ClockThứ Ba, 03/05/2022 06:43

Từ trái tim đến trái tim

TTH - Từ trái tim đến trái tim là “con đường” bền vững nhất để các cháu mồ côi, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên hai tuyến biên giới, được lực lượng bộ đội biên phòng (BĐBP) nuôi dưỡng hoặc “nâng bước tới trường”, cảm nhận được tình yêu thương, từ đó nỗ lực, cố gắng vươn lên trong mọi mặt.

Hội nghị trực tuyến tuyên dương học sinh, sinh viên tiêu biểu trong chương trình “Nâng bước em tới trường - Con nuôi đồn biên phòng” giai đoạn 2016- 2021 diễn ra vào lúc 8 giờ. Nhưng từ sớm, hội trường Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh - điểm cầu Thừa Thiên Huế đã xôn xao ánh mắt, nụ cười. Ánh mắt ấm áp của những người cha. Nụ cười vui xen phần háo hức của những đứa con do BĐBP nuôi dưỡng, đỡ đầu…

Các cháu đạt thành tích xuất sắc được biểu dương

Bù đắp tình cha

Cảm giác thật gũi gần, ruột thịt khi Đại tá Nguyễn Xuân Hòa, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh, trước lúc ngồi vào vị trí chủ trì điểm cầu, tìm gặp cháu Cao Thị Anh Thi (thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc) - học sinh do Đại tá “nâng bước” từ tháng 4/2016, nắm bàn tay bé nhỏ, hỏi han những điều cần thiết nhất. Các cháu học sinh trên hai tuyến biên giới, hoàn cảnh mồ côi hoặc cha mẹ đau ốm tàn tật, đặc biệt khó khăn, có cháu được đồn biên phòng trên địa bàn nâng bước, có cháu được cá nhân hoặc một đơn vị phòng, ban tại Bộ Chỉ huy BĐPB tỉnh đỡ đầu (cháu Hồ Minh Quang ở A Lưới, được Đại tá Lê Văn Nguyên, Chính ủy đỡ đầu; cháu Nguyễn Thị Mỹ Linh ở Phú Lộc, được Thượng tá Hoàng Minh Hùng, Phó Chỉ huy trưởng đỡ đầu; cháu Phan Thị Nga ở Phú Lộc được Đại tá Phạm Tùng Lâm, Phó Chính ủy đỡ đầu…). Khoảng cách địa lý và công việc bận rộn, nên những người cha đỡ đầu khó có thể thường xuyên gặp gỡ, mà hàng tháng gửi khoản tiền hỗ trợ, gọi điện thoại động viên hoặc thông qua đồng đội công tác trên địa bàn để nắm tình hình học tập, rèn luyện của các cháu. Dịp đặc biệt này là cuộc gặp đầy cảm xúc.

Đại tá Nguyễn Xuân Hòa nói rằng, thời điểm đó, ông là Phó Chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh. Công việc vô cùng bận rộn, nhưng đã đặt lên vai trách nhiệm “nâng bước” một học sinh có hoàn cảnh thiệt thòi so với bạn bè cùng trang lứa, thì không chỉ chu toàn khoản tiền hỗ trợ, mà phải làm sao để cháu bé cảm nhận được tình cảm ấm áp, khích lệ cháu tự tin nỗ lực học tập, vươn lên. Vậy nên, trong mỗi chuyến về công tác địa bàn huyện Phú Lộc, ông cố gắng sắp xếp thời gian, trực tiếp đến tận nhà thăm hỏi; đến trường nắm tình hình học hành của cháu. Thấu hiểu đứa trẻ nào cũng mong muốn cha mẹ ở cạnh trong những sự kiện quan trọng của tuổi thơ, Đại tá Nguyễn Xuân Hòa đã thu xếp để có mặt trong lễ khai giảng năm học 2017-2018. Tấm hình chụp cùng cháu Thi dịp ý nghĩa này được Đại tá Nguyễn Xuân Hòa luôn đặt trên bàn, trong phòng làm việc, là hình ảnh ấm áp của tình thân được trân trọng, yêu thương.

