ClockChủ Nhật, 13/03/2022 08:10

Bao giờ mới đi cùng nhau?

TTH - Lâu nay, chúng ta vẫn nghe nhiều đến làm việc nhóm, hay các team (từ tiếng Anh) – còn gọi là các đội, nhóm, tổ. Cũng có những ý kiến khác cho rằng, “team” là tổ hợp của T (together); E (everyone); A (achieves) và M (more) trong một ý nghĩa chung là mọi người làm việc cùng nhau thì sẽ đạt được nhiều thành quả hơn.

Với những người trẻ, việc lập các team không còn xa lạ, cũng như có nhiều hình thức hoạt động của các team và nhiều khi, nó không chỉ là công việc. Trải nghiệm thực tế ở chúng ta cũng cho thấy, dù ở mức độ như thế nào, hoạt động của các team cũng đã đạt được những thành quả nhất định. Đây cũng là một hình thức làm việc được khuyến khích, nhất là ở lĩnh vực khởi nghiệp của những người trẻ, hoặc là những người năng động nhất khi thực hiện các dự án, phần việc nào đó ở các đơn vị, doanh nghiệp... Không hẳn và không phải bao giờ cũng thành công, nhưng việc đi cùng nhau, chắc chắn sẽ mang lại nhiều yếu tố tích cực thông qua việc cùng phấn đấu, bổ sung kiến thức, hỗ trợ lẫn nhau, giảm áp lực và cùng chịu trách nhiệm trước một mục tiêu chung…

Tuy nhiên, cũng có vẻ như, dạng thức này mới chỉ được áp dụng trong một số lĩnh vực, ở những người trẻ. Là chúng tôi đang đề cập đến nó trong giới hạn không gian mà chúng ta đang sống, chứ không phải như là một xu hướng trên phạm vi toàn cầu. Đó cũng là suy nghĩ của chúng tôi khi đọc được chia sẻ về sự cô đơn của PGS. TS. Nguyễn Ái Việt, Trưởng khoa Công nghệ Thông tin (CNTT) Trường đại học Đại Nam sau khi trở về nước, trong một diễn đàn với sự tham gia của nhiều chuyên gia trong và ngoài nước. Ông nói về việc không phải dễ trao đổi với ai khi gặp phải một vấn đề khó khăn nào đó, cả về việc trong nhiều năm trời vẫn không tìm được một người bạn tâm giao, hoặc nhà khoa học đồng chí hướng để chia sẻ các vấn đề khoa học với họ. Theo cách mà ông diễn giải, thì cái khó nhất chính là sự hợp tác giữa những nhà khoa học, trong khi yếu tố hợp tác là điều quan trọng nhất để cùng tạo nên thành quả. Cứ cho đây là vấn đề của PGS. TS Nguyễn Ái Việt, nhưng liệu mỗi người trong chúng ta sẽ nghĩ gì với điều mà ông bày tỏ, rằng “các nhà khoa học Việt Nam chưa có thói quen hợp tác dự án. Ở dự án quy mô nhỏ, họ thường làm từ A đến Z, từ đầu đến cuối. Mọi thứ là do một nhà khoa học làm, vậy nên là sau nhiều dự án thì họ đã hình thành thói quen làm kiểu một mình, độc lập nên rất khó để họ có thể vươn ra”?

Trong một số ngữ cảnh, tính độc lập cũng là điều được khuyến khích, tuy nhiên sẽ là điều tốt hơn nếu nó có sự hỗ trợ, tương tác và cùng nhau tìm tòi. Câu “muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa thì hãy đi cùng nhau” của Warren Buffett - một doanh nhân, nhà đầu tư người Mỹ sẽ không trở thành bài học nằm lòng của rất nhiều người trên thế giới, nếu nó không là những điều đã được đúc kết từ những trải nghiệm thực tế đã kinh qua.

Sự cô đơn mà PGS. TS. Nguyễn Ái Việt chia sẻ được đề cập ở trên, có lẽ là điều rất nhiều người đã gặp phải. Và cho dù trong khuôn khổ bài viết này, chưa có những dẫn chứng cụ thể hơn, nhiều hơn, nhưng cũng cần phải thừa nhận đó đang là một tồn tại khó gỡ, không chỉ với các nhà nghiên cứu khoa học. Trong khi hợp tác cùng nhau đang được xem là yếu tố tất yếu trong khoa học như cách mà GS. Sir Richard Henry Friend - Chủ tịch Hội đồng Giải thưởng VinFuture đã trao đổi.

Thật ra, nếu nhìn trong phạm vi công việc của mình, mỗi chúng ta sẽ nhận ra sự cô đơn này khi thiếu đi sự đồng hành, chia sẻ giữa đồng nghiệp, và đó cũng là hạn chế khi cần đến sự hỗ trợ và tương tác chung. Đó cũng là lúc chúng ta không đi xa được đến đâu, ngoài chính bản thân mình.

MINH HÀ

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Return to top