ClockThứ Sáu, 01/04/2022 08:55

Triển khai hỗ trợ tiền thuê nhà cho công nhân

Từ hôm nay (1/4), gói 6.600 tỉ đồng hỗ trợ tiền thuê nhà cho công nhân bắt đầu được triển khai tại nhiều địa phương. Tiến độ chi trả sẽ được đẩy nhanh, rút ngắn thủ tục hành chính và có tham gia giám sát của tổ chức công đoàn, công an, chính quyền địa phương...

Hỗ trợ công nhân xoay xở trước “bão giá”Chi 14 tỷ đồng hỗ trợ tết cho đoàn viên, người lao độngDuy trì an sinh xã hội trong giai đoạn bình thường mới

Theo ông Vũ Trọng Bình, Cục trưởng Cục Việc làm (Bộ LĐ-TB-XH), chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động (NLĐ) áp dụng đối với 2 đối tượng, gồm: NLĐ đang làm việc tại các khu công nghiệp (KCN), khu chế xuất (KCX), khu kinh tế trọng điểm và NLĐ quay trở lại thị trường lao động.

Tại TP.HCM, có khoảng 60 - 70% người lao động trong các khu công nghiệp, khu chế xuất di cư từ các tỉnh tới làm việc. Ảnh: NGỌC DƯƠNG

Mỗi công nhân được hỗ trợ tối đa từ 1,5 - 3 triệu đồng

Đối với NLĐ đang làm việc, mức hỗ trợ là 500.000 đồng/tháng, tối đa 3 tháng. Điều kiện hưởng là đang ở thuê, ở trọ trong khoảng thời gian từ ngày 1/2 - 30/6/2022; có hợp đồng lao động không xác định thời hạn hoặc hợp đồng lao động xác định thời hạn từ 1 tháng trở lên được giao kết và bắt đầu thực hiện trước ngày 1.4; đang tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc tại tháng liền kề trước thời điểm doanh nghiệp (DN) lập danh sách lao động đề nghị hỗ trợ tiền thuê nhà. Trường hợp NLĐ không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc thì phải có tên trong danh sách trả lương của DN của tháng liền kề trước thời điểm DN lập danh sách lao động đề nghị hỗ trợ tiền thuê nhà.

Đối với NLĐ quay trở lại thị trường lao động, mức hỗ trợ là 1 triệu đồng/tháng, tối đa 3 tháng. Điều kiện để NLĐ được hưởng là đang ở thuê, ở trọ trong khoảng thời gian từ ngày 1/4 - 30/6/2022; có hợp đồng lao động không xác định thời hạn hoặc hợp đồng lao động xác định thời hạn từ 1 tháng trở lên được giao kết và thực hiện trong khoảng thời gian trên; đang tham gia BHXH bắt buộc tại tháng liền kề trước thời điểm người sử dụng lao động lập danh sách lao động đề nghị hỗ trợ tiền thuê nhà.

So với dự thảo mà Bộ LĐ-TB-XH đưa ra lấy ý kiến, thời điểm áp dụng chính sách hỗ trợ đối với NLĐ quay trở lại thị trường tính từ 1/4, thay vì từ 1/3. Lý giải có sự thay đổi này, đại diện Bộ LĐ-TB-XH cho rằng do tâm lý e sợ dịch COVID-19, không có việc làm, thu nhập bấp bênh không đảm bảo cuộc sống nên có khoảng 2,2 triệu người NLĐ trở về địa phương, gây ra nguy cơ thiếu hụt lao động cho khôi phục và phát triển sản xuất kinh doanh tại các KCN, KCX, khu vực kinh tế trọng điểm của đất nước.

“Việc chính sách hỗ trợ NLĐ quay trở lại thị trường lao động từ 1/4 là cách để thu hút NLĐ đang ở quê, còn băn khoăn chưa biết đi hay ở. Khi có khoản hỗ trợ này, NLĐ sẽ có động lực để quay lại làm việc. Đặc biệt, không chỉ lao động chính thức được ký hợp đồng, lao động thử việc cũng được nhận hỗ trợ, miễn là có giao kết hợp đồng từ 1 tháng trở lên”, ông Bình thông tin.

