ClockThứ Ba, 02/03/2021 10:29

Cần tuân thủ quy định của pháp luật khi thực hiện các giao dịch dân sự

TTH - Điều đó là để tránh những hệ lụy mà “người trong cuộc” phải đưa nhau ra chốn pháp đình, kéo từ phiên tòa này đến phiên tòa khác.

Vụ án “Tranh chấp về giao dịch dân sự yêu cầu tuyên bố giao dịch chuyển nhượng quyền sử dụng đất vô hiệu” được Tòa án Nhân dân (TAND) huyện Phong Điền xét xử sơ thẩm. Nguyên đơn là bà H. Bị đơn là bà Th. Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan là ông T. (chồng của nguyên đơn).

Vợ chồng bà H., ông T. được UBND huyện Phong Điền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng (CNQSD) đất đối với thửa đất có diện tích hơn 22 nghìn m2; mục đích đất trồng rừng sản xuất. Bà Th. nhiều lần gặp ông T. đặt vấn đề nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Sau khi thống nhất, hai bên đo đạc và ông T. viết giấy chuyển nhượng cho bà Th. diện tích đất 2.500m2.

Ông T. đã giao bản gốc giấy CNQSD đất thửa đất của vợ chồng (nêu trên) cho bà Th. Nhưng khi đề nghị trả lại thì bà Th. không chịu trả. Do đó, hai bên nảy sinh bất đồng.

Sau nhiều lần yêu cầu bà Th. trả lại giấy CNQSD đất và đề nghị UBND xã, UBND huyện giải quyết, nhưng bà Th. không chịu trả, bà H. khởi kiện ra tòa án, yêu cầu tuyên bố giao dịch chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa ông T. và  bà Th. vô hiệu. Đồng thời, yêu cầu tòa buộc bà Th. trả lại giấy CNQSD đất đã nhận.

Lý do nguyên đơn-bà H. đưa ra: Thửa đất được cấp giấy CNQSD nói trên, mang tên bà H. và ông T. Nhưng ông T. lại chuyển nhượng một phần diện tích cho bà Th., trong lúc bà H. không có văn bản đồng ý. Mặt khác, việc chuyển nhượng chỉ lập giấy viết tay, không có công chứng, chứng thực. Bên chuyển nhượng cũng chưa nhận tiền.

Bị đơn (bà Th.) trình bày: Sau nhiều lần bà đặt vấn đề chuyển nhượng đất với ông T. thì ông T. đồng ý. Hai bên thống nhất bằng lời nói giá chuyển nhượng và diện tích chuyển nhượng. Bà Th. không trực tiếp đặt vấn đề với bà H., nhưng quá trình bà Th. với ông T. trao đổi, thì bà H. có biết và không phản đối. Trong giấy chuyển nhượng ông T. cho bà Th. không có chữ ký của bà H. Sau đó, ông T. giao cho bà Th. giấy CNQSD đất để làm thủ tục chuyển nhượng, thì bà Th. biết giấy CNQSD đất mang tên ông T. và bà H.

Bà Th. không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà H., vì ông T. đã viết giấy chuyển nhượng. Bà Th. đề nghị xem xét, tách cho bà diện tích đất 2.500m2 mà ông T. đã viết giấy chuyển nhượng.

Tòa án cấp sơ thẩm căn cứ vào các quy định pháp luật, theo đó: Thửa đất mang tên cả hai vợ chồng bà H., ông T. cho nên thửa đất này được xác định là tài sản thuộc sở hữu chung của vợ chồng. Theo quy định của pháp luật hôn nhân và gia đình, việc định đoạt tài sản chung phải có sự thỏa thuận bằng văn bản của vợ chồng đối với tài sản là bất động sản.

Ông T. tự viết giấy chuyển nhượng đất cho bà Th. mà không có chữ ký của bà H., cũng không có văn bản thỏa thuận giữa bà H. và ông T. là vi phạm các quy định về tài sản chung vợ chồng; không đảm bảo quy định của pháp luật về mặt chủ thể.

