ClockThứ Sáu, 05/08/2022 07:21

Xuân Lộc làm tốt công tác chính sách dân tộc

TTH - Cùng với các hợp phần đầu tư cơ sở hạ tầng, đào tạo nâng cao năng lực cộng đồng, việc quan tâm phát triển sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) đã góp phần đưa công tác chính sách dân tộc của xã Xuân Lộc (Phú Lộc) đạt kết quả cao.

Đồng bào DTTS ở Xuân Lộc được thụ hưởng chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất

Ông Hồ Văn Giang, ở bản Phúc Lộc, xã Xuân Lộc là một trong số hộ đồng bào DTTS được hỗ trợ thí điểm trồng cây dược liệu tràm gió với diện tích gần 1,5ha. Phương thức được thực hiện là trồng xen trong rừng keo tỉa thưa. Đến nay, số diện tích tràm gió này đã cho thu hoạch. Ông Giang nhẩm tính, chỉ sơ bộ một ha tràm gió trồng thuần chủng bình quân trên dưới 18 nghìn cây, sản lượng từ 1,5 đến 2kg lá/cây, càng về sau sản lượng càng cao. Giá bán sản phẩm trên thị trường hiện nay dao động từ 4.500đ đến 5.000đ/kg lá. Như vậy, con số thu ước tính vào khoảng 160 - 180 triệu đồng/ha (chưa trừ chi phí) và một năm có thể thu hoạch 2 lứa. “Đây là mô hình sản xuất cho thu nhập cao kể từ trước đến nay đối với đồng bào DTTS ở bản Phúc Lộc. Vì vậy, đồng bào rất phấn khởi được chính quyền quan tâm hỗ trợ về nguồn vốn vay ưu đãi, tập huấn quy trình sản xuất để phát triển mô hình trồng cây dược liệu này” - ông Giang bày tỏ.

Phúc Lộc là bản đồng bào DTTS của xã Xuân Lộc. Toàn bản có 166 hộ, với 728 nhân khẩu. Các dân tộc trên địa bàn gồm Vân Kiều, Tà Ôi, KaTu, PaHy và Tày. Đồng bào từ trước đến nay chỉ quen với phong trào trồng rừng keo. Vậy nên, để thuyết phục đồng bào chuyển đổi cơ cấu cây trồng đòi hỏi phải phân tích bài toán về kinh tế. Theo tính toán của các hộ DTTS ở đây, trồng cây tràm gió cần vốn đầu tư ban đầu lớn, khoảng 30 triệu đồng/ha, gấp đôi đầu tư trồng một ha rừng. Thế nhưng, chỉ cần đầu tư một lần, những năm tiếp theo thu hoạch chỉ làm cỏ, bón  phân mà không cần đầu tư gì thêm; đầu tư một lần thu hoạch đến 20 năm, hiệu quả kinh tế đem lại cao gấp 2 - 3 lần so với rồng rừng thông thường.

Để giúp bà con DTTS trên địa bàn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao, chính quyền địa phương huy động cán bộ, đảng viên làm nòng cốt trong công tác dân tộc, tổ chức truyên truyền, vận động, hướng dẫn đồng bào. Các hội đoàn thể Nông dân, Phụ nữ, Đoàn thanh niên trở thành người đỡ đầu, tạo điều kiện tốt nhất cho đồng bào tham gia thực hiện. Trong đó, quan tâm đến chất lượng, tạo thương hiệu sản phẩm của địa phương, liên kết tiêu thụ theo các quy chuẩn như gỗ rừng chứng chỉ FSC, trái cây chất lượng VietGAP, liên kết với tập đoàn Quế Lâm, các cơ sở tinh chế dầu tràm... Nhờ vậy, bà con đã mạnh dạn chuyển đổi trồng mới được hơn 20ha cây ăn quả gồm bưởi da xanh, sầu riêng, thanh long ruột đỏ và tham gia trồng cây tràm gió dưới các tán rừng chứng chỉ FSC. Đây là thành công bước đầu của sự chuyển đổi.

