ClockChủ Nhật, 10/11/2024 15:43

Tổ chức xóa nhà tạm, nhà dột nát phải đồng bộ, đa dạng hóa nguồn lực

Sáng 10/11, chủ trì Phiên họp thứ nhất của Ban Chỉ đạo Trung ương triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước (Ban Chỉ đạo), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng ban Chỉ đạo cho rằng, Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát là chương trình nhân văn sâu sắc, phải được triển khai với tinh thần trách nhiệm cao, cảm xúc mạnh mẽ, với tư duy đổi mới; nhấn mạnh thời gian, trí tuệ và sự quyết tâm, quyết liệt là yếu tố mang tính quyết định của Phong trào.

Phấn đấu hoàn thành mục tiêu xóa nhà tạm, nhà dột nát trong năm 2025

 Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Phiên họp thứ nhất BCĐ Trung ương triển khai xoá nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Triển khai sôi nổi trong cả nước

Với sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước, sự vào cuộc của các bộ, ngành, địa phương, sự tham gia tích cực của các tổ chức, cộng đồng dân cư, doanh nghiệp và nhân dân, thời gian qua, cả nước đã giúp khoảng 340 nghìn hộ người có công với cách mạng và trên 800 nghìn hộ nghèo, hộ cận nghèo khó khăn về nhà ở. Tuy nhiên, đến nay cả nước còn khoảng trên 315 nghìn hộ có khó khăn về nhà ở, trong đó khoảng 106 nghìn hộ người có công, 46 nghìn hộ thuộc chương trình mục tiêu quốc gia và 153 nghìn hộ nghèo, hộ cận nghèo khác.

Tại Phiên họp, Ban Chỉ đạo đã thảo luận, phân tích, xác định quan điểm, định hướng chỉ đạo để thực hiện quyết liệt, hiệu quả; những khó khăn, vướng mắc và biện pháp khắc phục; nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, kế hoạch, lộ trình thực hiện để hoàn thành mục tiêu xóa nhà tạm, dột nát trên phạm vi cả nước vào năm 2025.

Các đại biểu cho biết Phong trào thi đua “Cả nước chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát" và “Chương trình hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước” đang được cả nước triển khai sôi nổi, hiệu quả. Tuy nhiên, một số thủ tục, quy định còn vướng mắc nhất là về pháp lý đất đai; mức hỗ trợ có hạn, trong khi kinh phí đối ứng của người nghèo còn khó khăn; chưa có quy định về mẫu nhà xây mới phù hợp…

Cùng với chia sẻ các cách làm hiệu quả, các đại biểu đề xuất Ban Chỉ đạo cần có giải pháp tháo gỡ; đồng thời tăng cường kiểm tra, thường xuyên tổng hợp báo cáo, đôn đốc; thành lập Ban Chỉ đạo cả ở cấp tỉnh, huyện, xã; tăng cường thông tin, tuyên truyền để Phong trào thi đua “Cả nước chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát" và “Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước” được triển khai hiệu quả hơn.

Kết luận Phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chỉ rõ, Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước là chương trình nhân văn sâu sắc, “tình đồng chí, nghĩa đồng bào”; mang tính toàn dân, toàn diện của cả hệ thống chính trị, nhằm tạo ra phong trào, xu thế, tổ chức như chiến dịch, ngày hội để thúc đẩy đạt mục tiêu, với tất cả tâm, đức của mình vì người có công với cách mạng, hộ nghèo, hộ bị ảnh hưởng bởi thiên tai.

Ghi nhận, biểu dương, đánh giá cao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Đài Truyền hình Việt Nam, các bộ, ngành, cơ quan, doanh nghiệp, địa phương, tổ chức, cá nhân đã tổ chức, hưởng ứng tích cực Phong trào thi đua “Cả nước chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát" và “Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước”, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng ban Chỉ đạo nhấn mạnh, việc chăm lo giải quyết nhà ở cho nhân dân, nhất là người có công với cách mạng, hộ nghèo, hộ bị ảnh hưởng của thiên tai luôn được Đảng, Nhà nước ta quan tâm và xác định là một nhiệm vụ trọng tâm của an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững; đã ban hành nhiều nghị quyết, kết luận, quyết định, chương trình, kế hoạch và triển khai hiệu quả nhiều chính sách về nhà ở đối với người có công với cách mạng, hộ nghèo, hộ bị ảnh hưởng bởi thiên tai.

Nêu rõ mục tiêu phấn đấu thực hiện bằng được việc hoàn thành xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước trong năm 2025, sớm hơn 5 năm so với mục tiêu ban đầu đề ra, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, phải tập trung huy động nguồn lực xã hội hóa kết hợp với nguồn lực của Nhà nước hoàn thành trong năm 2025 đồng thời cả 3 nhiệm vụ: hỗ trợ nhà ở cho người có công; hỗ trợ nhà ở theo các chương trình mục tiêu quốc gia; xóa nhà tạm, nhà dột nát cho người dân trên phạm vi cả nước.

