ClockThứ Tư, 26/10/2022 15:22

Xét xử án hành chính: Ứng dụng các giải pháp thiết thực

TTH - Thời gian qua, Tòa án Nhân dân (TAND) 2 cấp tỉnh Thừa Thiên Huế đã có nhiều giải pháp mang tính chủ động, đem lại hiệu quả cao trong công tác xét xử, hòa giải, các vụ án nói chung và đối thoại trong giải quyết án hành chính (HC) nói riêng.

Rà soát, điều chỉnh để bãi bỏ việc phải xuất trình sổ hộ khẩu khi thực hiện giao dịch, thủ tục hành chínhHướng đến sự hài lòng của người dân

Chú trọng công tác hòa giải, đối thoại

Theo thống kê, phân tích, các tranh chấp dân sự và khiếu kiện HC diễn biến phức tạp trên địa bàn tỉnh đã đặt ra cho TAND 2 cấp của tỉnh nhiều thách thức. Tuy nhiên, vượt qua khó khăn, bằng những giải pháp thực tế, công tác xét xử án HC của TAND 2 cấp đã đạt nhiều kết quả đáng khích lệ. Cụ thể, trong 9 tháng đầu năm 2022, TAND 2 cấp đã thụ lý 42 vụ án HC, giải quyết 28 vụ, đối thoại thành công 5 vụ (so với cùng kỳ, thụ lý tăng 4 vụ, tăng số vụ giải quyết và đối thoại).

Nhìn chung, đối với các vụ án HC thụ lý, giải quyết chủ yếu tại TAND cấp tỉnh, tập trung nhiều vào loại vụ, việc liên quan đến khiếu kiện đất đai, công tác bồi thường, tái định cư, chính sách và những vụ, việc dễ trở lên phức tạp, được dư luận xã hội quan tâm, đã được TAND đưa ra giải quyết, xét xử kịp thời. Công tác xét xử được tuân thủ chặt chẽ, đảm bảo đúng các quy định pháp luật.

Quá trình giải quyết, xét xử, TAND 2 cấp luôn chủ động phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng cùng cấp, với chính quyền địa phương liên quan đến vụ án, nên hầu hết các vụ án được đưa ra xét xử kịp thời, đúng hạn luật; đảm bảo các phán quyết của Tòa án được tuân thủ đúng pháp luật, bảo đảm công lý, quyền con người, quyền công dân và phán quyết của Tòa án nghiêm chỉnh được thực thi; góp phần đáp ứng ngày càng tốt hơn nhiệm vụ chính trị được giao.

Ông Bùi Văn Thanh, Phó Chánh án TAND tỉnh cho biết, TAND 2 cấp đã thụ lý và đạt tỷ lệ giải quyết án HC cao hơn so với cùng kỳ năm trước, điều đó thể hiện nỗ lực trong thực thi nhiệm vụ của mỗi thẩm phán được phân công giải quyết; chủ động tìm ra nguyên nhân và các giải pháp, bài học, kinh nghiệm thiết thực. Ưu điểm đáng lưu ý là tập thể lãnh đạo TAND tỉnh đã thường xuyên quán triệt, chỉ đạo các thẩm phán được phân công thụ lý, giải quyết án HC thực hiện nghiêm túc các hướng dẫn, chỉ thị của Chánh án TAND tối cao về công tác giải quyết, xét xử để đảm bảo tiến độ, thời hạn và nâng cao chất lượng giải quyết án HC. Thực hiện tốt kế hoạch, công tác đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn chuyên đề để nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, đặc biệt đối với công tác giải quyết án HC.

TAND tỉnh còn đặc biệt chú trọng công tác hòa giải, đối thoại trong quá trình giải quyết vụ án. Tổ chức hòa giải theo các nhóm có tính chất vụ, việc tương đồng, hướng cho các đương sự tự thỏa thuận được coi là một trong những yếu tố quan trọng đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng giải quyết các loại vụ án.

Nhân rộng xét xử trực tuyến

Thực tế cho thấy, tại nhiều địa phương, tỷ lệ hòa giải, đối thoại thành công trên tổng số vụ án đã thụ lý, xét xử là khá cao. Điều này cho thấy nếu UBND, Chủ tịch UBND các cấp thực hiện việc phân công, sắp xếp, bố trí và chấp hành tham gia đầy đủ các phiên đối thoại theo quy định của pháp luật tố tụng thì việc giải quyết các vụ án HC nói riêng sẽ đạt nhiều kết quả tích cực, nhiều vụ án sẽ được đối thoại thành, không phải mở phiên tòa xét xử, góp phần hạn chế tối đa việc xét xử, tránh lãng phí thời gian, công sức của người dân và chính quyền; đặc biệt tạo được niềm tin của người dân vào công lý và kết quả phán quyết của tòa án.

Theo Phó Chánh án TAND tỉnh Bùi Văn Thanh, quá trình giải quyết án HC của TAND 2 cấp cũng gặp phải không ít khó khăn, vướng mắc trong giải quyết án, như: Việc cấp, gửi, tống đạt văn bản tố tụng; người bị kiện, người đại diện theo ủy quyền của người bị kiện thường chậm cung cấp tài liệu, chứng cứ liên quan đến vụ án; người đứng đầu chính quyền các cấp một số nơi liên quan đến trách nhiệm giải quyết đến quyết định HC, hành vi HC bị đương sự khởi kiện chưa tham gia thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của mình theo quy định pháp luật tố tụng HC trong quá trình giải quyết các vụ án HC liên quan... Thực tế này khiến Tòa án gặp rất nhiều khó khăn trong việc thu thập, phân tích, đánh giá chứng cứ để giải quyết án; làm ảnh hưởng không nhỏ đến niềm tin của người dân khi tham gia giải quyết vụ án.

Chỉ ra các giải pháp giải quyết án HC trong thời gian tới, Phó Chánh án Bùi Văn Thanh thông tin, việc thực hiện Nghị quyết số 33 của Quốc hội về tổ chức phiên tòa trực tuyến, trong thời gian qua TAND tỉnh đã triển khai thực hiện hiệu quả việc tổ chức phiên tòa xét xử các vụ án hình sự theo tinh thần cải cách tư pháp và đạt nhiều kết quả tốt. Trong thời gian tới, TAND tỉnh tiếp tục nghiên cứu, tổ chức chỉ đạo TAND 2 cấp thực hiện mở phiên tòa xét xử bằng hình thức trực tuyến từ 3 đến 4 vụ án HC ở mỗi đơn vị.

Với những kết quả đã đạt được, Phó Chánh án Bùi Văn Thanh khẳng định, những tháng cuối năm 2022, các tranh chấp dân sự và khiếu kiện HC vẫn có thể gia tăng về số lượng và tính chất phức tạp. Do đó, để tiếp tục đảm bảo cho hoạt động xét xử đạt hiệu quả, TAND tỉnh tiếp tục tập trung đẩy mạnh và đưa ra các giải pháp đã được ứng dụng vào quá trình giải quyết án HC trong thời gian qua, nhằm góp phần giữ vững trật tự an toàn xã hội, ổn định tình hình chính trị tại địa phương.

Thái Bình

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đồng bộ giải pháp để thu ngân sách bền vững

Huy động nguồn lực, thúc đẩy doanh nghiệp (DN) phát triển, tận dụng các lợi thế khi trở thành thành phố trực thuộc Trung ương sẽ giúp Huế khai thác hiệu quả nguồn thu ngân sách, hướng đến giảm dần sự phụ thuộc vào ngân sách trung ương.

Đồng bộ giải pháp để thu ngân sách bền vững

TIN MỚI

Return to top