Cách mạng Tháng Tám giành chính quyền về tay nhân dân. Ảnh: TL
Trước mỗi dịp kỷ niệm ngày Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9 của đất nước, một số kẻ lại cố tình xuyên tạc, phủ nhận lịch sử của cuộc tổng khởi nghĩa. Tuy không nhiều, nhưng một số người tự cho là "nhà nghiên cứu", "am hiểu thế cuộc" lại được dịp “bày tỏ” thái độ khi phủ nhận lịch sử của cuộc Cách mạng tháng Tám bằng một số chiêu thức mơ hồ.
Luận điệu họ đưa ra là Việt Nam may mắn khi chủ nghĩa phát xít bị đánh bại trong Chiến tranh thế giới thứ 2, các nước thuộc địa trong đó có Việt Nam ăn theo tuyên bố độc lập. Rồi họ đưa ra những bình luận phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng, phủ nhận thành quả mà Đảng đã lãnh đạo từ thời điểm đó cho đến nay…
Cách mạng tháng Tám nổ ra là kết quả các cao trào nổi dậy của Nhân dân ta từ những phong trào được dấy lên trước đó, là đỉnh cao của phong trào đứng lên giành quyền sống, quyền độc lập, tự do cho mình. Nếu theo lập luận phủ nhận như “các nhà nghiên cứu lịch sử” nói trên thì công lao của hàng ngàn anh hùng nghĩa sĩ đứng lên kháng Pháp từ 1858 đến 1945 không lẽ đều là vô ích? Điều đó chứng tỏ họ đã vô ơn với những người đã xả thân cho đất nước từ những năm tháng dưới ách nô lệ áp bức của thực dân Pháp. Thực tế, từ lịch sử thế giới cận đại đến nay không một đế quốc nào từ bỏ lòng tham khi đã đô hộ được một đất nước lại cho độc lập vô điều kiện. Nếu người Việt Nam không tự mình đứng lên khởi nghĩa giành chính quyền thì liệu rằng Pháp, Nhật có để yên cho Việt Nam được độc lập hay không?
Sau này, những người trong giới cánh tả Pháp phải thừa nhận sai lầm khi đánh giá thấp lòng yêu nước tạo nên sức mạnh của người Việt. Công nhận công lao giành được độc lập là của những người cộng sản đã vận động được cao độ lòng yêu nước của toàn dân tộc.Vào thời điểm đó, Đảng ta có chưa đến 5.000 đảng viên, họ xuất thân từ nông dân, công nhân đồn điền với tấm lòng yêu nước, ý chí độc lập tự do đi theo Đảng làm cách mạng. Đảng lãnh đạo trong điều kiện chưa có chính quyền, không có ngân sách và vũ khí, không có địa vị chính trị và vị thế quốc tế. Vậy nhưng, chỉ trong một thời gian ngắn đã lãnh đạo thắng lợi cuộc tổng khởi nghĩa. Cuộc cách mạng đã làm rung chuyển không chỉ Đông Dương mà còn là nguồn gốc thúc đẩy phong trào nổi dậy chống thực dân của các dân tộc thuộc địa trên khắp thế giới. Thấy rõ “thời cơ chín muồi” khi Chiến tranh thế giới thứ 2 kết thúc cũng là bài học cho khởi nghĩa, nhưng sẽ không giành được lợi thế khi không có sự chuẩn bị lực lượng của quần chúng từ trước. Đó chính là tầm nhìn sâu sắc, toàn diện của Đảng ta và Bác Hồ khi dự báo chính xác thất bại của chủ nghĩa phát xít để tiến hành khởi nghĩa.
Yếu tố vũ trang được Đảng ta vận dụng chính là ý chí của lòng dân bị áp bức, vũ khí là tầm vông, gậy gộc trong mỗi lũy tre làng. Hai yếu tố đó đã kết tinh thành sức mạnh vũ trang làm nên thắng lợi. Đây chính là nền tảng để chúng ta phát huy thành sức mạnh của chiến tranh nhân dân trong 9 năm kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ sau này.
Trên thế giới không ít quốc gia độc lập trên danh nghĩa, nhưng không được hưởng tự do thực sự nếu không chấp nhận quỹ đạo các nước lớn. Với vị trí địa chính trị, xu thế phức tạp trên thế giới, hơn 70 năm qua, chúng ta phải kháng chiến chống Pháp trong 9 năm, 20 năm chống Mỹ rồi đến chiến tranh bảo vệ biên giới phía Tây Nam, phía Bắc kéo dài cả thập kỷ. Có chăng, chúng ta được bình yên tương đối trong khoảng 30 năm trở lại đây.
Từ một nước nghèo nàn, lạc hậu, chiến tranh kéo dài lại bị phong tỏa cấm vận một thời gian..., chúng ta đã vươn lên có được cơ đồ như hôm nay là một kỳ tích. Không thể lấy các nước khác giàu có nhanh hơn để so sánh một cách khập khiễng, thiếu thực tế. Chỉ lấy một chỉ số so sánh để thấy rõ thêm điều đó. Năm 1945, cả nước có hơn 2 triệu người chết đói, ngân khố quốc gia bằng không, so với năm 2018 vừa qua thu nhập bình quân đầu người đạt 2.587 USD đã cho thấy sự đổi thay vượt bậc. Tuy mới thoát khỏi xếp loại các nước nghèo, thu nhập bình quân chưa cao, đời sống của Nhân dân còn nhiều khó khăn, nhưng có được như vậy không dễ gì với một đất nước bị chiến tranh, thiên tai liên miên như đất nước chúng ta.
Với những tín hiệu khả quan, tin rằng trong tương lai không xa, chúng ta sẽ vươn lên “thành một nước giàu mạnh, con rồng mới của châu Á”, như dự báo của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB).
Những kẻ lớn lên sau Cách mạng tháng Tám không nghiên cứu kỹ lịch sử, với cái nhìn thiếu thiện cảm, hằn học đã bộc lộ thái độ phủ nhận lịch sử của dân tộc là hẹp hòi, thiếu toàn diện. Đây chính là một trong những biểu hiện “Tự diễn biến", "tự chuyển hóa” được Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) xác định: “Hạ thấp, phủ nhận những thành quả cách mạng…Xuyên tạc lịch sử, bịa đặt, vu cáo lãnh tụ tiền bối”.
Độc lập tự do của đất nước đã trải qua 74 năm, đó là thời gian không dài của một dân tộc, nhưng là giai đoạn vẻ vang nhất trong lịch sử bảo vệ và xây dựng đất nước. Mỗi người chúng ta có quyền tự hào, có quyền góp ý, nhưng không thể phủ nhận những gì mà Đảng Cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo đất nước để có được như hôm nay.
NGUYỄN PHƯỚC KHÁNH