ClockThứ Năm, 05/09/2019 11:05

Lời cảnh tỉnh không cũ

TTH - Tung tin quen biết với nhiều lãnh đạo cơ quan, đơn vị và có khả năng xin được việc làm ở nhiều cơ quan, bị cáo Nguyễn Thị Thanh Hoa đã lừa, chiếm đoạt hơn 7,6 tỷ đồng, bị TAND tỉnh phạt 17 năm tù. Cả tin, hơn 100 người đã bị hại.

Lợi dụng mua hàng rồi chiếm đoạt tài sảnBắt đối tượng gây ra hàng loạt vụ lừa đảo, chiếm đoạt xe máy

Hiệu ứng dây chuyền

Khoảng cuối tháng 4/2013, bà Trần Thị Lan (trú tại Tứ Hạ, Hương Trà) nghe tin Nguyễn Thị Thanh Hoa (trú tại phường Thuận Hòa, TP. Huế, là cán bộ hưu trí) có khả năng xin được việc làm cho nhiều người nên đã tìm gặp và đặt vấn đề nhờ Hoa xin việc cho người quen của mình. Hoa đồng ý. Hoa nói với bà Lan, mình quen biết nhiều và có khả năng xin được việc làm ở nhiều cơ quan khác nhau trên địa bàn tỉnh. Hoa thông báo chi phí trọn gói sau khi xin được việc làm, tùy vào từng vị trí công tác mà giá chi phí khác nhau.

Nếu đồng ý xin việc, thì phải đặt cọc trước cho Hoa một khoản tiền, khi nào có quyết định đi làm sẽ đưa đủ tiền. Trong thời hạn từ 3 đến 4 tháng nếu không xin được việc làm thì Hoa sẽ trả lại tiền đặt cọc đầy đủ. Bà Lan về trao đổi lại với những người nhờ mình xin việc với chi phí trọn gói cao hơn để thu lợi, đồng thời đề nghị muốn xin việc thì cũng phải đặt tiền cọc trước, khi có quyết định đi làm mới phải thanh toán tiền đầy đủ.

Trần Thị Lan đã nhận tiền xin việc của 57 người (nhận trực tiếp và qua người trung gian, với tổng số tiền 5 tỷ 230 triệu đồng), sau đó giao lại cho Hoa (4 tỷ 536 triệu đồng) để nhờ Hoa xin việc và bị Hoa chiếm đoạt.

Trong vụ án này, ông Đinh Tiên Hoàn (trú tại Hương Xuân, thị xã Hương Trà) là người nhờ bà Trần Thị Lan xin việc cho người quen (bà Lan nhờ lại bà Hoa). Thấy thời gian dài nhưng không có kết quả, nên ông Hoàn đến gặp bà Lan để đòi lại tiền. Bà Lan đã gọi Hoa đến gặp ông Hoàn. Hoa bảo ông Hoàn yên tâm chờ đợi.

Khi biết những người mình nhờ bà Lan xin việc, bà Lan đều nhờ lại Hoa, nên kể từ đó khi có người đến nhờ xin việc, ông Hoàn không qua bà Lan trung gian nữa mà liên hệ trực tiếp Hoa. Hoa đồng ý. Cũng như bà Lan, ông Hoàn về trao đổi lại với những người nhờ xin việc với chi phí trọn gói cao hơn để thu lợi. Tổng cộng, ông Hoàn đã nhận tiền xin việc của 23 người (nhận trực tiếp và qua trung gian) sau đó giao lại cho Hoa để nhờ Hoa xin việc và bị chiếm đoạt 1 tỷ 920 triệu đồng.

Tương tự, các ông Lê Đình Tuấn (trú tại Bình Thành, thị xã Hương Trà), Nguyễn Tấn Hùng (trú tại TP. Huế) đều là những người thông qua ông Đinh Tiên Hoàn để nhờ xin việc cho người quen của mình, nhưng không có kết quả. Tìm gặp ông Hoàn để đòi lại tiền thì biết ông Hoàn nhờ bà Lan, bà Lan lại nhờ Hoa. Với sự hứa hẹn của bà Hoa, các ông Tuấn và Hùng sau đó tiếp tục trực tiếp “làm việc” với bà này, khi có những người quen có nhu cầu xin việc làm. Hậu quả, số tiền 150 triệu đồng ông Tuấn đưa cho bà Hoa và 230 triệu đồng ông Hùng đưa cho bà Hoa đều bị chiếm đoạt.