Chủ tịch UBND xã Xuân Lộc, ông Nguyễn Ngọc Sinh chia sẻ, Xuân Lộc là xã miền núi vùng gò đồi có tổng diện tích tự nhiên 4.382,6ha; trong đó, đất lâm nghiệp chiếm 3.878,6ha. Đây là lợi thế rất lớn giúp Xuân Lộc có điều kiện mở rộng và phát triển diện tích trồng cây dược liệu. Từ thành công trong việc hỗ trợ đồng bào DTTS phát triển mô hình trồng cây tràm gió cho thu nhập cao, địa phương tính đến giải pháp mở rộng vùng nguyên liệu này để phát triển thêm nghề nấu tinh dầu tràm nhằm giải quyết lao động nhàn rỗi, lao động phụ cho người dân bản Phúc Lộc nói riêng và trên địa bàn xã nói chung.

Cũng theo ông Nguyễn Ngọc Sinh, hiện nay, xã Xuân Lộc đã thành lập Chi hội phát triển rừng bền vững Xuân Lộc, trực thuộc Hội chủ rừng phát triển bền vững Thừa Thiên Huế (TTH-FOSDA). Toàn xã đã có 260ha rừng trồng được cấp chứng chỉ FSC và đã khai thác cho lợi nhuận gấp 1,4 lần rừng trồng thông thường. Qua đó, cho thấy trình độ canh tác và quản lý rừng của đồng bào DTTS và người dân trên địa bàn rất có hiệu quả. Đây là điều kiện thuận lợi để có thể triển khai thêm một số mô hình trồng các loại cây dược liệu xen ghép dưới tán rừng nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế trên mỗi đơn vị sản xuất cho bà con.

Cùng với đó, người dân tộc Vân Kiều ở bản Phúc Lộc hiện còn gìn giữ được các bài thuốc dân gian, là điều kiện thuận lợi cho việc tổ chức sản xuất, duy trì và bảo tồn các loại cây thuốc quý, bài thuốc bí truyền tạo nên thương hiệu đặc trưng cho một vùng đất… Điều này càng phù hợp với hướng mở về mục tiêu xây dựng các mô hình có tính bản địa, gắn liền với chuỗi giá trị OCOP trong tương lai, mà chủ nhân của các sản phẩm có giá trị kinh tế cao này chính là đồng bào DTTS ở Xuân Lộc.

Bài, ảnh: Bá Trí

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Ổn định cuộc sống nhờ nguồn vốn vay chính sách

Nhiều hộ gia đình vươn lên thoát nghèo bền vững; đối tượng chính sách ổn định cuộc sống hơn nhờ vào nguồn vốn vay tín dụng từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện Quảng Điền.

Ổn định cuộc sống nhờ nguồn vốn vay chính sách
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phạm Đức Tiến dự Ngày hội Đại đoàn kết dân tộc tại TP. Huế

Ngày 17/11, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phạm Đức Tiến đã đến đình làng Dương Xuân Hạ chung vui và phát biểu chúc mừng Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc cùng bà con tổ dân phố 12, phường Thủy Xuân (TP. Huế). Cùng dự có bà Nguyễn Thị Ái Vân, TUV, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; ông Phan Thiên Định, UVTV Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy Huế.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phạm Đức Tiến dự Ngày hội Đại đoàn kết dân tộc tại TP Huế
Hội thi văn nghệ tuyên truyền chính sách, pháp luật về người khuyết tật

Ngày 15/11, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với các sở, ngành, hội, địa phương tổ chức "Hội thi Văn nghệ tuyên truyền chính sách, pháp luật về người khuyết tật (NKT) tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2024" với chủ đề "Kết nối yêu thương". Hội thi với sự góp mặt của các đội văn nghệ đến từ Hội NKT của 6 địa phương đăng ký tham gia.

Hội thi văn nghệ tuyên truyền chính sách, pháp luật về người khuyết tật
Bảo tồn văn hóa truyền thống vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Thông qua Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (Chương trình MTQG 1719), huyện A Lưới đã đạt được nhiều thành tựu trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, góp phần gìn giữ di sản vô cùng quý báu này.

Bảo tồn văn hóa truyền thống vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Return to top