ClockThứ Sáu, 01/07/2022 22:22

Về tận địa phương để tư vấn, phổ biến chính sách việc làm

TTH.VN - Ngày 1/7, Sở Lao động- Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) phối hợp với UBND huyện A Lưới tổ chức hội nghị tư vấn các chính sách liên quan đến cán bộ cơ sở và người lao động ở 18 xã, thị trấn trên địa bàn huyện.

Phấn đấu tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 0,8-1%Sôi nổi "Ngày hội Việc làm - Tư vấn tuyển sinh"Tập huấn nâng cao năng lực về công tác đưa lao động đi làm việc ở nước ngoàiĐi lao động ở nước ngoài là con đường thoát nghèo hiệu quảRa Va Lục sang Nhật lập nghiệp

Lê Thị Bích Thơm (bìa phải) và một số lao động ở địa phương quyết định sẽ đăng ký phỏng vấn sang Nhật Bản làm việc sau buổi tư vấn.

Một cách giảm nghèo bền vững

Đây là hội nghị điểm trong chuỗi hoạt động tư vấn của Sở LĐTB&XH phối hợp với 3 huyện: Phú Lộc, Nam Đông và A Lưới, gắn với chương trình mục tiêu giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021- 2025.

Phó Chủ tịch UBND huyện A Lưới - ông Hồ Văn Ngưm cho biết, nguồn lực lao động trên địa bàn huyện A Lưới hiện có hơn 30.000 người trong độ tuổi lao động/ 53.000 dân số. Đây là nguồn lao động khá dồi dào, tuy nhiên, lao động có việc làm và thu nhập ổn định lại rất thấp. Vì thế, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện hơn 7.000 hộ, chiếm hơn 49%. Trong thực hiện Nghị quyết về giảm nghèo bền vững, Tỉnh ủy đặt ra mục tiêu cho huyện A Lưới đến năm 2025 phải giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 12,02%. Giải pháp hữu hiệu nhất để giảm tỷ lệ hộ nghèo và giảm nghèo bền vững là tạo việc làm ổn định và nhất là vận động, khuyến khích người lao động có sức khỏe ĐLVNN.

Tại buổi tư vấn, ngoài cán bộ cấp cơ sở còn có sự tham gia của nhiều đối tượng là người lao động đã đăng ký lao động trong, ngoài tỉnh và ĐLVNN, thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an; người chấp hành xong án phạt tù, người lao động trở về địa phương do ảnh hưởng dịch COVID-19 và người lao động chưa có việc làm, việc làm không ổn định.

Em Lê Thị Bích Thơm, ở xã Đông Sơn (A Lưới) chia sẻ: Em vừa trở về quê từ tháng 3/2022 sau hơn 3 năm làm việc trong ngành thủy sản ở Đà Nẵng để đăng ký ĐLVNN. Nghe Công ty Suleco giới thiệu hình ảnh các anh chị ở A Lưới đang lao động tại Nhật, mức thu nhập, cũng như hỗ trợ về các chính sách đào tạo, thủ tục xuất cảnh sang lao động tại thị trường Nhật Bản... em đã hiểu rõ hơn và quyết tâm hơn về lựa chọn sang Nhật làm việc của mình. Qua tìm hiểu các đơn hàng tuyển dụng, em dự định sẽ đăng ký ở lĩnh vực điện tử hoặc nông nghiệp.

Gõ từng nhà và gặp từng người lao động

Những tháng đầu năm, thị trường các nước đã đón người lao động trở lại làm việc. Đến nay, Thừa Thiên Huế có 554 lao động ĐLVNN, đạt 27,7% kế hoạch, tăng 117% so với cả năm 2021. Trong đó, lao động tập trung chủ yếu ở thị trường Nhật Bản (chiếm 87,6), Đài Loan (chiếm 9,7%), Hàn Quốc (chiếm 1,4%) và một số nước khác. Cụ thể, Phú Vang có 104 người, TX. Hương Thủy 92 người, Phú Lộc 87 người, TP. Huế 86 người, Phong Điền 77 người, TX. Hương Trà 52 người ĐLVNN. Riêng A Lưới, Nam Đông và Quảng Điền có số lao động ĐLVNN còn thấp, lần lượt là 8, 13 và 35 người.

Theo ông Hồ Dần, Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH, tuy bước đầu đã có những chuyển biến tích cực, song nếu không có sự quyết liệt của chính quyền địa phương thì sẽ khó đạt mục tiêu, chỉ tiêu về giải quyết việc làm, đưa lao động ĐLVNN để góp phần giảm nghèo bền vững. 

Để thực hiện thành công chương trình giải quyết việc làm gắn với giảm nghèo bền vững, Sở LĐTB&XH tăng cường phối hợp với các ngành, địa phương và các doanh nghiệp dịch vụ đưa người lao động ĐLVNN về tận cơ sở, "đi từng ngõ, gõ từng nhà" để nắm bắt nhu cầu của người lao động nhằm tìm và tạo nguồn đưa lao động ra nước ngoài làm việc tại các địa phương trên địa bàn tỉnh. Phấn đấu đưa được 4.800 đến 5.000 lao động của Thừa Thiên Huế ra nước ngoài làm việc trong giai đoạn 2022- 2025, góp phần thực hiện thành công đề án giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh nói chung và đưa A Lưới ra khỏi danh sách huyện nghèo vào năm 2023, đưa 7 xã nghèo ở các huyện, thị khác ra khỏi danh sách xã nghèo trước năm 2025.

Ngoài các điểm tư vấn hỗ trợ đưa lao động ĐLVNN do Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh phối hợp với các địa phương thành lập, như tại xã Quảng Công (Quảng Điền), xã Vinh Hưng (Phú Lộc), thị trấn A Lưới (A Lưới) hoạt động với tần suất 1 tuần/1 lần, sắp tới, mô hình điểm tư vấn hỗ trợ này sẽ được mở rộng tại các địa phương còn lại trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, tiếp tục đẩy mạnh kích hoạt công tác thông tin tuyên truyền qua các trang mạng xã hội như: zalo, facebook, website, qua hệ thống truyền thanh báo, đài về việc làm, chính sách hỗ trợ việc làm trong và ngoài nước đến với các tầng lớp nhân dân và người lao động.

Bài, ảnh: HOÀI THƯƠNG

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Để “Thịt bò vàng A Lưới” vươn xa

Trên địa bàn huyện A Lưới hiện có 109 hộ sản xuất, kinh doanh (SXKD) sản phẩm từ thịt bò và chăn nuôi bò được Hội Nông dân (HND) huyện cấp quyết định sử dụng nhãn hiệu “Thịt bò vàng A Lưới”.

Để “Thịt bò vàng A Lưới” vươn xa
Nâng cao chất lượng nguồn vốn tín dụng chính sách

Tối 31/12, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng ban Đại diện Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh Nguyễn Thanh Bình đến thăm NHCSXH tỉnh nhân dịp quyết toán niên độ năm 2024.

Nâng cao chất lượng nguồn vốn tín dụng chính sách

TIN MỚI

Return to top