ClockThứ Ba, 18/04/2017 21:32

An toàn thông tin mạng và quản lý sim rác được dư luận quan tâm

TTH.VN - Tại phiên họp chiều 18/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTV) tiến hành chất vấn Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Trương Minh Tuấn, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển.
Bộ trưởng Trương Minh Tuấn trả lời chất vấn chiều 18/4 (ảnh chụp qua màn hình)

Nội dung được chất vấn là: Công tác quản lý an toàn thông tin mạng; việc xử lý các cá nhân, tổ chức có hành vi đăng tải thông tin xuyên tạc, sai sự thật trên các phương tiện thông tin điện tử gây hoang mang trong dư luận, gây thiệt hại về kinh tế, tổn hại danh dự, nhân phẩm của cá nhân, tổ chức khác. Việc kiểm duyệt chương trình, nội dung quảng cáo trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Ngăn chặn thông tin xấu độc

Các đại biểu Quốc hội chất vấn các vấn đề: Giải pháp ngăn chặn thông tin xấu độc từ các trang mạng mạo danh lãnh đạo, phòng chống tin nhắn rác; quản lý chương trình truyền hình giải trí liên kết; giải pháp ngăn ngừa thông tin xấu độc, định hướng thông tin trên internet; phát huy vai trò của báo chí trong phòng chống tham nhũng, ngăn chặn phóng viên sai phạm....

Về vấn đề ngăn chặn thông tin xấu độc, nói xấu bất hợp pháp, kích động thù hằn... trên mạng internet, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cho rằng, thế giới đang dịch chuyển theo sự phát triển của công nghệ thông tin, mạng xã hội... và tiến trình này đặt ra không ít thách thức đối với cơ quan quản lý thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng.

Bộ trưởng cho biết, trong bối cảnh toàn cầu hóa, Việt Nam là nước có số lượng người dùng mạng xã hội thuộc 'top' đầu thế giới, đây là xu thế tất yếu. Trên mạng xã hội, tin tức lan truyền với tốc độ chóng mặt, vấn đề là khai thác được ưu điểm, hạn chế những khuyết điểm của nó...

Phân loại các  trang mạng trong nước, trang mạng ở nước ngoài, Bộ trưởng cho biết, ở nước ta các thế lực thù địch, bất lương (có nguồn gốc từ nước ngoài) sử dụng triệt để nhằm bôi nhọ chế độ, lãnh đạo, nói xấu, công kích lẫn nhau, đưa tin 'bỏng mắt', 'đắng lòng'... làm nhiễu thông tin, tung tin giả, phát ngôn thiếu chuẩn mực, kích động hằn thù,... nhiều trường hợp vi phạm pháp luật...

Về giải pháp ngăn chặn thông tin xấu độc, tin giả, tin xấu trên mạng xã hội, Bộ trưởng nhấn mạnh giải pháp hoàn thiện thể chế (đã ban hành Thông tư 38), đồng thời đẩy mạnh cung cấp thông tin chính thống; trong sạch hóa đội ngũ người làm báo; minh bạch thông tin... để 'lấy cái đẹp, dẹp cái xấu'; xử phạt nghiêm minh các trường hợp sai phạm (xác định được nhân thân); đối với các trường hợp không xác định được nhân thân thì yêu cầu các doanh nghiệp cung cấp thông tin xuyên biên giới gỡ bỏ những thông tin vi phạm. 

Bộ trưởng cho biết, thời gian qua Bộ TT&TT đã yêu cầu gỡ bỏ hơn 2.000 clip xấu độc trên kênh youtobe;... Thời gian tới Bộ sẽ phối hợp với Facebook để gỡ bỏ những trang giả mạo; bên cạnh các giải pháp kỹ thuật, tuyên truyền nâng cao nhận thức cho công chúng, Bộ cũng sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng, các doanh nghiệp của Việt Nam và quốc tế để quản lý chặt chẽ vấn đề này;...

Về an toàn thông tin mạng, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cho biết thời gian qua vấn đề này diễn biến khá phức tạp. Theo Bộ trưởng, an toàn an ninh mạng là chủ đề nóng, tất cả các quốc gia trên thế giới đều quan tâm vì độ phức tạp, tinh vi của tội phạm ngày càng cao...

Về giải pháp, Bộ trưởng nhấn mạnh việc phải phân rõ trách nhiệm của từng cơ quan trong bảo đảm an toàn thông tin mạng; cơ chế phối hợp xử lý sự cố; đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng hiệu quả đội ngũ nhân lực; đảm bảo cơ sở vật chất; hoàn thiện hành lang pháp lý; đẩy mạnh công tác hướng dẫn, cảnh báo, đảm bảo an toàn kỹ thuật... 

