ClockThứ Sáu, 14/01/2022 14:52

Tăng cường thông tin đối ngoại, quản lý biên giới

TTH - Thời gian qua, công tác thông tin đối ngoại; tuyên truyền biển, đảo; phân giới, cắm mốc và quản lý biên giới đã được Ban Thường vụ Tỉnh ủy, các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương từ tỉnh đến cơ sở đặc biệt quan tâm.

Bàn giao, tiếp nhận hồ sơ quản lý bảo vệ đường biên giới và mốc quốc giớiHoàn thiện dự thảo Nghị định mới quy định về giao khu vực biểnBình yên biên giới

Khởi công xây dựng trụ sở tặng lực lượng an ninh nước bạn Lào

“Công tác thông tin đối ngoại, tuyên truyền biển, đảo, phân giới, cắm mốc và quản lý biên giới trên địa bàn tỉnh ngày càng đổi mới, nâng cao chất lượng, hoàn thành cơ bản mục tiêu, nhiệm vụ đề ra”, UVTV Tỉnh ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy - Hoàng Khánh Hùng khẳng định.

Trong bối cảnh phải tập trung thực hiện nhiệm vụ kép vừa phòng, chống dịch COVID-19, vừa khôi phục và phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, công tác tuyên giáo nói chung và công tác thông tin đối ngoại, tuyên truyền biển, đảo, phân giới, cắm mốc và quản lý biên giới nói riêng đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.

Ngay từ đầu năm, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy ban hành các hướng dẫn về thông tin đối ngoại; tuyên truyền biển, đảo và công tác biên giới trên đất liền, tuyên truyền về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2021 để thống nhất thực hiện trên địa bàn toàn tỉnh, phù hợp với bối cảnh phòng, chống dịch COVID-19.

“Các sở, ban, ngành của tỉnh đã thường xuyên kết nối, thông tin qua lại với các tỉnh có chung đường biên giới của nước bạn Lào; tăng cường trao đổi trực tuyến với các đơn vị bạn để vừa thông tin về tình hình; đồng thời, phối hợp tốt trong công tác phân giới, cắm mốc, quản lý biên giới, bảo đảm an ninh trật tự, xây dựng khu vực biên giới hữu nghị, ổn định, phát triển và bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia; tiếp tục phát huy mối quan hệ truyền thống, đoàn kết đặc biệt, hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào; không để dịch bệnh xâm nhập qua biên giới”, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy - Hoàng Khánh Hùng trao đổi.

Nhiều hoạt động hợp tác, hỗ trợ các tỉnh nước bạn Lào được tỉnh duy trì trên các lĩnh vực, vừa giúp bạn phòng, chống dịch COVID-19, vừa giúp bạn phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống của Nhân dân. Tỉnh đã trao tặng hàng nghìn suất quà, hỗ trợ lương thực, thực phẩm cho chính quyền địa phương, lực lượng bảo vệ biên giới và Nhân dân các bản tiếp giáp của hai tỉnh Salavan và Sekong (Lào) gặp khó khăn do dịch COVID-19.

Trung tá Lại Phước Lợi, Trưởng Công an huyện A Lưới cho biết: “Công an tỉnh được Bộ Công an giao nhiệm vụ hỗ trợ, đầu tư xây dựng ba trụ sở làm việc cho Công an nước bạn Lào ở các bản Sê Sáp thuộc huyện Kà Lừm, tỉnh Sê Kông và bản Cô Tài thuộc huyện Sa Muội, tỉnh Salavan. Đến nay, Công an tỉnh đã khởi công xây dựng hai trụ sở. Dự kiến, ba trụ sở nói trên sẽ được hoàn thành trước ngày 25/1/2022. Các đơn vị nghiệp vụ, tổ chức đoàn thể chính trị Công an tỉnh, Công an huyện A Lưới cũng đã tặng quà, thuốc chữa bệnh cho người dân nước bạn Lào sinh sống dọc tuyến biên giới bản Sê Sáp, huyện Kà Lừm, tỉnh Sê Kông”. 

