Tháng 9/2019, một tọa đàm khoa học về đổi tên giải báo chí Thừa Thiên Huế được tổ chức. Chính thức bước sang năm thứ 12, với tư cách một trung tâm văn hóa và báo chí của quốc gia, vấn đề đặt ra với Thừa Thiên Huế là cần có giải báo chí mang tên một nhà báo, tờ báo hay địa danh nổi tiếng, nhằm tôn vinh, đề cao giá trị nhân văn, động viên và khích lệ các thế hệ làm báo đóng góp xây dựng và phát triển quê hương. Riêng về đề xuất nhà báo tiêu biểu để đặt tên, đã xướng tên một danh sách gồm 13 người và cuối cùng cái tên được chọn là Hải Triều.
Tham gia cách mạng rất sớm và được kết nạp Đảng từ năm 1930, Nguyễn Khoa Văn có thời gian ngắn công tác ở Sài Gòn và bị bắt. Ngay sau khi ra tù (1932), ông trở về Huế, mở hiệu sách Hương Giang và bắt đầu viết cho báo Đông Phương dưới bút danh mới - Hải Triều. Ông lập tức gây được tiếng vang qua cuộc tranh luận tư tưởng về “duy vật hay duy tâm” (với Phan Khôi) và cuộc bút chiến “Nghệ thuật vị ngệ thuật hay nghệ thuật vị nhân sinh” (với Hoài Thanh, Thiếu Sơn…).
Trên Tạp chí Sông Hương, nhà báo Dương Phước Thu bày tỏ tâm trạng phấn khích khi cách đây 6 năm anh vinh dự đón nhận món quà vô giá là cuốn “Hải Triều toàn tập” do chính gia đình của nhà báo Hải Triều gửi tặng. Tập sách giới thiệu 81 bài viết của ông. Nhà báo Dương Phước Thu kể, thực hiện chủ trương của tỉnh, Hội Nhà báo tỉnh cử cán bộ đi nhiều nơi sưu tầm nguồn tư liệu báo chí để phục vụ cho việc biên soạn cuốn “Lịch sử Báo chí Thừa Thiên Huế, từ sơ khởi đến 2015”. Kết quả đã tìm được đủ 9 số báo Nhành Lúa và phát hiện còn nhiều bài viết của Hải Triều chưa in lại ở vào bất cứ cuốn sách nào cả.
Theo nhà báo Dương Phước Thu, tính từ tháng 3/1928 đến lúc qua đời vào ngày 6/8/1954, Hải Triều đã viết nhiều bút chiến nổi tiếng, nhiều bài có nội dung về chính trị, văn hóa, báo chí… cho 27 tờ báo lớn trong Nam ngoài Bắc và ở Liên khu IV. Cộng tất cả những bài viết của ông, hiện có 93 tác phẩm đã tìm ra. Có thể vẫn còn một số bài báo của Hải Triều nằm lại đâu đó chưa tìm thấy?
Con số tác phẩm báo chí mà Hải Triều để lại chưa nhiều nhưng có thể cảm nhận được ở ông nhiệt huyết và bản lĩnh người cầm bút khi đây lại được xem là những tác phẩm đầu tiên trong lịch sử xuất bản và báo chí Việt Nam trực tiếp và gián tiếp tuyên truyền phổ biến chủ nghĩa Marx đến công chúng. Hải Triều có kiến thức phong phú. Những bài viết của ông thường đưa những khái niệm của Marx, đồng thời trích dẫn những nhà văn, nhà triết học lớn và đặc biệt, thường được trình bày đơn giản, dễ hiểu, không cầu kỳ, hoa mỹ, đôi khi hài hước và châm biếm.
Thời gian Hải Triều hoạt động và làm báo cũng là lúc mà Huế nổi lên với sự ra đời của những tờ báo, như Nhành Lúa, Sông Hương, Dân… Đó cũng là thời kỳ, với tranh luận lịch sử do chính Hải Triều “châm lửa”, Huế thực sự trở thành một trung tâm báo chí cách mạng của cả nước. Còn hôm nay, với giải thưởng báo chí mang tên ông, những người làm báo Cố đô muốn noi theo bản lĩnh Hải Triều và khát khao làm sống lại không khí báo chí cách mạng một thời sôi động và hào hùng nơi đất Huế.
ĐAN DUY