|
Các đại biểu tham gia ý kiến tại Hội thảo
|
Biến đổi khí hậu “bào mòn” di sản
Tại phiên làm việc thứ nhất với chủ đề “Di sản và khí hậu” các đại biểu tham dự được các đại diện đến từ các thành phố Hà Nội, Luang Pra Bang (Lào), Siem Riep (Campuchia) giới thiệu về những di sản tiêu biểu của địa phương, những tác động của biến đổi khí hậu lên di sản và giải pháp ứng phó, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Tiến sỹ Nguyễn Phương Nga, Giảng viên Khoa nghiên cứu Đô thị, thành viên của Hiệp hội Phát triển và Quy hoạch Đô thị Việt Nam nhấn mạnh: Di sản văn hóa và di sản thiên nhiên vốn có mối quan hệ mật thiết với tự nhiên, xã hội nhưng cũng rất nhạy cảm trước tác động của hai yếu tố này. Biến đổi khí hậu toàn cầu không chỉ đe dọa trực tiếp đến cuộc sống của trái đất, trên mọi lĩnh vực mà còn tác động tiêu cực đến di sản văn hóa và thiên nhiên. Biến đổi khí hậu làm thay đổi sự cân bằng của các quá trình thủy văn, hóa học và sinh học của đất nơi bảo quản chứng cứ khảo cổ, nguy hiểm hơn, nó làm biến mất những lớp bằng chứng lịch sử của di chỉ. Những công trình di sản bị tác động bởi bão lụt, nhiều công trình bị xuống cấp. Ngoài ra, vấn đề sa mạc hóa, xói mòn cũng là những tác nhân ảnh hưởng rất lớn đến di sản.
Xung quanh vấn đề bảo tồn, bảo vệ di sản trước tác động của biến đổi khí hậu, các chuyên gia cho rằng, điều quan trọng là cần nâng cao nhận thức về hiểm họa của biến đổi khí hậu đến những người ở vùng có di sản, giúp họ phát huy tri thức bản địa, tìm ra phương thức ứng phó hiệu quả. Ngoài ra, việc hạn chế những tác nhân gây biến đổi khí hậu như: phá rừng, giảm thiểu chất thải độc hại ra ngoài môi trường được các đại biểu trao đổi hết sức sôi nổi. Nhiều ý kiến, kiến nghị cũng được gửi đến AIMF như: xây dựng các chương trình tuyên truyền về biến đổi khí hậu, thông tin đến cộng đồng về nguy cơ của biến đổi khí hậu đối với phát triển kinh tế, xã hội, đời sống cộng đồng; xây dựng chương trình đào tạo nguồn nhân lực liên quan đến vấn đề biến đổi khí hậu đối với bảo tồn di sản và xây dựng một kế hoạch hành động cụ thể; xây dựng một chương trình đào tạo tăng cường cho những nhà chuyên môn trong lĩnh vực di sản giúp họ xác định rõ những ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đối với di sản và tìm ra giải pháp thích ứng.
Mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển
Phiên làm việc thứ 2 tập trung vào bàn luận về mối quan hệ tương tác giữa di sản và phát minh phát kiến. Các chuyên gia nêu rõ, di sản đang đứng trước nhiều thách thức do chưa giải quyết rõ mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển. Vì thế, vấn đề đặc ra là phải bảo tồn và phát huy các di sản để các di sản không tồn tại chỉ trong quá khứ mà hoàn toàn hội nhập với xã hội hiện đại. Để làm được điều này các đại biểu cho rằng cần sớm có phương thức quản lý di sản, cách can thiệp và ứng xử hợp lý đối với di sản. Trong quá trình phát triển, khuyến khích những phát minh, những sáng kiến kỹ thuật hướng đến bảo tồn và phát huy di sản một cách bền vững.
Chiều cùng ngày, các đại biểu đi vào nghiên cứu những thách thức và nhu cầu đề xuất những dự án ưu tiên của các thành phố của khu vực Đông Nam Á.