ClockThứ Ba, 27/03/2018 09:08

Cái giá của sự ngông cuồng

TTH - Một người tự tay tưới xăng đốt nhà người khác. Một người kích động, “đổ thêm dầu vào lửa”. Người còn lại biết chuyện, không can ngăn, còn đưa chìa khóa xe máy cho bạn chở xăng đi gây án. Cả 3 phải ra hầu tòa trong “vai” bị cáo với nhiều hệ lụy.

Vận động một đối tượng gây thương tích ra đầu thúCảnh báo gia tăng tội phạm cố ý gây thương tích

Số là, trong lúc uống rượu cùng C và L, K đem chuyện mình bị ông hàng xóm mách với bố vợ về “tội” dẫn gái về nhà. Trong khi tâm trạng “chiến hữu” vẫn ấm ức, C “đổ thêm dầu” bằng câu nói “Răng anh hiền rứa, gặp em là em đánh cho một trận”. K phân trần, dù sao ông cũng là hàng xóm, lại lớn tuổi nên không nghĩ đến chuyện “động thủ”. Tưởng vậy là xong, bởi cả 3 nói sang chuyện khác và nhậu đến tối mịt thì giải tán. Trên đường về, L có việc nên đi riêng. K chở C về nhà K. Trong lúc K bận làm việc nhà thì C “nhanh nhảu” sang nhà ông hàng xóm để “hỏi tội” nhiều chuyện. Do ông hàng xóm đã đóng cửa đi ngủ nên C đứng ngoài hàng rào to tiếng gọi bằng được. Thấy hai người to tiếng, K chạy đến can ngăn. C bỏ đi. Ông hàng xóm vào nhà ngủ tiếp.    

Có lẽ sẽ chẳng có điều gì xảy ra, nếu như sau đó cả 3 người không tiếp tục nhậu tại một quán tạp hóa. Trong khi nhậu “tăng hai”, C ngông nghênh tuyên bố “tí nữa tau về đốt làng” và hỏi L “anh tin em về đốt làng không”? Không can ngăn, L “đề” thêm: “Xăng đó, mi lấy đi rồi mấy tiền tau trả”. C xách can xăng chứa 15 lít xăng, đồng thời nói với K “đưa chìa khóa để em về đốt làng”. K móc chìa khóa xe máy ra bỏ lên bàn trước mặt C. C liền xách can xăng bỏ lên xe K rồi nổ máy chạy đi gây án. Nhà ông hàng xóm của K bị C tưới xăng, châm lửa đốt. Biết chuyện, K hoảng hốt chạy về nhà hàng xóm để chữa cháy. Lúc này C thấy sợ nên bỏ trốn, nhưng được gia đình động viên nên hôm sau đã ra trình diện. Vụ phóng hỏa khiến 7 chiếc xe máy, 11 chiếc xe đạp đã qua sử dụng cùng một số vật dụng sửa xe và 1,8 triệu đồng tiền mặt để trong túi quần ông hàng xóm (làm nghề sửa xe), bị ngọn lửa thiêu rụi.

Bị cáo có mâu thuẫn, thù oán gì với bị hại không, là câu hỏi mà tòa nhiều lần đặt ra cho C. Và lần nào C cũng phân bua, chẳng có thù oán, mâu thuẫn gì với hàng xóm của K. Chỉ vì bực tức thay K về việc ông hàng xóm nhiều chuyện nên mới lỡ…. Tòa phân tích, không thể chấp nhận lý do mà bị cáo C đưa ra. Không mâu thuẫn, nhưng lại vô cớ đổ xăng phóng hỏa đốt nhà người khác, đó là hành vi phạm tội có tính côn đồ. Trong vụ án này nếu có thiệt hại về người thì hậu quả sẽ vô cùng thảm khốc. Và trách nhiệm hình sự mà bị cáo phải gánh chịu là rất nặng nề.

C lí nhí vâng dạ, đồng thời bào chữa, do có men bia rượu nên mới xảy ra hành động như vậy. Tòa cho biết, phạm tội trong tình trạng có men bia rượu là tình tiết tăng nặng chứ không phải giảm nhẹ, nên các bị cáo đừng “đổ tội” cho bia rượu.

Bị tòa “truy”, vì sao khi biết C có ý định đi đốt nhà người ta, đã không can ngăn mà các bị cáo lại giúp sức bằng cách trả tiền xăng, đưa chìa khóa xe máy cho C. Là bạn bè tốt, khi C vừa có ý đồ, nếu K và L quyết liệt can ngăn thì vụ án đã không xảy ra. Đằng này… Không chỉ C ra tòa với tư cách là bị cáo mà cả K và L cũng thành bị cáo với vai trò đồng phạm giúp sức.

Hôm đến phiên tòa, đứa con nhỏ trong tay vợ bị cáo C khóc ré lên khi cha đưa tay ra bế, khiến C vừa bối rối vừa buồn. Mẹ C rầu rĩ bảo, con thì thơ dại, cha thì bị bắt tạm giam mấy tháng. Xa cha lâu, thằng bé quên mất hơi cha. Ai mà cứ rượu với bia sa đà thì không gây họa kiểu này cũng “có chuyện” kiểu khác. Khổ lắm…

Duy Trí 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

NGĂN CHẶN TỘI PHẠM TRỘM CẮP TÀI SẢN:
Bịt kín sơ hở

Theo số liệu thống kê hàng năm, án trộm cắp tài sản thường chiếm từ 60-65% tổng số vụ việc phạm pháp hình sự. Điều này cho thấy, tỷ lệ tội phạm trộm cắp luôn chiếm tỷ lệ cao.

Bịt kín sơ hở
Return to top