“Bản thân tôi cũng là nạn nhân của sim rác”

Các đại biểu tham gia tại điểm cầu Thừa Thiên Huế

Trả lời về vấn đề tin nhắn rác, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn nêu vấn đề, sim rác và tin nhắn rác đang là một vấn nạn, bản thân tôi cũng là nạn nhân của sim rác và tin nhắn rác. Đồng thời, nêu rõ những nguyên nhân về mặt quản lý, giám sát, qua đó nhấn mạnh trách nhiệm của các cơ quan quản lý, trong đó có trách nhiệm của Bộ TT&TT. 

Theo Bộ trưởng, sở dĩ chưa giải quyết được triệt để vấn đề này là vì lợi ích của nhiều bên (cả nhà mạng, lẫn đại lý và người dùng...). Để xử lý vấn nạn sim rác, tin nhắn rác, Bộ trưởng cho biết, thời gian qua, Bộ TT&TT rất trăn trở và đã quyết liệt xử lý vấn đề này.

Tinh thần của Bộ là phải chặn ngay từ đầu ra (ngăn chặn từ nhà mạng), quản lý chặt chẽ tài nguyên kho số quốc gia; giảm đầu 11 số; quy trách nhiệm cho các nhà mạng; xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu;...

Thời gian qua, Bộ đã thu hồi khoảng 20 triệu sim rác. Đồng thời Bộ cũng phối hợp với Bộ Công an, Bộ Tài chính để đề xuất cấp thẩm quyền quy định nâng cao mức phạt; tăng cường khuyến khích người dùng sử dụng sim trả sau;...

Quản lý chương trình truyền hình thực tế

Về quản lý chương trình thực tế của một số đài truyền hình, Bộ trưởng cho biết đây là vấn đề được dư luận rất quan tâm.

Vừa qua nhiều chương trình đã đưa tin không chính xác, thậm chí ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh của người dân, doanh nghiệp như: Phóng sự "Dùng chổi quét rau"; "Nước mắm nhiễm asen"; một số chương trình gameshow... của VTV, HTV đã dàn dựng chi tiết không đúng sự thật, hình ảnh phản cảm... Bộ đã có những hình thức nhắc nhở, xử phạt nghiêm khắc, đúng quy định.

Năm 2016, Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử của Bộ đã tiến hành thanh kiểm tra và xử phạt vi phạm hành chính 10 trường hợp với tổng số tiền xử phạt là 180 triệu đồng; nhắc nhở 14 trường hợp; tiến hành 02 đợt thanh tra hoạt động quản lý, cung cấp, sử dụng trang mạng xã hội và kiểm tra đối với 05 đơn vị có vận hành trang mạng xã hội.

Trong Quý I/ 2017, đã xem xét và xử lý 16 cá nhân và doanh nghiệp; phối hợp với các Sở TT&TT các tỉnh, thành phố, Bộ Công an xử lý 20 trường hợp các trang thông tin điện tử và mạng xã hội; ban hành 10 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền phạt là 400 triệu đồng.

Để tránh những sai sót như trên trong thời gian tới, Bộ sẽ tăng cường công tác hậu kiểm; xử lý nghiêm sai phạm; thậm chí sẽ thu hồi giấy phép, đình chỉ hoạt động của cơ quan báo chí sai phạm;... Bên cạnh đó, Bộ phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội Nhà báo Việt Nam trong đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao nghiệp vụ cho các nhà báo...

Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn này, tổng cộng có 16 lượt đại biểu chất vấn Bộ trưởng Bộ TT&TT. Theo đánh giá phần trả lời của bộ trưởng đã rất trọng tâm, ngắn gọn, súc tích, đưa ra nguyên nhân và phân tích hạn chế, khuyết điểm, đồng thời có giải pháp để khắc phục.

Thái Bình (lược ghi)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Cần giải pháp nâng cao chất lượng các sản phẩm nông sản

Trong khuôn khổ Chương trình Phiên họp thứ 36, sáng 21/8, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) tổ chức chất vấn và trả lời chất vấn việc thực hiện các nghị quyết (NQ) của UBTVQH về giám sát chuyên đề và chất vấn từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV đến hết năm 2023.

Cần giải pháp nâng cao chất lượng các sản phẩm nông sản
Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV:
Hôm nay Quốc hội tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, hôm nay (4/6) Quốc hội bắt đầu phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Hai nhóm vấn đề đầu tiên sẽ được Đại biểu Quốc hội đặt câu hỏi chất vấn là Tài nguyên và Môi trường; Công thương.

Hôm nay Quốc hội tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top