Quân y biên phòng khám, chữa bệnh cho người dân vùng cao A Lưới
Vì sức khoẻ Nhân dân
Từ lâu, người dân vùng biên giới đất liền, ven biển hay hải đảo đã quen thuộc với hình ảnh người chiến sĩ quân y biên phòng với cái tên thân thương: “Thầy thuốc quân hàm xanh”. Công việc của các anh không kém phần cam go, nhất là ở địa bàn miền núi.
Đại úy Nguyễn Văn Chi, nhân viên quân y, phụ trách Phòng khám quân - dân y A Đớt (A Lưới) cho biết: “Trước đây bà con dân bản do ít hiểu biết, khi đau ốm mời thầy mo, thầy cúng đến nhà cúng bái. Có những trường hợp để người bệnh ở nhà nhiều ngày nên bệnh nặng, cán bộ của đồn phải phối hợp với chính quyền địa phương vận động đưa người dân đến phòng khám để chữa trị. Khi bệnh nhân đến đây, chúng tôi xác định phải bằng mọi cách chữa lành bệnh cho người dân, khi đó dân mới tin, nghe theo”.
Vùng biên giới, hải đảo có địa bàn rộng, địa hình hiểm trở. Tâm lý ngại đến cơ sở y tế, lo lên nương lên rẫy, đi biển làm ăn nên đồng bào không có điều kiện chăm sóc sức khỏe thường xuyên. Với chủ trương “4 cùng” (cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng dân tộc với bà con), các chiến sĩ quân y biên phòng đã kết hợp với các trạm y tế cơ sở thường xuyên trèo đèo, lội suối, băng rừng đến từng bản làng để tuyên truyền về chăm sóc sức khỏe, ăn ở hợp vệ sinh, phòng chống dịch bệnh... cho từng gia đình.
Nhờ nắm chắc địa bàn, ngày đêm gần gũi nên bà con yêu mến, tin tưởng các anh. Cứ ốm đau, bệnh tật, sinh đẻ... người dân đều đến đồn biên phòng nhờ các anh giúp đỡ, chữa trị. Chị Kăn Nhung, ở xã A Đớt đưa con đến khám tại Phòng khám quân - dân y khoe túi thuốc vừa được phát, kể: “Con mình hay bị ho. Mỗi lần như thế được bác sĩ quân y cho thuốc là hết bệnh liền. Không chỉ khám ở bệnh xá mà bộ đội đến từng nhà dặn dò dân mình ăn chín uống sôi, chống dịch bệnh và vận động đến trạm xá khám bệnh định kỳ để theo dõi sức khỏe”.
Tham gia phát triển kinh tế
Đồn biên phòng Nhâm có nhiệm vụ quản lý, bảo vệ 33km đường biên giới tiếp giáp với tỉnh Salavan (Lào), trải dài qua địa giới 4 xã (Nhâm, Hồng Bắc, Hồng Thượng và Hồng Thái) của huyện A Lưới. Đây là địa bàn sinh sống chủ yếu của đồng bào các dân tộc Pa Cô, Tà Ôi… Với địa hình đồi núi hiểm trở, điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, trình độ dân trí thấp nên đời sống người dân còn nhiều khó khăn. Ban chỉ huy đồn xác định giúp đỡ bà con các dân tộc phát triển kinh tế – xã hội, xóa đói, giảm nghèo, từng bước nâng cao đời sống là mục tiêu hàng đầu trong phong trào thi đua, tăng cường lực lượng xuống từng bản, làng thực hiện phương châm “bốn cùng, năm bám” (bám dân, bám địa bàn, bám đối sách, bám đơn vị, bám cấp ủy, chính quyền địa phương), giúp đồng bào các dân tộc xóa đói, giảm nghèo, phổ biến và trực tiếp cùng với bà con làm mô hình kinh tế hộ gia đình, phát triển kinh tế vườn rừng, xây dựng các trang trại chăn nuôi...
Trên hai tuyến biên giới của tỉnh hiện có 10 đồn biên phòng, mỗi đồn có từ 2-3 cán bộ quân y bao gồm y sĩ, y tá và 5 phòng khám quân dân y kết hợp đóng tại địa bàn các xã Hồng Thái, Hồng Vân, Đông Sơn, A Đớt và xã Nhâm của huyện A Lưới. Mỗi năm quân y biên phòng tổ chức khám, chữa bệnh, cấp, phát thuốc cho hàng ngàn lượt dân tại các địa phương. |
Tâm sự về những ngày tham gia giúp dân làm kinh tế, Thiếu tá Lê Đức Cương, cán bộ tăng cường làm Phó Bí thư Đảng ủy xã Nhâm, chia sẻ: “Phương thức làm ăn của bà con còn nặng với tập tục cũ, vì vậy phải tìm cách phát huy vai trò các tổ chức đoàn thể, tập trung vận động người dân để tạo sự chuyển biến...”. Nhận thấy lực lượng lao động trên địa bàn xã tương đối đông nhưng thiếu việc làm, anh tham mưu cho Đảng ủy xã chỉ đạo các đoàn thể phân công cán bộ về sinh hoạt cùng các thôn, bản để tìm hiểu nguyện vọng của bà con, xây dựng kế hoạch phối hợp tổ chức tập huấn quy trình chăn nuôi cho lực lượng này và tuyên truyền nâng cao nhận thức cho bà con về phát triển kinh tế hộ gia đình. Chủ tịch UBND xã Nhâm, ông Phạm Minh Cải khẳng định: “Bằng những việc làm cụ thể, thiết thực của cán bộ, chiến sĩ Đồn biên phòng, đến nay đời sống kinh tế, văn hóa của đồng bào các dân tộc trên địa bàn đã từng bước được nâng lên. Đơn vị cũng có sự phối hợp chặt chẽ với cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương trong vận động Nhân dân xây dựng nông thôn mới, làm tốt công tác bảo vệ an ninh trật tự khu vực biên giới qua địa bàn”.
Đánh giá về quá trình triển khai thực hiện phong trào thi đua của các đơn vị, Đại tá Lê Văn Nguyên, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy BĐBP tỉnh nhận định: Quá trình bám cơ sở thực hiện công tác giúp dân phát triển kinh tế - xã hội, các đơn vị đã xây dựng được chương trình, kế hoạch, hướng phong trào thi đua vào từng mục tiêu cụ thể, phù hợp với tình hình mỗi địa phương. Đồng thời, các đơn vị phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương và các lực lượng nắm tình hình, xây dựng cơ sở chính trị, góp phần đưa công tác biên phòng đạt hiệu quả cao.
Bài, ảnh: QUỐC TUẤN