Hình ảnh ghi nhận về việc Trung Quốc bồi đắp, xây dựng đường băng quân sự trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam
Với Bộ Ngoại giao, cử tri của rất nhiều tỉnh thành như Bạc Liêu, Cần Thơ, Đà Nẵng, Hà Nội, Phú Yên, TPHCM… tiếp tục bày tỏ thái độ bức xúc đối với những vi phạm của Trung Quốc ở Biển Đông, đặc biệt là hành động xây dựng đảo nhân tạo tại một số điểm thuộc quần đảo Trường sa và Hoàng Sa của Việt Nam, ngang nhiên đánh bắt cá trên vùng biển Việt Nam, tấn công các tàu của ngư dân Việt Nam.
Các ví dụ được dẫn ra như việc mở đường băng giữa hai đảo Phú Lâm và Chữ Thập thuộc chủ quyền của nước ta và có khả năng thiết lập vùng nhận dạng phòng không ở Biển Đông.
Cử tri đề nghị có các giải pháp đấu tranh khả thi, quyết liệt hơn, rõ ràng hơn để giữ vững độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ; tranh thủ sự ủng hộ của bạn bè, dư luận quốc tế trong việc đối phó với các hành động nêu trên của Trung Quốc. Cử tri bày tỏ mong muốn Bộ Ngoại giao sớm hoàn thiện các thủ tục pháp lý khởi kiện Trung Quốc ra tòa án Quốc tế; thận trọng hơn trong các chính sách đối ngoại, cân nhắc khi hợp tác, ứng xử đối với một số nước bạn, đặc biệt là Trung Quốc.
Đặc biệt, cử tri đề nghị hạn chế các chính sách thỏa hiệp để đảm bảo toàn vẹn lãnh thổ, an ninh quốc gia, chủ quyền dân tộc; đồng thời thông tin kịp thời, đầy đủ tình hình Biển Đông và đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền về chủ quyền biển đảo... từ đó nâng cao ý thức trách nhiệm và tinh thần đoàn kết, quyết tâm bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
Đáp lại những kiến nghị của cử tri, lãnh đạo Bộ Ngoại giao xác nhận việc từ tháng 9/2014 đến nay, Trung Quốc ráo riết triển khai các hoạt động bồi đắp, cải tạo và xây dựng quy mô lớn trên các cấu trúc mà Trung Quốc đang chiếm đóng bất hợp pháp tại Trường Sa.
Trước những hành động này, với Trung Quốc, Việt Nam khẳng định lập trường, quan điểm một cách liên tục, thường xuyên, thông qua nhiều kênh đối thoại với Trung Quốc, kể cả ở cấp cao và các diễn đàn đàm phán về biên giới, lãnh thổ giữa hai bên, thông qua công hàm của Bộ Ngoại giao cũng như trao đổi trực tiếp với đại diện Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội (Từ đầu năm 2015 đến nay, Bộ Ngoại giao đã có 22 lần tiếp xúc, trao đổi với đại diện Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội, trong đó có 7 lần giao thiệp và trao 9 công hàm phản đối việc làm của Trung Quốc tại Biển Đông).
Với các nước và diễn đàn quốc tế, Việt Nam chủ động thông báo tình hình Biển Đông, giải thích để tranh thủ sự ủng hộ. Lãnh đạo nhiều nước như Thủ tướng Đức, Thủ tướng Úc, Thủ tướng Nhật… đã chia sẻ quan ngại của ta, ủng hộ chủ trương của ta trong vấn đề Biển Đông, kêu gọi các bên liên quan kiềm chế, không mở rộng hoặc gia tăng căng thẳng. Gần đây, Hội nghị Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 48 (tháng 8/2015) lần đầu tiên nêu vấn đề Biển Đông trong Thông cáo chung của Hội nghị. ASEAN đã nhận thức rõ về nguy cơ và tính nghiêm trọng của tình hình Biển Đông và đạt được sự thống nhất cao hơn trong vấn đề này.
Gửi kiến nghị đến Bộ Quốc phòng, cử tri tỉnh An Giang đặt vấn đề, trong thực trạng một số nước trên thế giới không ổn định về chính trị, xã hội, độc lập đất nước bị đe dọa, cùng với sự kiện Biển Đông vừa qua, cử tri bày tỏ lo ngại về tình hình quốc phòng an ninh của nước nhà và đề nghị Nhà nước tăng cường củng cố quốc phòng an ninh và tiền vệ quân sự, để có thể đảm bảo độc lập chủ quyền lãnh thổ Việt Nam, người dân Việt Nam được sống hòa bình, độc lập, tự do.
Tại công văn trả lời, lãnh đạo Bộ Quốc phòng khẳng định, tăng cường củng cố quốc phòng, an ninh và tiềm lực quốc phòng để bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam, bảo vệ chủ quyền biển đảo nói riêng là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và cả hệ thống chính trị, trong đó Quân đội nhân dân Việt Nam là lực lượng nòng cốt.
Trước tình hình diễn biến phức tạp tại Biển Đông, Bộ Quốc phòng đã phối hợp chặt chẽ với các ban, bộ, ngành chức năng làm tốt công các tham mưu cho Đảng, Nhà nước, Chính phủ có những chủ trương, giải pháp phù hợp, đúng đắn để chủ động đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để xây dựng và phát triển đất nước. Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng chủ động tham mưu cho Ðảng, Nhà nước hoạch định đường lối, chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, kịp thời điều chỉnh, bổ sung kinh phí đầu tư cho nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
Lãnh đạo Bộ Quốc phòng nhận định, những năm tới, tình hình thế giới và khu vực tiếp tục có những diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều nhân tố gây mất ổn định, khó lường. Các nước lớn vừa hợp tác, thỏa hiệp, vừa cạnh tranh, kiềm chế lẫn nhau, chi phối các quan hệ quốc tế.
Thời gian tới, Bộ Quốc phòng tập trung xây dựng Quân đội chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại; là lực lượng nòng cốt, trực tiếp bảo vệ trên thực địa, với yêu cầu kiên quyết giữ vững chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định chính trị, để phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quan hệ hữu nghị với các nước láng giêng. Không sử dụng vũ lực, đe dọa sử dụng vũ lực trong tranh chấp lãnh thổ. Sẵn sàng tự vệ khi cần thiết. Để xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, các chương trình phát triển kinh tế xã hội, xóa đói giảm nghèo trên các địa bàn trọng điểm, vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ cách mạng, biên giới, hải đảo cũng được tăng cường, góp phần giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội ở từng địa phương, sẵn sàng xử lý có hiệu quả khi tình huống xảy ra.
P.Thảo (Theo Dân trí)