Báo cáo của Bộ NN&PTNT - cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo cho biết đến ngày 4/10, các tỉnh đã chi trả bồi thường thiệt hại cho người dân 6.193 tỷ đồng (đạt 97,4% số tiền thiệt hại, bằng 94,1% so với số tiền tạm cấp). Hiện nay, 3 tỉnh chưa hoàn thành việc chi trả tiền bồi thường do người dân là đối tượng được bồi thường không có mặt tại địa phương và một số người còn khiếu nại chờ giải quyết.
Tính đến ngày 10/10, khối lượng hải sản tồn kho theo báo cáo của các tỉnh là 12.223 tấn, tăng 6.855 tấn so với số liệu của Bộ Y tế và Bộ NN&PTNT thực hiện kiểm đếm, xét nghiệm vào tháng 11/2016 là 5.368 tấn.
Bốn tỉnh miền Trung bị sự cố môi trường đã đề xuất nâng cấp, sửa chữa, xây dựng mới khu neo đậu tránh trú bão, cảng, bến cá, chợ cá, nạo vét luồng lạch, đường dân sinh ra biển, đường giao thông ra khu sản xuất, hạ tầng khu chế biến thuỷ sản tập trung, công trình thuỷ lợi, kênh mương xử lý môi trường…
Phát biểu tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình nêu rõ đến nay, về cơ bản đã hoàn thành việc bồi thường, các dự án đang được triển khai, chỉ còn 3% chi trả bồi thường chưa xong vì lý do khách quan. Đến thời điểm kết thúc mà chưa chi trả xong thì gửi ngân hàng để khi nào bà con trở về thì chi trả.
Bộ TN&MT đã trình và được Chính phủ phê duyệt Dự án xây dựng hệ thống quan trắc và cảnh báo môi trường 4 tỉnh miền Trung và hướng dẫn các địa phương triển khai thực hiện.
Đồng thời, đã thực hiện việc quan trắc môi trường biển tại 4 tỉnh miền Trung, gửi kết quả cho UBND 4 tỉnh và công bố trên các phương tiện truyền thông về hiện trạng môi trường biển sau 1 năm xảy ra sự cố môi trường. Tổ chức các đoàn kiểm tra thực hiện công trình bảo vệ môi trường phục vụ giai đoạn vận hành đối với Dự án Khu liên hợp gang thép và cảng Sơn Dương giai đoạn 1-1 của Công ty Formosa ngày 24/9.
Đối với số hải sản lưu kho tăng thêm, Phó Thủ tướng Thường trực chỉ rõ, Bộ Y tế đã vào lấy mẫu kiểm nghiệm và chốt số lượng hải sản tồn kho. “Đến nay các tỉnh lại báo cáo tăng thêm hải sản tồn kho thuộc diện bồi thường, hỗ trợ dù các văn bản hướng dẫn đã quy định rõ. Chúng ta kiên quyết không mở rộng đối tượng được chi trả, nếu địa phương tự động ghi thêm, khai thêm đối tượng thì địa phương phải tự bỏ tiền chi trả".
“Việc chi trả bồi thường và hỗ trợ này phải công khai, minh bạch, không để sót lọt cũng như không để xảy ra tiêu cực, tham nhũng, đưa thêm người nhà, người quen vào để được hưởng chi trả trong quá trình bồi thường”, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình nhấn mạnh.
Theo Phó Thủ tướng, việc bồi thường và hỗ trợ thiệt hại cho người dân bị ảnh hưởng do sự cố môi trường biển gây ra phải xây dựng trên cơ sở hải sản còn lưu kho, có hoá đơn và chứng từ, các chứng cứ khác. Trường hợp được bồi thường phải đưa ra cộng đồng dân cư cùng với sự xác nhận của chính quyền cơ sở, đoàn thể chính trị-xã hội, nhân dân. Bảo đảm công khai, minh bạch trong quá trình bồi thường, hỗ trợ đúng quy định, đúng đối tượng.
Việc chi trả bồi thường và hỗ trợ cho bà con không chỉ đúng quy định mà còn phải tạo sinh kế, ổn định cuộc sống cho nhân dân. Do đó, cần tập trung xây dựng hạ tầng, bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn để ổn định, thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, kịp thời phát hiện, đấu tranh và xử lý nghiêm các phần tử kích động, gây rối làm mất an ninh trật tự.
Về bảo vệ môi trường biển, các bộ ngành và địa phương phải tập trung giám sát để Công ty Formosa thực hiện đúng các cam kết trong quá trình sản xuất.
Phó Thủ tướng đề nghị các tỉnh hoàn thành dứt điểm việc chi trả trong tháng 11/2017.
Theo VPCP