Giám đốc Sở Ngoại vụ Trần Công Phú cho hay, nhiều đoàn cán bộ, y, bác sĩ của tỉnh đã tổ chức khám, chữa bệnh, cấp phát thuốc, chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân bản Sê Sáp, huyện Kà Lừm (Lào). Hiện tỉnh đã và đang tiếp tục thực hiện các chương trình hợp tác đào tạo sinh viên, cán bộ trẻ của nước bạn Lào sang học tập tại các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn tỉnh; duy trì chặt chẽ mối quan hệ kết nghĩa giữa hai đồn biên phòng với 2 đại đội bảo vệ biên giới tiếp giáp; duy trì mối quan hệ kết nghĩa giữa 3 bản dọc biên giới.

Năm 2022 mở ra với nhiều thuận lợi, nhưng cũng không ít khó khăn. Bên cạnh phân tích, chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong thời gian qua, đội ngũ làm công tác thông tin đối ngoại trên địa bàn tỉnh tiếp tục chủ động nắm bắt thông tin, phân tích, dự báo tình hình để có các phương án định hướng thông tin tuyên truyền ở từng cấp độ; hạn chế bị động, bất ngờ, không để các thế lực thù địch lợi dụng chống phá, làm ảnh hưởng đến uy tín, hình ảnh của tỉnh cũng như công tác chỉ đạo, điều hành phòng, chống dịch bệnh, phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.

Đồng thời, bám sát sự chỉ đạo của các cơ quan Trung ương, của Ban Thường vụ Tỉnh ủy để làm tốt nhiệm vụ công tác thông tin đối ngoại, tuyên truyền biển, đảo, phân giới, cắm mốc và quản lý biên giới trên địa bàn tỉnh; đổi mới và nâng cao chất lượng công tác thông tin, tuyên truyền; đa dạng hóa nội dung, phương thức, hình thức tuyên truyền vừa bảo đảm tính đa dạng, đa chiều, vừa có chiều sâu, có tính thuyết phục cao, gắn với các lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội. Đẩy nhanh hơn nữa việc chuyển đổi số để đáp ứng công tác thông tin đối ngoại, tuyên truyền biển, đảo, phân giới, cắm mốc và quản lý biên giới; tăng cường công tác quảng bá hình ảnh vùng đất, con người, văn hóa Huế, các tiềm năng, thế mạnh để kêu gọi xúc tiến đầu tư, nhằm phát triển kinh tế - xã hội; nâng cao đời sống của Nhân dân. Đầu tư, nâng cấp và đổi mới cơ sở vật chất kỹ thuật, hiện đại hóa hệ thống trang thiết bị, góp phần nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền; huy động mọi nguồn lực để phục vụ công tác thông tin đối ngoại, tuyên truyền biển, đảo, phân giới, cắm mốc và quản lý biên giới, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.

Thừa Thiên Huế là tỉnh nằm trên trục hành lang kinh tế Đông - Tây nối Thái Lan - Lào - Việt Nam theo đường 9; là địa phương có đường bờ biển dài 128km, với 5 cửa biển, có đảo Sơn Chà diện tích khoảng 160ha. Toàn tỉnh có 80,683km đường biên giới tiếp giáp nước bạn Lào, có hai cửa khẩu quốc gia với 12 xã biên giới…

Bài, ảnh: Anh Phong

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tăng cường tiếng Việt cho trẻ là người dân tộc thiểu số

Tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non người dân tộc thiểu số là một nhiệm vụ quan trọng đối với các cơ sở giáo dục mầm non ở vùng khó, nhằm chuẩn bị sẵn sàng về ngôn ngữ, kỹ năng giao tiếp tiếng Việt để trẻ vào lớp 1.

Tăng cường tiếng Việt cho trẻ là người dân tộc thiểu số

TIN MỚI

Return to top