Đại tá Nguyễn Xuân Hòa, Đại tá Phạm Tùng Lâm, Đại tá Đặng Ngọc Hiệu, Thượng tá Trần Văn Tuyển và nhiều cán bộ, sĩ quan biên phòng quây quần với các cháu trong bữa cơm trưa ấm cúng không khí gia đình tại đơn vị. Gắp miếng trứng rán, miếng cá kho thơm phức - hành động giản dị, tự nhiên của các ông bố, bà mẹ dành cho con mình - khiến những đứa trẻ mồ côi xúc động thật nhiều, bởi cử chỉ chăm sóc, dặn dò tỉ mẩn ấy. “Điều gì cần thì cứ nói để các chú, các bác hỗ trợ, chia sẻ”, là lời dặn mộc mạc trước lúc các cháu lên xe trở về nhà. Hồ Minh Quang, học sinh lớp 11 người dân tộc Tà Ôi, mồ côi cha, nhiều lần nghẹn lời xúc động, bởi nỗ lực và thành tích học tập rèn luyện của em và các bạn khiến các chú, các bác BĐBP tự hào, như thể đang tự hào về những đứa con ruột thịt.

Kèm cặp, chỉ dẫn các cháu học tập

Trách nhiệm và yêu thương

Tại lễ biểu dương, nụ cười của Lê Văn Thìn, 13 tuổi, người dân tộc Pa Cô, học sinh lớp 7, con nuôi của Đồn Biên phòng cửa khẩu A Đớt, rạng rỡ tự tin. Không còn “dấu vết” rụt rè, có phần “thu mình” như 3 năm trước, lúc mới được đồn đưa về nuôi dưỡng tại đơn vị. Từng chứng kiến cán bộ, chiến sĩ đồn A Đớt ngày mưa gió đưa Thìn đến trường rồi đón về, chong điện nơi góc học tập, kiên nhẫn uốn nắn từng nét chữ, chỉ vẽ từng phép tính, nhẹ nhàng chỉ bày từng lời ăn tiếng nói…, mới hiểu trong sự thay đổi, trưởng thành của cậu học trò hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ở vùng đất biên giới xa xôi, là biết bao tâm huyết, trách nhiệm và yêu thương.

Trung úy Phạm Thái Sơn (hiện là Đội trưởng Đội vận động quần chúng Đồn Biên phòng cửa khẩu Hồng Vân, trước đó là Đội phó Đội vận động quần chúng Đồn Biên phòng cửa khẩu A Đớt) nhớ lại ngày mới tốt nghiệp Học viện Biên phòng, về nhận nhiệm vụ tại đồn A Đớt, anh được chỉ huy đơn vị phân công ngoài nhiệm vụ chuyên môn, còn trực tiếp kèm cặp chăm sóc, chỉ dạy cho cháu Thìn.

“Không khỏi lo lắng vì mình còn quá trẻ, chưa có kinh nghiệm. Nhưng khi thấy cháu nhỏ bé, hồi tưởng đến hoàn cảnh của bản thân mồ côi mẹ khi mới học lớp 3, trong lòng tôi là sự đồng cảm, thương cháu Thìn nhiều hơn. Đã từng nhận yêu thương của nhiều người nên tôi hiểu, từ trái tim đến trái tim là “con đường” bền vững nhất để cháu Thìn nói riêng, các cháu mồ côi, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên hai tuyến biên giới, được lực lượng BĐBP nuôi dưỡng hoặc “nâng bước tới trường”, cảm nhận được tình yêu thương, để từ đó nỗ lực, cố gắng vươn lên trong mọi mặt” - Trung úy Phạm Thái Sơn bộc bạch.