Yêu cầu quán triệt phương châm “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể hỗ trợ, nhân dân làm chủ", Thủ tướng chỉ đạo tập trung triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình với tinh thần “tư tưởng phải thông, quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, có trọng tâm trọng điểm, làm việc nào dứt việc đó; phân công rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ trách nhiệm, rõ kết quả, rõ sản phẩm; đã nói là làm, đã hứa phải thực hiện có kết quả, sản phẩm cụ thể”, trong đó dưới sự lãnh đạo của Đảng, chính quyền địa phương các cấp có vai trò quyết định sự thành công của Chương trình.

Cùng với đó, đa dạng hóa nguồn lực theo hướng toàn dân, toàn diện, rộng khắp, bao trùm gồm ngân sách Nhà nước và kêu gọi mọi tổ chức, người dân, doanh nghiệp đa dạng hóa các hình thức hỗ trợ với tinh thần “ai có gì góp nấy, ai có công góp công, ai có của góp của, ai có nhiều góp nhiều, ai có ít góp ít, tạo phong trào, xu thế, tạo ra ngày hội, vì người nghèo, vì phong trào xóa nhà tạm, nhà dột nát".

Thủ tướng yêu cầu tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, tạo động lực truyền cảm hứng xã hội để mọi người ủng hộ, chia sẻ, cùng chung tay hỗ trợ trong triển khai thực hiện Chương trình với tinh thần “không để ai bị bỏ lại phía sau”; thực hiện tốt việc kiểm tra, giám sát, đôn đốc thực hiện các chính sách hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng, hộ nghèo, hộ cận nghèo theo quy định, không để bị lợi dụng, trục lợi, tiêu cực, lãng phí.

“Việc xóa nhà tạm, nhà dột nát phải được triển khai với cách làm linh hoạt, sáng tạo, không máy móc, với tinh thần trách nhiệm cao, cảm xúc mạnh mẽ, với tư duy đổi mới; thời gian, trí tuệ và sự quyết tâm, quyết liệt là yếu tố mang tính quyết định của Phong trào”, Thủ tướng lưu ý.

Chính quyền cơ sở có tính chất quyết định

Phiên họp thứ nhất BCĐ Trung ương triển khai xoá nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước. Ảnh: Dương Giang/TTXVN 

Thủ tướng Chính phủ nhất trí thành lập Ban Chỉ đạo triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã, hoàn thành trước ngày 30/11/2024 để tổ chức triển khai đồng bộ từ Trung ương đến cơ sở.

Nhất trí đề xuất của các thành viên Ban Chỉ đạo về phân nhóm các địa phương và phương án phân bổ nguồn lực hỗ trợ và mức hỗ trợ xây mới là 60 triệu đồng/nhà và mức hỗ trợ sửa chữa là 30 triệu đồng/nhà, Thủ tướng giao Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội phối hợp với Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam rà soát, hoàn thiện Phương án phân bổ nguồn lực huy động được từ Chương trình phát động xóa nhà tạm, nhà dột nát và nguồn lực hiện có của Quỹ Vì người nghèo; thông báo về phân nhóm địa phương, phương án phân bố nguồn lực hỗ trợ để tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả tích cực, đúng mục tiêu; bảo đảm không trùng lắp, thất thoát, lãng phí.

Nhấn mạnh tinh thần tự lực, tự cường của các địa phương, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ rõ, các địa phương cần chủ động, sáng tạo, nỗ lực vận động nguồn lực thực hiện, không ỷ lại vào Trung ương, đặc biệt động viên các hộ nghèo, cận nghèo tự lực, tự cường, nỗ lực, cố gắng vươn lên; tăng cường tuyên truyền tạo sự đồng thuận trong các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân và người dân về chủ trương thực hiện Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát; đặc biệt thực hiện ngay việc kiểm tra, giám sát về giá nguyên vật liệu xây dựng nhà ở trên địa bàn; ngoài ra cũng cần đẩy mạnh huy động nguồn lực trên địa bàn để hỗ trợ thêm cho hộ ngoài nguồn lực từ Trung ương.

Đối với việc một số hộ có nhà tạm, nhà dột nát, nhưng đang ở trên đất không đủ điều kiện để xây dựng nhà ở theo quy định, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan và địa phương hướng dẫn cụ thể về hộ điều kiện để được hỗ trợ xây nhà mới, sửa chữa về nhà ở đối với hộ được hỗ trợ từ Chương trình, trong đó có điều kiện về đất xây nhà; hướng dẫn các địa phương về bố trí đất xây dựng nhà ở đối với hộ có khó khăn về đất ở theo quy định.

Đối với việc giao kinh phí hỗ trợ nhà ở từ 2 Chương trình mục tiêu quốc gia năm 2025, hướng dẫn sử dụng kinh phí từ nguồn tiết kiệm 5% chỉ ngân sách nhà nước, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan trình Thủ tướng Chính phủ sớm phân bổ kinh phí năm 2025 hỗ trợ nhà ở từ các Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số để các địa phương triển khai thực hiện.