Ngoài ra bị cáo Hoa còn trực tiếp nhận tiền từ 10 người có nhu cầu xin việc, với tổng số tiền 765 triệu đồng; chiếm đoạt số tiền này.

Tổng cộng số tiền Hoa chiếm đoạt từ 14 người nêu trên (bà Lan, ông Hoàn, ông Tuấn, ông Hùng và 10 người khác) là 7,601 tỷ đồng. Bị cáo chỉ mới trả lại cho bà Lan 255 triệu đồng; 3 nạn nhân khác tổng cộng 80 triệu đồng. Số tiền còn lại, bị cáo chưa bồi thường.

Quá trình điều tra, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh đã tiến hành điều tra, xác minh tại các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh. Kết quả, bị cáo Hoa không nộp hồ sơ xin việc cũng như không liên hệ với bất cứ người nào để xin việc cho các bị hại.

Thiệt người hại mình

Trong hơn 100 bị hại (do bà Lan, ông Hoàn, ông Tuấn, ông Hùng làm trung gian và do bị cáo Hoa trực tiếp nhận tiền) hơn 70 người đến từ nhiều địa phương trong và ngoài tỉnh (Quảng Bình, Quảng Trị) có mặt tại phiên tòa. Không khí phòng xét xử ngột ngạt bởi “đằng sau” những gương mặt ủ rũ là bao nhiêu gia đình rơi vào tình trạng lao đao. Với số tiền hơn 100 triệu đồng để xin việc, có trường hợp đến 150 triệu đồng, nhiều gia đình phải vay mượn.

Vì tin vào lời hứa hẹn không cơ sở, không những việc không có, mà những đồng tiền mồ hôi nước mắt lại tiêu tan. Những người đứng ra làm trung gian để xin việc còn đáng trách hơn, bởi vì vừa cả tin vừa hám lợi nên rơi vào tình cảnh dở khóc dở mếu, thiệt người, hại mình.

Khi bị Hoa chiếm đoạt tiền của những người nhờ mình xin việc, bà Lan đã phải bán hết tài sản nhà cửa để trả lại (nhưng cũng chỉ giải quyết được phần nào); gia đình tan nát.

Bị cáo Hoa bị tuyên phạt 17 năm tù (tổng hợp hình phạt 7 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản” do TAND tỉnh Quảng Bình tuyên phạt vào năm 2015, bị cáo Hoa phải chấp hành 24 năm tù), là sự “trả giá” nghiêm về hành vi lừa đảo. Thế nhưng, những thiệt hại của các nạn nhân, bản thân họ sẽ phải “gánh”, bởi chờ đợi sự bồi thường từ bị cáo dường như là vô vọng.

Tin những lời hứa hẹn, để từ đó dốc tiền bạc mồ hôi nước mắt hoặc phải vay mượn để xin việc, để rồi tiền mất tật mang là “bài học” đau lòng đã từng xảy ra rất nhiều, nhưng lời cảnh tỉnh cũng không bao giờ cũ. Bởi nếu không tỉnh táo, chính những nạn nhân lại tiếp tay cho loại tội phạm này có “đất sống”. Đặc biệt, là lời cảnh tỉnh nghiêm khắc đối với những người trung gian, bởi rất dễ đi qua “lằn ranh” mong manh, trở thành tội phạm.

Duy Trí

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp

Ngày 15/11, Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an TP. Huế cho biết, đơn vị đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam nhóm đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản với thủ đoạn rất tinh vi.

Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
Cảnh báo giả mạo cơ quan thuế để lừa đảo

Ngày 7/11, Cục Thuế tỉnh Thừa Thiên Huế thông tin, hiện có một số đối tượng mạo danh cơ quan thuế gửi giấy mời người nộp thuế (NNT) làm việc, kiểm tra, thanh tra… nhằm mục đích đánh cắp thông tin doanh nghiệp (DN), thông tin cá nhân phục vụ mục đích xấu.

Cảnh báo giả mạo cơ quan thuế để lừa đảo
Return to top