ClockChủ Nhật, 16/11/2014 07:50

Hiệu quả từ chủ trương đúng

TTH - “Việc tăng cường cán bộ biên phòng cho các xã biên giới thời gian qua đã đạt kết quả trên nhiều mặt về kinh tế- xã hội, có ý nghĩa thiết thực đối với địa phương, góp phần xây dựng địa bàn biên phòng, khu vực biên giới vững mạnh, củng cố khối đại đoàn kết các dân tộc trên biên giới”, đại tá Nguyễn Văn Lưu, Chính ủy Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh khẳng định.

Cần mẫn

Lên xã miền núi Hồng Thủy (A Lưới), khi nhắc đến Thiếu tá Lê Chí Cẩn- cán bộ biên phòng tăng cường xã, không ai không biết. Đồng bào đã quen thuộc người cán bộ xã với bộ đồng phục màu xanh, ngày đêm sâu sát cơ sở tuyên truyền, vận động, hướng dẫn bà con áp dụng kỹ thuật, mô hình sản xuất mới mang giá trị kinh tế cao. Từ khi được tăng cường làm Phó Bí thư Đảng ủy xã, thiếu tá Cẩn đã tham mưu cấp ủy xây dựng quy chế, đưa công tác Đảng đi vào nề nếp, hoạt động hiệu quả hơn; hệ thống chính trị tại địa phương được củng cố vững mạnh, các đoàn thể hoạt động đồng bộ, có sự gắn kết chặt chẽ. Công tác vận động, tuyên truyền nâng cao nhận thức cho đồng bào các dân tộc khu vực biên giới đã góp phần nâng cao dân trí, cải thiện dân sinh, phát huy dân chủ và tăng cường công tác giữ vững chủ quyền lãnh thổ, đảm bảo an ninh trật tự khu vực biên giới. Bí thư Đảng ủy xã Hồng Thủy Hồ Văn Liên nhận xét: “Thiếu tá Lê Chí Cẩn kiên trì cầm tay chỉ việc, trực tiếp cùng ăn, cùng ở, cùng làm với đồng bào. Nhờ đó, bà con dễ hiểu, dễ làm theo nên các mô hình kinh tế mới phát huy hiệu quả, tỉ lệ hộ nghèo giảm hẳn.

Cán bộ chiến sĩ biên phòng hướng dẫn bà con trồng lúa nước. Ảnh: Bá Trí

Tương tự, đến các xã biên giới A Lưới, nhiều người đã quen thuộc với hình ảnh những người lính mang quân hàm xanh ngày đêm bền bỉ, sâu sát với cơ sở giúp nhân dân phát triển kinh tế và tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương trong củng cố kiện toàn hệ thống chính trị cơ sở. Có thể kể đến thiếu tá Nguyễn Hoàng Cao, thiếu tá Đào Đức Cửu, thiếu tá Lê Văn Bảy, trung tá Lê Đức Phương...

Từ năm 1999 đến 2014, Bộ CHBP tỉnh triển khai 37 lượt cán bộ tăng cường cho 12 xã biên giới huyện A Lưới và 1 xã huyện Phú Lộc; trong đó có 14 sĩ quan, 23 quân nhân chuyên nghiệp. Hiện, có 11 đồng chí giữ chức vụ phó bí thư đảng ủy xã, 9 đồng chí là đại biểu HĐND xã.

Bí thư Huyện ủy A Lưới Lê Văn Trừ đánh giá: “Những cán bộ được tăng cường cho các xã biên giới đặc biệt khó khăn ở A Lưới là những đồng chí có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức tốt, có năng lực tổ chức và gần gũi quần chúng, được người dân và cán bộ chính quyền địa phương tín nhiệm. Những cán bộ này sớm hòa nhập với môi trường công tác mới, nhanh chóng thích nghi với các hoạt động của địa phương; từng bước bắt nhịp công việc, kịp thời nắm bắt tình hình địa bàn, nhân dân, hoạt động của cấp ủy, chính quyền địa phương, tích cực tham mưu trong việc phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh, củng cố xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở.

