ClockChủ Nhật, 03/11/2024 06:05

Cảnh giác, chủ động, không chủ quan

TTH - Bão số 6 (TRAMI) tạm biệt Philippines để vào Biển Đông và phăm phăm hướng về miền Trung nước ta. Là dân của xứ “trời hành cơn lụt mỗi năm”, lại vừa chứng kiến cơn bão Yagi tàn phá kinh hoàng các tỉnh phía bắc, nên từ trước đó nhiều ngày, đi đâu cũng nghe bà con bàn tán về bão. Và hầu như ai cũng có smartphone nên vừa bàn tán, vừa mở mạng xem dự báo, đường đi của bão nó sẽ như thế nào.

Tăng giải pháp chống ngập, chủ động ứng phó mưa bãoRà soát các khu vực có nguy cơ chia cắt khi lũ lụt

 Không chủ quan, tích cực chủ động phòng tránh là cách tốt nhất để tự bảo vệ bản thân, gia đình trong thiên tai, bão lũ (Ảnh minh họa)

Theo dự báo, bão số 6 có đường đi rất kỳ quặc, từ biển vào, gần chạm đất liền lại quay ngược trở ra biển, rồi sau đó có thể lại đổi hướng để vào đất liền. Xem dự báo, xem đường đi, người nói còn lâu, người nói kiểu này thì bão nhất định sẽ yếu, có khi tan luôn ngoài biển… Nhưng nói gì thì nói, cuối cùng cũng nhắc nhau đừng chủ quan, lo về mà chằng chống, cắt tỉa cây cối, ai có chơi phong lan thì lo hạ chậu xuống thấp, sạc điện thoại cho no, pin đèn cho đầy đủ... Lại nữa, chứa thùng nước sạch, mua bao gạo, ít mì tôm, mắm muối mà trữ nếu đồ trong nhà đã lưng lẻo, bởi kinh nghiệm xương máu, bão bao giờ cũng đi kèm với lụt, và lúc đó, gạo cơm, mắm muối, nước sạch là thiết yếu nhất, không thể không phòng bị.

Sáng 27/10, tâm bão cách bờ chừng trăm cây số, nhưng từ đêm hôm trước, Huế đã mưa to gió lớn cả đêm. Sáng ra mở đài, xem báo thấy dày đặc tin tức về TRAMI, tinh thần ứng phó, chuẩn bị của các địa phương, các lực lượng chức năng... Nói chung rất ầm ào khí thế. Có người thấy “cái bối cảnh” ấy đoán vui: Bão sẽ không vào. Bởi vào... làm gì nữa khi thiên hạ người ta đã sẵn sàng hết rồi. Rồi thấy tin phát thông báo của Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai & Tìm kiếm cứu nạn tỉnh yêu cầu mọi người không đi ra đường kể từ 7h00, trừ lực lượng làm nhiệm vụ và trường hợp đặc biệt. Phải thế chứ, tôi nghĩ thầm vì chợt nhớ đến hình ảnh rất nhiều người ở các tỉnh phía bắc đã ra đường giữa lúc bão Yagi đang cuồng nộ khiến nhiều bác tài ô tô tốt bụng đã phải cho xe chạy thật chậm, liên kết cùng nhau để tạo bức tường chắn gió cứu giúp những người đi xe máy, có lẽ đang buộc phải đến cơ quan, doanh nghiệp bởi đang ngày làm việc và không được nhận thông báo cho nghỉ làm để tránh bão. Cũng may 27/10 là Chủ nhật; song việc có thông báo cấm ra khỏi nhà cũng là động thái cần thiết và rất tốt.

Đến gần trưa thì thấy gió mưa dịu dần, tin phát tâm bão đã đi vào đất liền tại đèo Hải Vân, gió bão giảm dần sớm hơn dự kiến. Song, cảnh báo mọi người nguy cơ mưa lũ và sạt lở trong những ngày tới, đặc biệt là khu vực vùng núi Quảng Nam, đất liền từ Huế trở ra Bắc. Không chỉ được phát trên các cơ quan thông tin đại chúng, mà còn được các nhà báo và nhiều người khác nữa cùng chia sẻ trên mạng xã hội. Đọc báo, xem ti vi, thấy nhiều khu dân cư ở trong vùng nguy cơ lũ lụt, sạt đất, lở núi đã được tản cư, di chuyển để đề phòng. Thậm chí có những khu dân cư còn được tính toán để có phương án di chuyển tái định cư hầu tránh hiểm họa trong tương lai...

Cảnh giác, không chủ quan, tích cực chủ động phòng tránh, đó là những phương châm cốt yếu để tự bảo vệ bản thân, gia đình và cộng đồng, hạn chế tối đa những tác động tiêu cực của thiên tai. Và điều này đã thể hiện khá rõ nét khi cơn bão số 6 vần vũ, đe dọa miền Trung vừa rồi. TRAMI đã tan, nhưng mùa mưa bão vẫn hãy còn dài, càng về sau lại thường càng dữ dằn hơn. Cho nên, sự cảnh giác, chủ động, không chủ quan vẫn càng phải được đặt lên hàng đầu. Phải tự bảo vệ, tự cứu mình mới là thượng sách; còn nếu chủ quan, đợi nước đến chân mới nhảy và khi nhảy không kịp mới ngồi kêu người đến cứu là hạ sách. 2 người chết trong bão TRAMI ở Thừa Thiên Huế đều do chủ quan, không tuân thủ quy định, người thì cố tình lội qua đoạn đường ngập sâu đã bị cấm; người thì mang lưới đi đánh cá trong mưa bão dù đã có cảnh báo cấm ra khỏi nhà. Đó là những bài học mà người học nó đã không còn có thể rút kinh nghiệm.

Huy Khánh
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Không để dịch bệnh mùa bão lũ bùng phát

Ngày 7/11, Sở Y tế cho biết vừa ban hành công văn yêu cầu tăng cường phòng chống dịch trước, trong và sau các đợt mưa lũ đối với các đơn vị trực thuộc và 9 trung tâm y tế (TTYT) huyện, thị, thành phố. Tinh thần chỉ đạo chú trọng việc không để dịch bệnh bùng phát trong cộng đồng.

Không để dịch bệnh mùa bão lũ bùng phát
Return to top