Thủ tục giải quyết trong 11 ngày

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Lê Văn Thanh cho hay trong ngày hôm qua 31/3, Bộ LĐ-TB-XH có văn bản hướng dẫn chi tiết tới các sở LĐ-TB-XH tại các địa bàn triển khai đưa chính sách với thủ tục đơn giản, rút gọn nhất để khoản tiền hỗ trợ sớm tới tay NLĐ đang thuê nhà trọ và góp phần tạo động lực để NLĐ sớm gia nhập thị trường lao động. Bộ LĐ-TB-XH dự kiến có khoảng 3,4 triệu lao động được thụ hưởng chính sách này với tổng số tiền hỗ trợ từ ngân sách nhà nước là 6.600 tỉ đồng.

Công nhân Công ty cổ phần in số 7, Khu công nghiệp Tân Tạo, Q.Bình Tân, TP.HCM trong ca làm việcẢnh: NGỌC DƯƠNG

Liên quan đến thủ tục, so với các chính sách hỗ trợ trước đây, thời gian thực hiện các thủ tục chi trả được rút ngắn, tối đa là 11 ngày. NLĐ sẽ phải tự làm đơn có xác nhận của chủ nhà trọ. DN tổng hợp và niêm yết danh sách công khai ít nhất 3 ngày; cơ quan BHXH xác nhận danh sách trong 2 ngày. Thời gian từ lúc UBND cấp huyện tiếp nhận hồ sơ đến khi UBND tỉnh ra quyết định hỗ trợ và chi trả cho NLĐ là 4 ngày. DN chi trả cho NLĐ trong 2 ngày kể từ khi nhận được kinh phí hỗ trợ. “Thời gian 11 ngày là thủ tục đơn giản nhất có thể để đảm bảo đúng quy định. Số NLĐ rất đông, đặc biệt một số tỉnh lớn có nhiều KCN, đông lao động. Thời gian 2 ngày xử lý là sức ép với DN, cơ quan BHXH”, ông Bình nói.

Ông Đinh Quang Dương, Giám đốc khối sản xuất kiêm Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Yamaha Motor VN (KCN Nội Bài, Hà Nội), cho rằng quy định thời gian là như vậy, nhưng thực tế triển khai thủ tục giấy tờ khó đảm bảo tiến độ. Ông Dương bày tỏ: “Chúng ta nên tạo điều kiện cho NLĐ được nhận hỗ trợ một cách nhanh chóng nhất. Bây giờ NLĐ hầu như đều sử dụng điện thoại thông minh, thay vì NLĐ phải viết đơn bằng tay sao không tạo kênh riêng để nộp đơn điện tử. Hồ sơ cá nhân của NLĐ đều đã được DN tổng hợp trong dữ liệu, chỉ cần 1 ngày, DN có thể hoàn thành việc xét duyệt. Với những địa bàn có hàng trăm DN thì rất khó có thể hoàn thành xác nhận trong thời 2 - 3 ngày”.

Lo ngại khó xin xác nhận của chủ nhà trọ

Đánh giá chính sách hỗ trợ rất kịp thời giúp NLĐ ổn định cuộc sống, song ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng ban Chính sách pháp luật (Tổng liên đoàn Lao động VN), băn khoăn về thủ tục NLĐ bắt buộc phải xác nhận nhà trọ. Ông Quảng bày tỏ: “Qua quá trình đi thực tế, khảo sát đời sống công nhân, chúng tôi thấy nhiều chủ nhà trọ không có mặt tại địa phương, họ giao lại cho người quản lý. NLĐ trực tiếp đến gặp chủ nhà trọ để xin xác nhận cũng rất phiền hà. Hầu hết chỉ 1 công nhân đứng ra thuê trọ, sau đó, họ kéo thêm 4 - 5 lao động về ở chung. Chưa kể, nhiều chủ trọ xác nhận nhiều có tâm lý e ngại, nên có thể gây khó khăn cho NLĐ. Chúng ta cần hướng dẫn mở trong quá trình tổ chức thực hiện”.

Cùng băn khoăn này, ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP May Sài Gòn 3, TP.Thủ Đức (TP.HCM), cho biết công ty đã triển khai chính sách từ ngày 30/3. “NLĐ thuê nhà trọ chiếm 60% tổng số lao động làm việc tại công ty. Về phía DN, chúng tôi cam kết sẽ triển khai nhanh nhất có thể. Tuy nhiên, việc NLĐ chờ xác nhận từ phía chủ nhà trọ có thể sẽ mất thêm nhiều thời gian. Các chủ nhà trọ thường xây cả dãy nhà trọ, họ không ở đấy nên rất khó gặp. NLĐ thì làm việc theo ca, tối mới về nhà. Chính sách hỗ trợ của nhà nước là cần thiết và rất có ý nghĩa với NLĐ, nhưng cũng cần có sự linh hoạt, thông thoáng”, ông Hồng nói.

