn, Thủ tướng nhấn mạnh, cần nắm tình hình công nhân và người lao động sát hơn nữa, quan tâm đến quyền lợi chính đáng, nhất là các thiết chế văn hóa cần thiết cho người lao động.

Về đón Tết Nguyên đán sắp tới, Thủ tướng đề nghị quan tâm đặc biệt đến người cô đơn, người nghèo, người có công, người không có nơi nương tựa, người dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn, người bị ảnh hưởng bởi thiên tai, người lao động ở khu vực công nghiệp, người ở công trường, bệnh viện…

“Chúng ta lo phát triển nhưng phải lo vấn đề xã hội, nhất là những tỉnh có tỷ lệ đói nghèo còn cao, có số lượng đối tượng chính sách lớn và những nơi có người lao động tập trung”, Thủ tướng lưu ý.

Theo VPCP

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị tổng kết công tác đầu tư xây dựng các Dự án Đường dây 500kV mạch 3

Sáng 8/12, tại Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị tổng kết công tác đầu tư xây dựng các Dự án Đường dây 500kV mạch 3 từ Quảng Trạch (Quảng Bình) đến Phố Nối (Hưng Yên). Cùng dự có đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương. Buổi lễ được truyền trực tuyến tới điểm cầu trụ sở Ủy ban nhân dân 9 tỉnh có Dự án đi qua.

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị tổng kết công tác đầu tư xây dựng các Dự án Đường dây 500kV mạch 3
Return to top