TTHCC tỉnh chính thức đi vào hoạt động từ ngày hôm nay (25/12) và khai trương vào ngày 5/1/2018. Đây là sự kiện thu hút sự quan tâm của doanh nghiệp và người dân với sự kỳ vọng rất lớn về những đổi mới, đột phá trong công tác cải cách TTHC của tỉnh.
Bộ phận hỗ trợ sẵn sàng hướng dẫn người dân, doanh nghiệp đến giao dịch
100% hồ sơ được số hóa
Mặc dầu là ngày nghỉ song để kịp thời đi vào hoạt động, hai ngày cuối tuần qua tại TTHCC tỉnh (số 1 Lê Lai, TP. Huế) không khí làm việc diễn ra rất khẩn trương.
Bà Trần Thị Hoài Trâm, Phó Chánh văn phòng UBND tỉnh kiêm Giám đốc TTHCC tỉnh cho biết, về cơ sở vật chất, trung tâm được trang bị hiện đại và đồng bộ như: thiết bị tra cứu, máy đọc mã vạch, bàn điền hồ sơ, ghế đợi, nước uống miễn phí,… TTHCC tỉnh là đầu mối duy nhất thực hiện việc tiếp nhận, trả kết quả đối với tất cả TTHC nhằm quản lý thống nhất, đồng bộ, cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh. Điều này sẽ rút ngắn tối đa thời gian, tiết kiệm chi phí cho cá nhân, tổ chức trong quá trình thực hiện giải quyết các TTHC.
Trung tâm hoạt động theo nguyên tắc đảm bảo số hóa, tạo lập hồ sơ điện tử và lưu vết toàn bộ hồ sơ được tiếp nhận, hướng tới những thành phần hồ sơ này không phải nộp lại khi công dân, tổ chức tham gia giải quyết TTHC tại các lần tiếp theo. “Các TTHC đưa vào trung tâm đều được quy trình hóa theo tiêu chuẩn ISO 9001:2015; 100% hồ sơ, TTHC được số hóa và giám sát chặt chẽ từ khâu tiếp nhận, xử lý đến hoàn trả kết quả và được số hóa xử lý trên môi trường mạng”- bà Trần Thị Hoài Trâm nhấn mạnh.
Có TTHCC tỉnh, tất cả các sở, ban, ngành sẽ cử cán bộ có thẩm quyền tới trung tâm và hồ sơ sẽ được tiếp nhận, thẩm định hồ sơ và phê duyệt tại chỗ tại một cửa duy nhất theo đúng nghĩa. Người dân, doanh nghiệp chỉ cần đến trung tâm, được cán bộ hướng dẫn một lần để hoàn thiện và nộp hồ sơ, nhận giấy hẹn, sau đó nhận lại kết quả mà không phải đến thêm một địa điểm nào khác. Người dân, doanh nghiệp có thể giám sát hồ sơ của mình hiện nay đang ở khâu nào và có thể biết thời hạn về giải quyết ra sao.
Bảng đánh giá lấy ý kiến mức độ hài lòng trong giải quyết TTHC
Thân thiện – Đơn giản – Đúng hẹn
TTHCC tỉnh là một mô hình mang nhiều kỳ vọng không chỉ với chính quyền mà cả người dân, doanh nghiệp trong việc tiếp cận một nền hành chính thuận tiện, gần gũi. “Cộng đồng doanh nghiệp đón nhận thông tin đưa TTHCC vào sử dụng với nhiều kỳ vọng. Trước đây, doanh nghiệp muốn thực hiện các giao dịch hành chính liên quan phải tìm đến các sở, ngành đầu mối để được hướng dẫn và bắt đầu giải quyết TTHC. Một số công đoạn chưa liên thông, doanh nghiệp lại phải trực tiếp mang hồ sơ đến cơ quan thẩm quyền để được tháo gỡ. Nhưng có TTHCC, mọi thứ sẽ quy về một mối, rất thuận tiện”, ông Trần Đức Minh, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ tỉnh chia sẻ.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ thông tin, nhằm đổi mới phương thức làm việc của cơ quan hành chính nhà nước, UBND tỉnh đã ban hành, áp dụng nhiều giải pháp quyết liệt, đồng bộ. Có thể kể đến việc ban hành bộ quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tại TTHCC các cấp; quy định về trách nhiệm công khai xin lỗi của công chức, viên chức làm việc tại các cơ quan, đơn vị trong giải quyết TTHC công; triển khai thẻ điện tử công chức, doanh nghiệp; đề án thanh toán không dùng tiền mặt…
“Sự ra đời của TTHCC tỉnh cùng với hệ thống TTHCC cấp huyện, bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hiện đại cấp xã là giải pháp hiệu quả để đẩy mạnh cải cách TTHC, nâng cao hiệu lực, hiệu quả giải quyết các TTHC của các cơ quan nhà nước, cải thiện môi trường kinh doanh, góp phần thúc đẩy kinh tế- xã hội phát triển”- ông Phan Ngọc Thọ khẳng định.
Với mục tiêu “Lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo hoạt động” và phương châm “Thân thiện - Đơn giản - Đúng hẹn”, TTHCC tỉnh chú trọng đón tiếp và hướng dẫn chu đáo người dân, tổ chức và doanh nghiệp đến làm thủ tục với thái độ phục vụ lịch sự, thân thiện của đội ngũ cán bộ công chức chuyên nghiệp.
TTHCC tỉnh được xây dựng trên diện tích 630m2 tại số 1 Lê Lai, TP. Huế, với 34 quầy tiếp nhận và trả kết quả, giải quyết 1.401 TTHC cho công dân, tổ chức (bao gồm các cơ quan chuyên môn trực thuộc UBND tỉnh và 6 cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn). TTHCC tỉnh có giám đốc là Phó Chánh văn phòng UBND tỉnh kiêm nhiệm, 1 phó giám đốc chuyên trách và 3 bộ phận gồm: Hỗ trợ - Giám sát; Hành chính - Tổng hợp; Tiếp nhận - Trả kết quả; ngoài ra còn có bộ phận bưu chính công ích và thu phí tập trung. |
Bài, ảnh: Thái Bình