ClockChủ Nhật, 21/03/2021 06:41

“Bà đỡ” cho đối tượng chính sách ở Hương Thủy

TTH - Từ nguồn vốn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), các đối tượng chính sách ở thị xã Hương Thủy đã xây dựng được nhiều mô hình sản xuất hiệu quả, nâng cao thu nhập, góp phần xây dựng nông thôn mới.

Sửa đổi, bổ sung quy định về xử lý nợ bị rủi ro tại Ngân hàng Chính sách xã hộiTrao hàng trăm suất quà cho người nghèoNgân hàng Chính sách xã hội Hương Trà: Ba năm không phát sinh nợ xấu

Phát triển chăn nuôi và trồng nấm giúp bà Phiến tăng thu nhập

Trước năm 2018, bà Phạm Thị Phiến là hộ cận nghèo của phường Thủy Lương. Người ta bảo “cái khó bó cái khôn” quả chẳng sai khi bà cứ quẩn quanh chuyện “tay làm chẳng đủ hàm nhai”. Nhiều dự định đầu tư phát triển sản xuất không thể thực hiện vì không có vốn.

Sau khi cán bộ hội phụ nữ tư vấn, bà tham gia tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) và được NHCSXH hỗ trợ cho vay phát triển kinh tế, năm 2018 bà chính thức thoát nghèo.

Theo bà Phiến, sau khi thoát nghèo bà tiếp tục vay 50 triệu đồng từ chương trình cho vay hộ mới thoát nghèo để chăn nuôi và vay thêm 25 triệu đồng để con học đại học. Từ nguồn vốn này, ngoài việc đầu tư cho con học tập, bà chăn nuôi thêm gà và trồng nấm, kinh tế gia đình dần khấm khá.

Không quá khó khăn như bà Phiến nhưng với sự trợ lực từ nguồn vốn tín dụng chính sách, ông Nguyễn Hanh, thôn 3, xã Phú Sơn đã hiện thực hóa được ý tưởng phát triển kinh tế. Theo đó, từ nguồn vốn chương trình vay vốn giải quyết việc làm và tận dụng diện tích sân vườn, ông mở rộng diện tích bưởi và chăn nuôi thêm gà, lợn, trở thành hộ nông dân tiêu biểu của Phú Sơn trong phát triển kinh tế. Với hơn 2 ha bưởi đang cho thu hoạch và đàn gà 500 con, 100 con lợn mỗi năm, gia đình ông thu nhập gần 200 triệu đồng.

Với mạng lưới hoạt động rộng khắp phủ kín 100% thôn, tổ của thị xã, thông qua ủy nhiệm cho 233 tổ TK&VV, ủy thác cho 4 tổ chức chính trị - xã hội từ cấp huyện đến cơ sở; việc quản lý nguồn vốn tín dụng chính sách tại Hương Thủy được quản lý chặt chẽ từ khâu rà soát lập danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo đến việc phân bổ vốn tín dụng chính sách xã hội... tại các xã, phường, thôn, tổ dân phố.

Theo ông Ngô Văn Vinh, Phó Chủ tịch UBND thị xã Hương Thủy, những năm qua, chính quyền địa phương đã phối hợp với NHCSXH thị xã chuyển tải nguồn vốn vay đến hàng ngàn hộ chính sách trên địa bàn, giúp bà con có vốn đầu tư sản xuất, chăn nuôi, phát triển kinh tế hộ gia đình. Nhờ nguồn vốn này, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn những năm qua đã chuyển biến, thu nhập, đời sống người dân tăng lên đáng kể, chương trình xây dựng nông thôn mới có bước tiến.

Ngoài ưu tiên bố trí nguồn vốn cho các hộ nghèo và các hộ chính sách khác thuộc các xã xây dựng nông thôn mới và các xã có tỷ lệ hộ nghèo cao, NHCSXH còn quan tâm đến các đối tượng khó khăn trong giải quyết việc làm, hộ mới thoát nghèo… nhằm đảm bảo 100% các đối tượng có nhu cầu, đủ điều kiện đều được vay vốn từ NHCSXH, đẩy lùi tệ nạn tín dụng đen vùng nông thôn.

Đến cuối năm 2020, tổng dư nợ trên địa bàn Hương Thủy đạt trên 314 tỷ đồng với 8.973 hộ còn dư nợ, dư nợ bình quân đạt 35 triệu đồng/hộ, tăng 2,6 triệu đồng/hộ so với năm 2019.

Ông Châu Đình Ngữ, Giám đốc phòng giao dịch NHCSXH thị xã Hương Thủy chia sẻ, để tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động ủy thác, phòng giao dịch sẽ tiếp tục phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội, ban quản lý tổ TK&VV và các địa phương… đẩy mạnh công tác truyền thông để người dân có thể tiếp cận các chương trình tín dụng chính sách. Cùng với đó, phòng giao dịch cũng phối hợp với các hội đoàn thể, chính quyền lồng ghép hiệu quả với các chương trình khuyến nông, khuyến công, chuyển giao khoa học kỹ thuật vào sản xuất; góp phần nâng cao hiệu quả nguồn vốn.

Bài, ảnh: LOAN - TÌNH

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Phát triển kinh tế tập thể: Hướng đi hiệu quả

Việc liên kết sản xuất, đổi mới mẫu mã, phương thức bán hàng đã giúp các mô hình kinh tế hợp tác xã (HTX) phát huy tối đa lợi thế, thúc đẩy sự phát triển, nhất là các sản phẩm công nghiệp nông thôn...

Phát triển kinh tế tập thể Hướng đi hiệu quả
Hiệu quả từ cảnh báo, phòng chống thiên tai qua ứng dụng Hue-S

Trước diễn biến phức tạp của thời tiết, thời gian qua, các cơ quan chức năng của tỉnh đã tăng cường công tác tuyên truyền, thông tin, cảnh báo thiên tai đến người dân bằng nhiều biện pháp, hình thức khác nhau. Trong đó, ứng dụng Hue-S của Trung tâm Giám sát và Điều hành đô thị thông minh (IOC) và các nền tảng mạng xã hội đã phát huy hiệu quả, giúp người dân chủ động nắm bắt thông tin và ứng phó kịp thời.

Hiệu quả từ cảnh báo, phòng chống thiên tai qua ứng dụng Hue-S
Return to top