Về việc sử dụng kinh phí từ nguồn tiết kiệm 5% chi ngân sách Nhà nước năm 2024 hỗ trợ công tác xóa nhà tạm, nhà dột nát tại các địa phương, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu sau khi được Quốc hội thông qua, giao Bộ Tài chính khẩn trương trình cấp có thẩm quyền quyết định việc sử dụng nguồn kinh phí này và hướng dẫn các địa phương sử dụng bảo đảm hiệu quả, không thất thoát lãng phí.

Thủ tướng Phạm Minh Chính lưu ý việc chỉ đạo, tổ chức thực hiện xóa nhà tạm, nhà dột nát phải đồng bộ từ Trung ương tới cơ sở; huy động, đa dạng hóa nguồn lực về kinh phí, vật lực; đa dạng hóa lực lượng, trong đó cùng với các lực lượng tại chỗ, huy động lực lượng quân đội, công an.

Thủ tướng giao nhiệm vụ cụ thể cho từng bộ, ngành cụ thể trong hoàn thiện các chính sách hỗ trợ nhà ở đối với người có công, bảo đảm không trùng lắp gây thất thoát, lãng phí, bảo đảm đúng tiến độ, yêu cầu đề ra; nghiên cứu, thiết kế một số mẫu nhà ở điển hình, đảm bảo yêu cầu về kỹ thuật, chất lượng, hiệu quả, phù hợp với văn hóa, phong tục, tập quán và đặc điểm của từng địa phương, vùng miền; hướng dẫn, kiểm tra các địa phương giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, đảm bảo hoàn thành hỗ trợ trong năm 2025.

Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung tổ chức triển khai đồng bộ, quyết liệt việc hỗ trợ nhà ở cho người có công, phong trào thi đua “Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước trong năm 2025"; hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng, cho hộ nghèo, hộ cận nghèo đảm bảo đúng đối tượng, tiêu chuẩn, định mức, không trùng lặp với các hoạt động hỗ trợ từ ngân sách nhà nước, tuân thủ trình tự, thủ tục theo đúng quy định pháp luật, không để xảy ra thất thoát, lãng phí, tham nhũng, tiêu cực.

Yêu cầu Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng kế hoạch truyền thông hiệu quả, công bố hình thức ủng hộ xóa nhà tạm, nhà dột nát qua tin nhắn điện thoại về thông điệp “Cao điểm phát động 450 ngày đêm hoàn thành công tác xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên cả nước" với các hình thức, thời lượng phù hợp, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam và các cơ quan thông tấn, báo chí chủ động xây dựng kế hoạch, phương án truyền thông hiệu quả, vận động tích cực để lan tỏa mạnh mẽ phong trào, tạo khí thể thi đua sôi nổi, tạo đồng thuận xã hội để người dân, doanh nghiệp ủng hộ, chia sẻ, cộng đồng trách nhiệm chung tay hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng, xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo.

Cho biết, Chính phủ có Tổ công tác, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trực tiếp thực hiện và hướng dẫn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp tiếp nhận ủng hộ từ các tổ chức, cá nhân để thực hiện hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát thông qua Quỹ Vì người nghèo; giám sát đối với việc thực hiện chính sách hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng; kiểm tra, giám sát đối với việc hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên phạm vi cả nước.

Theo baotintuc.vn
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nhiều nguồn lực cho công tác giảm nghèo bền vững

Huy động nhiều nguồn lực thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo bền vững, các cấp ủy đảng, chính quyền, mặt trận và các đoàn thể ở TX. Hương Trà không ngừng giúp người nghèo cải thiện sinh kế, ổn định cuộc sống.

Nhiều nguồn lực cho công tác giảm nghèo bền vững
Đồng bộ giải pháp để thu ngân sách bền vững

Huy động nguồn lực, thúc đẩy doanh nghiệp (DN) phát triển, tận dụng các lợi thế khi trở thành thành phố trực thuộc Trung ương sẽ giúp Huế khai thác hiệu quả nguồn thu ngân sách, hướng đến giảm dần sự phụ thuộc vào ngân sách trung ương.

Đồng bộ giải pháp để thu ngân sách bền vững
Ưu tiên nguồn lực cho các thiết chế văn hóa

Với vai trò là đô thị động lực của tỉnh, TP. Huế xây dựng Đề án Phát triển mạng lưới trung tâm văn hóa, nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng trên địa bàn đến năm 2030 nhằm hoàn thiện hệ thống thiết chế văn hóa ở cơ sở.

Ưu tiên nguồn lực cho các thiết chế văn hóa
Ngày thế giới phòng, chống HIV/AIDS 1/12:
Đa dạng hóa hình thức xét nghiệm, tăng hiệu quả điều trị

Việc đa dạng hóa các hình thức xét nghiệm HIV tạo điều kiện thuận lợi cho nhóm người nguy cơ cao được tiếp cận, kiểm tra tình hình sức khỏe. Điều này còn giúp người bệnh tránh tình trạng kháng thuốc, giảm nguy cơ lây nhiễm cho mọi người.

Đa dạng hóa hình thức xét nghiệm, tăng hiệu quả điều trị
Return to top