ClockThứ Ba, 20/10/2020 06:30

“Bốn tại chỗ” để kịp thời giúp dân

TTH - Sau hai ngày trời Huế tạnh ráo kể từ đợt mưa bắt đầu từ ngày 6/10, nước lụt nhiều nơi đã rút, nhưng con đường dẫn đến Trạm Y tế Hương Vân vẫn còn một đoạn tràn nước. Mùi nước ứ ngai ngái khó chịu. Đây là cơ sở y tế bị thiệt hại nặng nhất ở Hương Trà trong chuỗi ngày mưa – bão – lụt nối nhau kéo dài.

Trung tâm Y tế thị xã Hương Trà khai trương phòng kính thuốc

Bệnh viện Mắt Huế tặng suất ăn cho người bệnh

Hoạt động như thời chiến

Đó là cách mà Trạm Y tế Hương Vân vượt lên để thực hiện nhiệm vụ trong tình hình mưa lụt kéo dài, khi mà thiệt hại của trạm từ cơn bão số 5 đến nay vẫn chưa thể khắc phục.

Dù đã được bác sĩ Lê Quang Hiệp, Giám đốc Trung tâm Y tế thị xã Hương Trà nói trước cái khó của y tế Hương Vân, nhưng hình ảnh của một trạm y tế tan hoang từ sau cơn bão số 5 vẫn là những điều chúng tôi không ngờ đến. Toàn bộ phần mái lợp tầng 2 của trạm đã bị cơn bão số 5 “lóc” sạch, đã trọn một tháng chưa thể được lợp lại. Mọi hoạt động của trạm được “gói ghém” trong 3-4 phòng của tầng 1. Khu vực khám bệnh cho bà con được tận dụng phần hành lang thông thoáng trước lối cầu thang dẫn lên tầng 2. Những ngày tạnh ráo thì còn đỡ. Còn khi mưa, tất cả các phòng ở tầng 1 đều bị thấm dột, do tầng 2 hoàn toàn không còn mái che.

Tay chổi, tay vòi nước, anh Trần Mậu Nhật cùng 2 đồng nghiệp khác của Trạm Y tế Hương Vân tranh thủ lau dọn nền hành lang và các phòng ở tầng 1. Những tia nắng đầu tiên sau nhiều ngày mưa lớn cũng không đủ để ấm trên nụ cười của họ. Mưa lụt kéo dài, Trạm Y tế Hương Vân đã qua ngày thứ 7 chưa có điện. Anh Trần Mậu Nhật cười nhưng nghe giọng héo hon: “Bình thường trên ni là "giang sơn" của tui, được trạm ưu tiên để tổ chức các hoạt động y học cổ truyền. Chừ thì chịu cứng. Ngày mô cũng lo giữ cái máy vi tính kẻo mưa dột làm hư mất, còn bà con có đến thì khám, phát thuốc rồi phải cho về như Tây y rứa”.

Khó khăn là vậy, nhưng mọi hoạt động của Trạm Y tế Hương Vân vẫn được duy trì, kể cả hoạt động tiêm chủng. Ngay cả những ngày Hương Vân bị ngập sâu, trạm vẫn đón bà con chèo ghe đến khám, nhận thuốc. Phần nhiều trong số họ là người có bệnh huyết áp, rối loạn tuần hoàn não, đau lưng, đau khớp… Không than khó, nhưng bác sĩ Võ Minh Kỳ, Trạm trưởng Trạm Y tế Hương Vân có phần bức xúc khi nguyên phần mái tầng 2 của trạm bị bão “lóc” nhưng lại chưa được xử lý. “Từ cơn bão số 5 đến nay (ngày 18/9 bão đổ bộ) đến nay cả tháng trời, nhưng phần mái vẫn chưa được lợp lại. Hiện, mọi hoạt động của trạm đang được “gói ghém” như thời chiến, trong khi tình hình mưa gió còn rất phức tạp, chúng tôi rất lo”, ông Kỳ bày tỏ.

