Xã Bình Tiến là đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp xã mới được thành lập trên cơ sở sáp nhập 2 xã: Bình Điền và Hồng Tiến.
Diện mạo mới của Bình Tiến - xã mới sáp nhập
Nỗ lực mới
Trước khi sáp nhập, về kinh tế, xã Hồng Tiến phần lớn dựa vào trồng rừng, chăn nuôi nhỏ lẻ; Bình Điền lại có mô hình phát triển đa dạng: dịch vụ - du lịch, ngành nghề, vận tải, chăn nuôi…
Ông Nguyễn Văn Cao, cán bộ hưu trí xã Hồng Tiến (cũ), chia sẻ: “Trước đây, nghe tin xã sáp nhập, bà con mừng nhưng vẫn lo. Lo vì Hồng Tiến là xã đặc thù, khi nhập với Bình Điền, có giữ được truyền thống của xã Anh hùng. Lo các phong tục tập quán, yếu tố lịch sử của mỗi địa phương có mai một. Nhưng nay, chúng tôi yên tâm, tin tưởng Hồng Tiến sẽ có điều kiện vươn mình và mong đội ngũ lãnh đạo xã mới sẽ đoàn kết, đồng thuận”.
Sau sáp nhập, đội ngũ công chức, bán chuyên trách của xã có 42 người (16 công chức, còn lại là bán chuyên trách); trong đó, có 11 cán bộ đang chờ để giải quyết các chế độ nghỉ (về hưu, tinh giản). 31/41 người còn lại xã sẽ từng bước sắp xếp, luân chuyển sang các vị trí, đơn vị, địa phương phù hợp và việc giải quyết sẽ kéo dài đến 31/12/2021.
"Chúng tôi động viên, tạo điều kiện thuận lợi cho anh em trên tinh thần bàn bạc tập thể để tháo gỡ cũng như tính toán phương án sắp xếp, sớm ổn định công tác, đảm bảo an sinh xã hội. Trước mắt, cơ bản việc thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến người dân đều được giải quyết thông suốt. Xã cũng đang xây dựng phương án cho thuê đất với giá bằng 0 cho những đối tượng hộ nghèo, khó khăn của Hồng Tiến nhằm giúp họ phát triển kinh tế... Tuy xã mới còn nhiều khó khăn, nhưng tôi tin tưởng đời sống kinh tế của Bình Tiến sẽ có những bước phát triển xứng với vai trò, vị thế là trung tâm của vùng gò đồi Hương Trà" - tân Chủ tịch UBND xã Bình Tiến Nguyễn Trung Kiên chia sẻ.
Còn nhiều việc phải “gỡ”
Ông Kiên cho rằng, khi 2 đơn vị về “một nhà”, điều quan trọng là hiểu biết lẫn nhau. Lâu nay, 2 xã dẫu gần nhau về địa lý, có mối quan hệ mật thiết, gắn bó trong làm ăn và sản xuất nhưng vẫn còn những khác biệt về phong tục, văn hoá địa phương. Do vậy, rất cần cán bộ, đảng viên và toàn thể Nhân dân cùng nhau vì mục tiêu xây dựng xã mới ổn định, phát triển.
Một trong những nhiệm vụ khó khăn mà các ĐVHC mới phải đối mặt là giải quyết tồn đọng, vướng mắc từ các xã cũ. Xã vẫn còn vướng về chế độ tiền lương cho cán bộ Hồng Tiến (trước đây vẫn hưởng thêm 70% lương do xã nằm trong Chương trình 135), phụ cấp chức vụ, khu vực, thâm niên… khi nhập 2 đơn vị. Hiện Bình Tiến là xã loại 1 thì chế độ tiền lương của họ thế nào, có bảo lưu nguyên lương và nếu bảo lưu thì bao lâu…Để giải quyết vướng mắc, cần có văn bản hướng dẫn của sở, phòng liên quan để đảm bảo quyền lợi cho các đối tượng trên. Trước mắt, xã làm lương đều cho các cán bộ, riêng chế độ chính sách thì vẫn thực hiện đầy đủ, Chủ tịch UBND xã Bình Tiến thông tin.
Ngoài ra, trong khi Bình Điền đã đạt 17/19 tiêu chí nông thôn mới thì Hồng Tiến mới chỉ đạt 11/19 tiêu chí. Vì vậy, phải đánh giá lại các tiêu chí cũng như có quy hoạch mới cho cả 2 đơn vị. Đây cũng là vấn đề khó, cần sự vào cuộc quyết liệt để thực hiện vì xã phấn đấu đến cuối 2020 sẽ cơ bản đạt 19 chỉ tiêu theo quy định. Thêm vào đó, công tác kiểm kê bàn giao cơ sở vật chất, đối chiếu ngân sách, quản lý tài sản cũng đang từng bước tháo gỡ, thực hiện và cần sự giúp đỡ từ phía thị xã.
Trước mắt, Bình Tiến tập trung cho việc tuyên truyền phòng chống dịch COVID-19 và phấn đấu cơ bản hoàn thành tất cả mọi công việc trong tháng 2 để tập trung cho chuẩn bị Đại hội Đảng (dự kiến vào cuối tháng 3).
Xã Bình Tiến có diện tích tự nhiên 140,02 km2, quy mô dân số 5.951 người với 278 đảng viên. Sau khi sắp xếp lại, trụ sở làm việc của các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị xã Bình Tiến đặt tại xã Bình Điền (cũ). Như vậy, thị xã Hương Trà sẽ còn 15 ĐVHC cấp xã (giảm 1 xã), gồm 8 xã và 7 phường.
Bài, ảnh: Liên Minh