Cái bắt tay khích lệ, tin tưởng

Vậy là vừa tâm sự, chỉ dạy, vừa dẫn cháu theo khi ra vườn tăng gia, ra sân bóng chuyền, khi đến tặng gạo hoặc giúp đỡ các hộ dân thuộc diện chính sách, neo đơn, khó khăn trên địa bàn..., để ngoài học tập, Thìn có nhiều cơ hội cùng rèn luyện, lao động, đặc biệt biết mở lòng trao đi yêu thương. Trung úy Sơn và cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng cửa khẩu A Đớt rất mừng, khi Thìn ngày càng tiến bộ trong học tập, rèn luyện, đạt danh hiệu học sinh tiên tiến, được tín nhiệm bầu làm lớp trưởng. “Có những hôm, công việc bận rộn nên chúng tôi trở về phòng ngủ muộn. Thật sự xúc động khi thấy cháu Thìn đã treo luôn màn ngủ cho các chú. Như vậy là cháu đã trưởng thành. Không những biết tự lập, cháu còn biết thể hiện tình cảm yêu thương, lo cho người khác, như cách mà chúng tôi trao cho cháu” - Trung úy Sơn bày tỏ.

Ngoài yêu thương và trách nhiệm dành cho các cháu, lực lượng BĐBP còn rất chú trọng việc phối hợp sâu sát cùng nhà trường và gia đình, trao đổi thông tin, để cùng nhau phối hợp, tìm cách giúp các cháu khắc phục những điểm hạn chế, phát huy những điểm mạnh, điểm tốt, nỗ lực vươn lên, trở thành người có ích.

Có 9 học sinh tiêu biểu nhất/75 cháu được BĐBP “nâng bước” vinh dự về dự hội nghị biểu dương. Nhưng theo Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh - Đại tá Nguyễn Xuân Hòa, còn rất nhiều cháu đã cố gắng, đạt thành tích tốt trong học tập, rèn luyện, là những “mầm xanh” mạnh khỏe trên vùng đất biên giới. Sẽ tiếp tục ươm và vun trồng những mầm xanh như thế là cách lực lượng BĐBP thực hiện tốt nhiệm vụ xây dựng và gìn giữ biên cương vững chắc.

Bài, ảnh: QUỲNH ANH

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tín hiệu vui từ hoạt động xuất, nhập khẩu

Tác động tích cực từ thị trường quốc tế, các chính sách đồng hành hỗ trợ doanh nghiệp (DN) trong lĩnh vực xuất, nhập khẩu đã tạo được lợi thế riêng của DN Huế trong hoạt động xuất, nhập khẩu.

Tín hiệu vui từ hoạt động xuất, nhập khẩu
Phía trước là Nhân dân

Với phương châm “Giúp Nhân dân là mệnh lệnh từ trái tim Bộ đội Cụ Hồ”, lực lượng vũ trang (LLVT) tỉnh luôn là lực lượng nòng cốt, kề vai, sát cánh cùng người dân trong thiên tai, bão lũ.

Phía trước là Nhân dân
Món quà từ Gió Xanh

Những ai tham dự đêm hòa nhạc hợp xướng với chủ đề “Việt Nam thương mến – Loving Vietnam 2024”, tại Nhà hát Sông Hương bên trong Học viện Âm nhạc Huế vào một đêm cuối tháng 6 vừa qua, hẳn đã không khỏi xúc động và vỡ òa cảm xúc bởi cái cách mà dàn hợp xướng cộng đồng đến từ Hà Nội gửi tặng đến những người yêu âm nhạc, đến các trẻ có hoàn cảnh yếu thế.

Món quà từ Gió Xanh
Mang trái tim đất liền đến với Trường Sa - Kỳ 8: Trái tim của huyện đảo Trường Sa

Rất nhiều người Việt Nam yêu và thuộc bài hát “Gần lắm Trường Sa” của nhạc sĩ Huỳnh Phước Long. Bài hát có những câu khi hát lên thật bồi hồi, xúc động “Không xa đâu Trường Sa ơi, không xa đâu Trường Sa ơi! Vẫn gần bên em vì Trường Sa luôn bên anh. Vẫn gần bên anh vì Trường Sa luôn bên em…”. Là người Việt Nam, ai cũng có ao ước được một lần đặt chân lên đảo Trường Sa, chúng tôi thật may mắn cùng Đoàn công tác số 5 đặt chân lên đảo.

Mang trái tim đất liền đến với Trường Sa - Kỳ 8 Trái tim của huyện đảo Trường Sa
Return to top