Không để gián đoạn công tác cấp cứu

Trong đợt mưa lớn kéo dài bắt đầu từ ngày 6/10, nhiều địa phương của Thừa Thiên Huế ngập sâu trong nước lũ và bị chia cắt do sạt lở đường. Riêng trong ngành y tế, do ảnh hưởng của mưa lụt, có đến 30% trung tâm y tế bị thấm dột, hoặc bị ngập nền tầng 1; khoảng 50% trạm y tế bị cũng mưa dột, chia cắt. Ứng phó với tình hình, Sở Y tế chỉ đạo trực tiếp đến các đơn vị, nhất là các đơn vị có vị trí thấp trũng có các phương án “4 tại chỗ” trong phòng chống lũ lụt; nắm bắt tình hình bệnh nhân đang điều trị nội trú, tình hình các sản phụ đến thời kỳ sinh nở, công tác ứng cứu cấp cứu ngoại viện… đảm bảo công tác cấp cứu người bệnh không bị gián đoạn. Đồng thời, chủ động khắc phục hậu quả của lũ lụt, nước rút đến đâu xử lý môi trường đến đó, đảm bảo không xảy ra dịch bệnh trên địa bàn.

Tại Hương Trà, nhờ chủ động ứng phó với tình hình mưa lụt theo các phương án “4 tại chỗ”, nên dù hệ thống các khoa, phòng ở tầng 1 bị ngập sâu nhưng Trung tâm Y tế thị xã vẫn đảm bảo liên tục công tác khám, chữa bệnh và đảm bảo an toàn tài sản. Nhiều trạm y tế ở các địa phương thấp trũng, như: Hương Vân, Hương Chữ, Hương Vinh, Hương Phong, Hải Dương và Hương Toàn bị ngập nước, cô lập, nhưng vẫn thực hiện đảm bảo các nhiệm vụ khám chữa bệnh, phát thuốc, chuyển tuyến…

Theo bác sĩ Lê Quang Hiệp, Giám đốc Trung tâm Y tế thị xã Hương Trà, một trong những điểm hay nhất để trung tâm có thể hỗ trợ kịp thời cho người dân là có sự cập nhật, kết nối thông tin qua mạng xã hội. Từ đây, các thành viên trong ban chỉ đạo, điều hành công tác phòng chống lụt bão của địa phương cập nhật, nắm bắt tình hình và xử lý theo đầu mối ngành hoặc địa phương. Điển hình là từ những thông tin được kết nối, chia sẻ, Trung tâm Y tế thị xã Hương Trà đã tiếp tục kết nối với các lực lượng địa phương, hỗ trợ đưa đi cấp cứu hai trường hợp thai phụ đến kỳ sinh nở nhưng bị kẹt nước lụt.

“Trong tình hình mưa lụt kéo dài, nhiều vùng bị chia cắt điều khiến chúng tôi lo lắng nhất là sự an nguy của sản phụ. Sẽ vô cùng nguy hiểm khi sản phụ chuyển dạ mà không có nhân viên y tế hỗ trợ và càng nguy hiểm hơn đối với những trường hợp trước đó đã từng sinh mổ. Do vậy, để tránh những rủi ro chúng tôi mong các gia đình và sản phụ hợp tác nhiều hơn khi được nhân viên y tế vận động đến nơi an toàn khi ngày dự sinh đã đến gần”, bác sĩ Hiệp nói.

Bài, ảnh: ĐỒNG VĂN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Cải cách thể chế, khắc phục tình trạng cán bộ, công chức sợ sai, sợ trách nhiệm

Ngày 17/4, Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ tổ chức công bố Chỉ số Cải cách hành chính (PAR INDEX) và Chỉ số hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) năm 2023. Sau hội nghị, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, Phó Trưởng ban Chỉ đạo đã dành cho phóng viên TTXVN cuộc phỏng vấn nhanh về các kết quả này, cũng như những tồn tại, hạn chế và các vấn đề đặt ra trong thời gian tới.

Cải cách thể chế, khắc phục tình trạng cán bộ, công chức sợ sai, sợ trách nhiệm
Khắc phục nhà tốc mái do giông lốc

Sáng 31/3, chính quyền địa phương các huyện A Lưới, Phong Điền đã huy động lực lượng dân quân địa phương, các ban ngành hỗ trợ người dân khắc phục nhà bị tốc mái.

Khắc phục nhà tốc mái do giông lốc
Khắc phục khó khăn đầu vụ

Bước vào đầu vụ đông xuân, nông dân gặp nhiều khó khăn, bất lợi do thời tiết mưa rét diễn biến phức tạp.

Khắc phục khó khăn đầu vụ
Return to top