Cần cơ chế, chính sách cho cán bộ tăng cường

Qua 15 năm, đội ngũ cán bộ tăng cường xã đã phối hợp tham gia củng cố 43 tổ chức Đảng, các đoàn thể; tham mưu kết nạp 548 đảng viên, thành lập mới 46 chi bộ; tham gia xây mới 256 km đường và sửa chữa 512km giao thông nông thôn; xây dựng 537 nhà tình thương, tình nghĩa, đại đoàn kết, mái ấm chiến sĩ nơi biên giới; định cư bền vững 123 hộ; xóa mù 90 lớp/2.952 người; vận động 2.400 học sinh bỏ học trở lại trường; tổ chức khám, chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí cho gần 16 nghìn trường hợp..

Đại tá Nguyễn Văn Lưu khẳng định, với nỗ lực phấn đấu không ngừng của đội ngũ cán bộ biên phòng tăng cường xã và sự lãnh, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, sự phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành ở địa phương, công tác xây dựng địa bàn biên giới vững mạnh ở Thừa Thiên Huế đã đạt được hiệu quả tích cực. Tuy nhiên, chế độ chính sách cho cán bộ tăng cường xã chưa đáp ứng điều kiện sinh hoạt, đi lại ở địa bàn đặc biệt khó khăn nên ít nhiều ảnh hưởng đến chất lượng công tác. Đại tá Nguyễn Văn Lưu đề xuất, Bộ Tư lệnh Biên phòng cần tiếp tục triển khai thực hiện chủ trương tăng cường cán bộ biên phòng tỉnh cho các xã biên giới thời gian tới. Đồng thời, cần thống nhất quy chế quản lý cán bộ tăng cường cho các xã biên giới và có cơ chế, chính sách cho đội ngũ cán bộ này như chế độ biệt phái.

Những khó khăn, thách thức vẫn tiếp tục đặt ra đòi hỏi các cấp, các ngành phải tăng cường, nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác xây dựng địa bàn biên giới vững mạnh trong tình hình mới. Điều đó, đòi hỏi cần phải quan tâm giải quyết đồng bộ nhiều mặt; trong đó, việc kiện toàn, sắp xếp đội ngũ và nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ nghiệp vụ, nâng cao phẩm chất đạo đức cách mạng, kiên trì, bền bỉ phấn đấu vươn lên, đoàn kết một lòng vì chủ quyền an ninh biên giới… là yêu cầu hàng đầu đối với đội ngũ cán bộ tăng cường xã thời gian tới.

Thái Bình
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Mang trái tim đất liền đến với Trường Sa - Kỳ 6: Đảo chìm Cô Lin, ngọn lửa quyết tử còn cháy mãi

Cuộc đánh chiếm đảo Cô Lin của kẻ thù vào năm 1988 đã thất bại trước sự anh dũng, kiên cường, bất khuất của các chiến sĩ Hải quân. Hình ảnh con tàu HQ 505 huyền thoại bốc cháy thành ngọn lửa quyết tử để giữ được đảo Cô Lin luôn in hằn trong trí nhớ người dân Việt Nam. Cô Lin ngày xưa kiên cường, Cô Lin ngày nay luôn chắc tay súng, thường trực cảnh giác để canh giữ trời biển. Gió biển vẫn mát rượi thổi vào đảo như tình yêu quê hương…

Mang trái tim đất liền đến với Trường Sa - Kỳ 6 Đảo chìm Cô Lin, ngọn lửa quyết tử còn cháy mãi
Điểm sáng trong công tác tuyên truyền

Thực hiện tốt các biện pháp tuyên truyền, hết lòng hỗ trợ ngư dân, Đồn Biên phòng cửa khẩu (BPCK) cảng Thuận An là điểm sáng, đạt hiệu quả cao trong tuyên truyền về không khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (khai thác IUU); tuyên truyền ngư dân đồng lòng trong phòng, chống hoạt động giã cào trái phép.

Điểm sáng trong công tác tuyên truyền
Return to top