ClockThứ Ba, 20/06/2023 07:04

Báo chí buổi đầu ở Huế sau cách mạng Tháng Tám

TTH - Ngay sau khi giành được chính quyền (tháng 8/1945), cần phải giải quyết rất nhiều công việc quan trọng của cách mạng, chỉ chừng một tháng thôi, lúc bấy giờ ở Huế đã có trên chục tờ báo được kịp thời xuất bản.
leftcenterrightdel
Báo Quyết Chiến, số 26 ra ngày 24/9/1945 

Việt Minh Nguyễn Tri Phương (bí danh của tỉnh Thừa Thiên) ra tờ tuần báo Quyết Thắng, do đồng chí Lê Chưởng làm Chủ bút, nhà báo Lưu Quý Kỳ làm Thư ký Tòa soạn, Nguyễn Cửu Thạnh làm Quản lý; Thị ủy Thuận Hóa (tức Huế) xuất bản nhật báo Quyết Chiến, do đồng chí Nguyễn Hoàng tức Vĩnh Mai, quyền Bí thư Thị ủy làm Chủ bút, các ông Vĩnh Hòe, Nguyễn Đức Phiên (Hoài Chân) kế nhau làm Quản lý; Ủy ban Quốc phòng Thừa Thiên ra tuần báo Chiến Sĩ, do đồng chí Ngô Điền làm Chủ bút, Thân Trọng Ninh làm Quản lý; Liên đoàn Văn hóa Cứu quốc Thừa Thiên ra tờ Đại Chúng, do Tôn Thất Dương Kỵ làm Chủ bút, Phan Thao làm Thư ký Tòa soạn; Hội Nghiên cứu chủ nghĩa Các Mác xuất bản báo Xã Hội Mới do đồng chí Nguyễn Chí Thanh làm cố vấn, sau tờ này đổi thành tạp chí Ánh Sáng do đồng chí Hải Thanh làm Thư ký Tòa soạn, nhà báo Nguyễn Khoa Bội Lan làm Chủ nhiệm; Cơ quan tuyên truyền đấu tranh của công nhân Trung bộ ra tờ Tay Thợ, do đồng chí Huỳnh Ngọc Huệ làm Chủ bút; Hội Phật giáo cứu quốc Thừa Thiên ấn hành tờ Giải Thoát do Thượng tọa Thích Mật Thể làm Chủ nhiệm, ông Trọng Đức làm Chủ bút; Ủy ban Kinh tế Trung bộ xuất bản tạp chí Kinh Tế do Kỹ sư Đoàn Trọng Truyến làm Chủ bút… và nhiều tờ báo khác nữa được xuất bản tại Huế.

Phần lớn các tờ báo này xuất bản từ sau ngày 30/8/1945 khi Huế vừa giành được chính quyền. Sở dĩ lúc ấy trên địa bàn thành phố Huế có nhiều tờ báo xuất bản một cách nhanh chóng, dễ dàng, vì mấy nguyên nhân: Ở Huế có 4 cấp hành chính đóng trụ sở: xã phường, cấp huyện thị xã, cấp tỉnh Thừa Thiên và cấp xứ (kỳ) gồm cả cơ quan Xứ ủy Trung Kỳ và Ủy ban Hành chánh Trung bộ. Các cơ quan chính quyền mới còn non trẻ rất cần đẩy mạnh tuyên truyền chủ trương, chính sách của chế độ mới thông qua báo chí và truyền thông.

Hiểu rõ vai trò quan trọng tích cực của báo chí, cách mạng cần báo chí đi thẳng vào cuộc sống; mặt khác, để tạo điều kiện thuận lợi cho báo chí xuất bản một cách dễ dàng (tất cả các loại báo chí với tôn chỉ mục đích khác nhau: của tổ chức, tư nhân, tôn giáo, văn nghệ, quân sự…) nhưng đều vì công cuộc chấn hưng nước nhà; Ủy ban Nhân dân Thừa Thiên đã kịp thời chấn chỉnh các hoạt động của báo chí, in ấn, xuất bản, theo quy định của chính quyền mới, ngay lúc ấy, để khẩn trương cho việc xuất bản báo chí, người ta chỉ cần một số thủ tục đơn giản: “Tất cả các báo xuất bản dưới thời đô hộ Pháp và Nhật đều phải xin phép lại. Các giấy phép của Pháp của Nhật đã cho coi là vô giá trị bắt đầu từ ngày 1/10/1945”.

“Các giấy phép cũ và đơn xin phép mới phải gởi đến Ban Tuyên truyền Trung bộ. Trong lúc chờ đợi Ban Tuyên truyền Trung bộ trả lời, các tờ báo ấy có thể tạm thời xuất bản, nhưng phải do Ban Tuyên truyền địa phương kiểm tra” (Báo Quyết Chiến, số 26 ra ngày 24/9/1945).