Theo ông Đinh Quang Dương, nếu đổi mới cách thức triển khai hỗ trợ, nhanh chóng thuận tiện, kịp thời, NLĐ sẽ cảm thấy giá trị số tiền hỗ trợ 500.000 - 1 triệu đồng được nhân lên như nhận được 10 triệu đồng. Nhưng ngược lại, nếu bắt bẻ các thủ tục, gây phiền toái và phải mòn mỏi chờ đợi thì NLĐ sẽ cảm thấy phiền toái, nản lòng, thậm chí là từ bỏ quyền lợi.

Trước những băn khoăn này, ông Vũ Trọng Bình, Cục trưởng Cục Việc làm, nhấn mạnh: “Nếu không có xác nhận của chủ nhà trọ sẽ không có căn cứ để chứng minh NLĐ đang ở trọ. Khi NLĐ ở trọ, chủ nhà trọ sẽ xác nhận thôi. Trong trường hợp không xác nhận, NLĐ có thể liên hệ với UBND cấp xã để nhờ can thiệp”.

Giám sát chi trả, tránh trục lợi chính sách

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Lê Văn Thanh đánh giá chính sách hỗ trợ lần này không chỉ có lợi cho NLĐ mà còn hỗ trợ cho cả DN. Ông Thanh chia sẻ: “Chúng tôi cũng đã đi khảo sát thì thấy rằng DN cũng sẽ làm rất nhanh các thủ tục giúp NLĐ sớm nhận được tiền. Đặc biệt, khi nhận được tiền từ ngân sách thì DN sẽ phải chi trả ngay, cách thức chi trả có thể trực tiếp vào tài khoản của NLĐ. Bên cạnh đó, Mặt trận Tổ quốc, công đoàn và các cơ quan quản lý lao động ở các địa phương sẽ có trách nhiệm giám sát, đôn đốc quá trình chi trả”.

Để tránh trục lợi chính sách, nhưng vẫn đúng quy định, Bộ LĐ-TB-XH cũng sẽ phối hợp với Bộ Công an hướng dẫn cập nhật kết quả hỗ trợ tiền thuê nhà cho NLĐ kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về để xác thực thông tin NLĐ. Thiếu tướng Nguyễn Bạch Đằng, Cục trưởng Cục An ninh chính trị nội bộ (Bộ Công an), cho hay dữ liệu dân cư sẽ được đối chiếu để tránh tình trạng thụ hưởng tại nhiều nơi và hưởng nhiều lần. Công an các địa phương sẽ phối hợp với Sở LĐ-TB-XH địa phương để triển khai thực hiện.

Bên cạnh việc tăng cường giám sát của Bộ LĐ-TB-XH và Sở LĐ-TB-XH các địa phương, ông Lê Đình Quảng đề nghị: “Khi UBND cấp tỉnh ban hành quyết định phê duyệt danh sách, kinh phí hỗ trợ thì cần thông báo cho tổ chức công đoàn và các tổ chức có liên quan để giám sát việc chi trả kịp thời. Công đoàn sẽ phối hợp với DN để chuyển tới NLĐ theo quy định là 2 ngày hoặc sớm hơn”.

Lãnh đạo Bộ LĐ-TB-XH cho biết trong quá trình triển khai thực hiện, nếu có những vấn đề phát sinh, vướng mắc chưa phù hợp với thực hiện, Bộ LĐ-TB-XH sẽ tiếp thu và điều chỉnh.

Theo thanhnien.vn

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hỗ trợ, chăm lo cho phụ nữ đơn thân, yếu thế

Chẳng may đau ốm, bệnh tật... khiến nhiều phụ nữ rơi vào hoàn cảnh rất khó khăn. Nhưng, họ chưa bao giờ bị “bỏ lại phía sau”, bởi bên cạnh họ luôn có sự giúp đỡ, chăm lo của các cấp hội phụ nữ.

Hỗ trợ, chăm lo cho phụ nữ đơn thân, yếu thế

TIN MỚI

Return to top