Mặt khác, theo quy định của Luật Đất đai, hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất, phải được công chứng hoặc chứng thực. Nhưng “giấy chuyển nhượng đất” giữa ông T. với bà Th không có công chứng của cơ quan công chứng hoặc chứng thực của UBND có thẩm quyền, nên không bảo đảm về mặt hình thức theo quy định.

Đối với việc thực hiện nghĩa vụ của giao dịch chuyển nhượng quyền sử dụng đất: Bà Th. chưa giao tiền, ông T. chưa giao đất. Do đó, tòa cho rằng không có cơ sở công nhận hiệu lực giao dịch và tách cho bà Th. diện tích đất 2.500 m2 như đề nghị của bà Th.

Căn cứ vào các quy định, tòa án cấp sơ thẩm đã chấp nhận khởi kiện của nguyên đơn-bà H.; tuyên bố giao dịch chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa ông T. và bà Th. vô hiệu. Buộc bà Th. trả lại giấy CNQSD đất mang tên ông T. và bà H. bà Th. phải chịu án phí dân sự sơ thẩm.

Không đồng ý với phán quyết của tòa án cấp sơ thẩm, bà Th. bị đơn kháng cáo đến TAND tỉnh, yêu cầu xét xử phúc thẩm. Tuy nhiên, do giao dịch giữa bà Th. và ông T. không tuân thủ các quy định của pháp luật nên tòa án cấp phúc thẩm không thể chấp nhận kháng cáo của bà Th.

Vụ án này là lời “nhắc nhở” tất cả mọi người phải nâng cao nhận thức, hiểu biết, đồng thời cần tuân thủ quy định của pháp luật khi thực hiện các giao dịch dân sự, để được pháp luật bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình, tránh những hệ lụy khi phải đến chốn pháp đình để “theo kiện” kéo dài từ phiên tòa này đến phiên tòa khác.

Quỳnh Anh

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Giáo dục pháp luật cho học sinh qua phiên tòa thực tế

Nhằm nâng cao kiến thức về pháp luật cho học sinh, chiều 6/12, Trường THPT Nguyễn Huệ tổ chức cho học sinh tham dự một phiên tòa xét xử thực tế tại Tòa án Nhân dân TP. Huế. Đây là một hoạt động bổ ích nhằm nâng cao hiểu biết pháp luật và ý thức trách nhiệm của học sinh trong cuộc sống.

Giáo dục pháp luật cho học sinh qua phiên tòa thực tế
Hội thi văn nghệ tuyên truyền chính sách, pháp luật về người khuyết tật

Ngày 15/11, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với các sở, ngành, hội, địa phương tổ chức "Hội thi Văn nghệ tuyên truyền chính sách, pháp luật về người khuyết tật (NKT) tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2024" với chủ đề "Kết nối yêu thương". Hội thi với sự góp mặt của các đội văn nghệ đến từ Hội NKT của 6 địa phương đăng ký tham gia.

Hội thi văn nghệ tuyên truyền chính sách, pháp luật về người khuyết tật
Nâng cao năng lực truyền thông chính sách, pháp luật về kinh doanh có trách nhiệm

Thực hành kinh doanh có trách nhiệm đòi hỏi doanh nghiệp không chỉ dừng lại ở việc tuân thủ pháp luật mà còn phải thực hiện các biện pháp đánh giá rủi ro đối với các yếu tố con người, xã hội và môi trường; đồng thời giải quyết các nguy cơ tiềm ẩn như phòng ngừa, giảm thiểu hoặc tiến hành biện pháp khắc phục thích hợp khi xảy ra các vi phạm.

Nâng cao năng lực truyền thông chính sách, pháp luật về kinh doanh có trách nhiệm

TIN MỚI

Return to top