Để làm rõ hơn về nội dung này trong việc thống nhất quản lý, Ủy ban Hành chánh Trung bộ (đóng tại Huế) đã ra Thông tư gửi Ủy ban Hành chánh các tỉnh, thành Trung bộ. Toàn văn Thông tư về quản lý báo chí dưới đây được dẫn lại trên báo Quyết Chiến, số 209, ra ngày 10/5/1946: “Chiếu theo điều thứ 2 Sắc lệnh số 41/NV-PG ngày 29/4/1946 (của Bộ Nội vụ), xuất bản báo chí không phải xin phép, mà chỉ cần khai trước 48 giờ với Ủy ban Hành chánh kỳ (tức Ủy ban Hành chánh Trung bộ): Tờ khai phải có tem và kể rõ. a) Tên tờ báo và cách thức phát hành. b) Tên, tuổi và chỗ ở của người quản lý và người chủ nhiệm. c) Nhà in và nơi in. Ở thị xã Thuận Hóa và tỉnh Thừa Thiên, tờ khai nộp cho Nha Thông tin Tuyên truyền Trung bộ, nha nầy phát biên lai trong ấy có tự số tờ khai nộp ngày nào và lúc mấy giờ. 48 giờ sau (kể từ giờ nộp tờ khai ghi trong biên lai) báo có thể bắt đầu xuất bản.

Ở các tỉnh, thành khác, tờ khai nộp cho Ủy ban Hành chánh địa phương. Một mặt, Ủy ban Hành chánh địa phương phát ngay một biên bản tạm cho người khai, một mặt gởi tờ khai và một bản sao biên lai tạm về Nhà Thông tin Tuyên truyền Trung bộ (bằng cách bảo đảm cho khỏi thất lạc). Trong biên lai số tự rõ tờ khai nộp ngày nào và lúc mấy giờ. Báo có thể xuất bản 48 giờ sau khi nộp tờ khai. Khi nhận được tờ khai và bản sao biên lai tạm do Ủy ban Hành chánh địa phương gởi, Nha Thông tin Tuyên truyền Trung bộ phát biên lai chính thức trong ấy có kể rõ ràng tờ khai đã nộp tại Ủy ban Hành chánh tỉnh hay thành…ngày nào và lúc mấy giờ. Biên lai nầy sẽ gởi cho Ủy ban Hành chánh địa phương để giao lại cho người khai”.

Đọc lại Thông tư về quản lý báo chí của chính quyền cách mạng buổi đầu còn non trẻ, ta nhận thấy một sự linh hoạt trong quản lý của chính quyền mới, vừa chặt chẽ nhưng cũng rất “thông thoáng” nên dù trong hoàn cảnh khó khăn về vật liệu giấy má, điều kiện in ấn, và nghiệp vụ của người làm báo còn rất hạn chế, thế mà đã có trên 15 tờ báo của Xứ ủy Trung bộ, Tỉnh ủy Thừa Thiên và của các ngành, các cấp được xuất bản ngay tại Huế, vốn là nơi mà trước đó báo chí nói chung, báo chí cách mạng và yêu nước rất khó xuất hiện.

Cũng chính nhờ sự thông thoáng, linh hoạt của chính quyền mới, mà ngày nay chúng ta biết được thêm những cứ liệu lịch sử về những ngày đầu cách mạng mới giành được chính quyền ở Huế. Ví như thời khắc vua Bảo Đại thoái vị ở lầu Ngọ Môn; đồng chí Bí thư Xứ ủy Trung bộ Nguyễn Chí Thanh tiếp Hoàng thân Xuvanuvong tại Tòa Khâm cũ; buổi họp đầu tiên của Hội đồng Nhân dân tỉnh Thừa Thiên khóa I tại Duyệt Thị Đường; Giải phóng quân Thuận Hóa bắt toán tình báo Pháp nhảy dù xuống làng Hiền Sĩ; mở phiên tòa xét xử những tên tay sai theo đuôi thực dân Pháp…Tất cả nhờ báo chí cách mạng một thời ghi lại.

Dương Phước Thu
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thầy giáo mê đỏ đen & cái kết buồn

Với mong muốn có thể đổi đời bằng trúng xổ số lớn, từ một thầy giáo chân chất, Lê Phương Nam (SN 1982, trú xã Vinh Hưng, Phú Lộc) nguyên là giáo viên một trường tiểu học đã lao vào chơi số như con thiêu thân. Khi thiếu tiền túng quẫn, Nam đã lừa đảo xin việc của 9 người với số tiền gần 2,3 tỷ đồng để nướng vào trò may rủi.

Thầy giáo mê đỏ đen  cái kết buồn
Nhận diện nguy cơ tiềm ẩn tai nạn lao động

Nhiều vụ tai nạn lao động nghiêm trọng xảy ra gần đây ở một số nhà máy sản xuất ngoại tỉnh cho thấy, chỉ cần một sự bất cẩn nhỏ, chủ quan và thiếu trang bị kiến thức, phương tiện, quy trình phòng bị về an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) là tính mạng người lao động rất dễ bị đe dọa.

Nhận diện nguy cơ tiềm ẩn tai nạn lao động
Người lính công binh và ký ức Điện Biên Phủ

70 năm trôi qua kể từ chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, cựu chiến binh (CCB) Nguyễn Chí Bình vẫn nhớ như in “56 ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt, máu trộn bùn non”.

Người lính công binh và ký ức Điện Biên Phủ
Return to top