Cuốn sách là tập hợp 20 bài viết được tuyển chọn từ Hội thảo khoa học "Quá trình xác lập chủ quyền của Nhà nước Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa" do Hội Khoa học Lịch sử Thừa Thiên Huế tổ chức vào tháng 8/2020 nhằm làm rõ quy định trong Công pháp quốc tế, rằng “việc xác lập chủ quyền đối với một bộ phận lãnh thổ của quốc gia phải tuân thủ các nguyên tắc chiếm hữu thật sự và thực hiện quyền lực Nhà nước một cách thật sự, liên tục và hòa bình”.
Với quy định này cho thấy, Việt Nam đã xác lập chủ quyền tại hai quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa từ lâu đời, liên tục và đặt dưới sự quản lý, điều hành của các thể chế chính trị (Nhà nước) khác nhau qua các thời kỳ lịch sử. Theo đó, chủ quyền của Nhà nước Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa diễn ra liên tục và lâu dài thông qua nhiều nguồn tư liệu, văn bản pháp lý trong và ngoài nước, phản ánh những hoạt động quản lý, khai thác và thực thi chủ quyền một cách hợp pháp của các triều đại, chính thể Nhà nước Việt Nam xuyên suốt gần bốn thế kỷ (ít nhất từ thế kỷ 17 đến nay).
Các bài viết trong cuốn sách còn khai thác và tập hợp nhiều nguồn tư liệu chính thống có giá trị của Nhà nước Việt Nam qua các thời kỳ, cùng tài liệu điền dã kết hợp với tư liệu nước ngoài… đã minh chứng tính liên tục về chủ quyền của Nhà nước Việt Nam dưới thời chúa Nguyễn và Tây Sơn, đã được Trung Quốc, Hà Lan và nhiều nước trên thế giới thừa nhận.
Giai đoạn từ đầu thế kỷ 19 đến năm 1945, triều đại các vua Nguyễn đã tiếp tục thực thi chủ quyền đó tại Hoàng Sa và Trường Sa một cách rõ ràng, chính thống thông qua bộ Châu bản (văn bản của các vua Nguyễn), các bộ chính sử ghi chép đầy đủ các hoạt động trên các đảo, cùng nhiều loại bản đồ, sách báo, từ điển địa lý học, bách khoa toàn thư… của các quốc gia châu Âu (Pháp, Đức, Ý, Tây Ban Nha…) khẳng đinh hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam. Đây được xem là nguồn minh chứng rõ nét, có giá trị về mặt lịch sử và pháp lý mà không một quốc gia nào đang tranh chấp chủ quyền quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa với Việt Nam có được. Đó cũng là ưu thế nổi bật, có tính thuyết phục về lịch sử chủ quyền của Nhà nước Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trước cộng đồng quốc tế.
Các bài viết trong cuốn sách cũng đi sâu làm rõ việc triều Nguyễn chấm dứt (8/1945) nhưng chủ quyền biển đảo Việt Nam vẫn tiếp tục được các thể chế chính trị tiếp đó như Quốc gia Việt Nam (1949 – 1955), Việt Nam Cộng hòa (1956 – 1975) thực thi bảo vệ chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa một cách quyết liệt trước những âm mưu xâm chiếm bất hợp pháp từ các nước láng giềng, đặc biệt là Công hòa Nhân dân Trung Hoa.
Việc thực thi và bảo vệ chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa của các thể chế Nhà nước ở miền Nam Việt Nam từ sau 1945 là phù hợp với luật pháp quốc tế, như: Tuyên bố Cairo ngày 27/11/1943, Tuyên ngôn Hội nghị Potsdam ngày 26/7/1945, Hòa ước San Francisco (Hoa Kỳ) vào đầu tháng 9/1951, Hội nghị Genève (7/1954), Hiệp định Paris (01/1973) đã không xác nhận chủ quyền của bất kỳ quốc gia nào khác đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, mà các quần đảo đó trên Biển Đông đều thuộc chủ quyền của Nhà nước Việt Nam. Điều này càng khẳng định cơ sở pháp lý và tính liên tục trong việc thực thi, bảo vệ chủ quyền hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa mà Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam hiện nay có quyền thừa kế, là cơ sở pháp lý cần thiết để Việt Nam tiếp tục đấu tranh trong việc thực thi quyền và chủ quyền biển đảo của Việt Nam trên hai quần đảo ấy.
Cuốn sách còn có một số bài viết khẳng định luật pháp quốc tế đương đại về thụ đắc lãnh thổ, trong đó chỉ rõ “một quốc gia được coi là có chủ quyền đối với một vùng lãnh thổ khi quốc gia đó chứng minh được mình đã chiếm hữu, thực thi, quản lý và khai thác lãnh thổ đó với tư cách Nhà nước một cách liên tục, hòa bình”. Như vậy, Việt Nam đã xác lập, thực thi chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa hoàn toàn phù hợp với các quy định của luật pháp quốc tế. Từ đó, các nhà khoa học đặt vấn đề có thể khởi kiện Trung Quốc ra Tòa án Trọng tài thường trực quốc tế, và xem đây là giải pháp cần thiết của Nhà nước Việt Nam nhằm bảo vệ chủ quyền biển đảo Việt Nam hiện nay.
Cuốn sách "Quá trình xác lập chủ quyền của Nhà nước Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa" thật sự là một công trình khoa học có giá trị về mặt lịch sử và pháp lý, đồng thời có ý nghĩa thời sự nóng hổi trong bối cảnh hiện nay, như lời phát biểu của đồng chí Phan Thiên Định, khi còn là Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế khi tham gia hội thảo (được in trang trọng vào đầu cuốn sách) “Đảng, Nhà nước ta đặt ra nhiệm vụ cấp bách, kiên quyết bảo vệ vững chắc chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Trong đó, xác định việc tuyên truyền, khẳng định quan điểm, lập trường nhất quán về chủ quyền của chúng ta đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là việc làm hết sức cần thiết, là quyết tâm lớn của Đảng, Nhà nước và toàn dân tộc; là trách nhiệm của mỗi công dân Việt Nam đối với tiến trình phát triển quê hương, đất nước”.
Bài, ảnh: NGUYỄN ĐÌNH DŨNG