ClockThứ Ba, 18/08/2020 06:00

“Cầu nối” giữa người dân và chính quyền

TTH - Hỗ trợ hộ nghèo và cận nghèo; giám sát giải quyết các trường hợp vướng mắc là nỗ lực của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQVN) TP. Huế nhằm chung tay với các cấp chính quyền triển khai Dự án di dời dân cư, giải phóng mặt bằng Khu vực I Kinh thành Huế.

“Cầu nối” giữa chính quyền và người dân

Ủy ban MTTQVN TP. Huế trao tiền hỗ trợ cho các hộ nghèo, cận nghèo phường Thuận Lộc thuộc Dự án di dời dân cư, giải phóng mặt bằng Khu vực I Kinh thành Huế

Đồng hành với người dân

Nhiều năm qua, gia đình ông Hồ Văn Cự (tổ 14, phường Thuận Lộc, TP. Huế) “làm bạn” với căn nhà tạm bợ ở khu vực Thượng Thành.

Khi có thông tin gia đình thuộc Dự án di dời dân cư, giải phóng mặt bằng Khu vực I Kinh thành Huế, ông Cự băn khoăn với nhiều câu hỏi: rồi mình sẽ ở đâu, làm sao đủ tiền để xây nhà mới… Dần dà, những thắc mắc của ông Cự và nhiều hộ nghèo, cận nghèo khác được cán bộ Mặt trận về tận nơi giải đáp và tuyên truyền, vận động đồng thuận với chính sách của Nhà nước.

“Gia đình thuộc diện hộ nghèo, lại chỉ có 2 vợ chồng già sống cùng nhau nên khó có đủ tiền cất nhà mới. Được sự hỗ trợ của chính quyền, chúng tôi có thể yên tâm chuyển đến nơi ở mới”, ông Cự hồ hởi chia sẻ.

Tính đến tháng 7/2020, Ủy ban MTTQVN thành phố đã trao tiền hỗ trợ cho 27 hộ nghèo và 14 hộ cận nghèo xây dựng nhà với tổng kinh phí giải ngân hơn 1,6 tỷ đồng (tương ứng 40 triệu đồng/hộ). Ngoài ra, còn 4 trường hợp hộ nghèo, cận nghèo chưa tiến hành giải ngân bởi một số lý do khách quan.

Bà Lê Thị Hương Nga, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQVN TP. Huế cho biết, năm 2019, Mặt trận thành phố được Ban Thường vụ Thành ủy chỉ đạo, phân công nhiệm vụ về việc mở cuộc vận động giúp đỡ hộ nghèo và cận nghèo thuộc dự án Di dời dân cư, giải phóng mặt bằng Khu vực I Kinh thành thuộc Quần thể Di tích Cố đô Huế.

Qua đó, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận và Ban vận động “Quỹ vì người nghèo” thành phố đã khảo sát, thống kê, lập hồ sơ các hộ nghèo, cận nghèo trong khu vực di dời, giải tỏa của 7 phường, trong đó có 4 phường có dân trong khu vực Thượng Thành, Eo Bầu; 3 phường có dân trong khu vực Hộ Thành hào với tổng số hộ nghèo và cận nghèo là 175 hộ.

Đến thời điểm này, Ban Thường trực Ủy ban MTTQVN thành phố đã tiếp nhận các nguồn hỗ trợ với tổng kinh phí hơn 2,3 tỷ đồng và đã hỗ trợ cho các hộ nghèo, cận nghèo của khu vực dự án khi xây dựng nhà ở mỗi hộ 40 triệu đồng.

Ngoài ra, số tiền Mặt trận thành phố huy động cho dự án khoảng 507 triệu đồng đang được quản lý qua Quỹ vì người nghèo thành phố dự kiến sẽ hỗ trợ cho các hộ nghèo, cận nghèo trong dự án giai đoạn tiếp theo. Nếu kinh phí hỗ trợ xây dựng nhà ở đã đủ, ban vận động dự kiến xin ý kiến về việc hỗ trợ vốn sản xuất kinh doanh cho các hộ thuộc dự án để tìm kế sinh nhai, ổn định và phát triển kinh tế gia đình tại nơi ở mới.

Tăng cường giám sát

Nhằm đảm bảo việc giải phóng mặt bằng và đền bù của dự án được thực hiện minh bạch và công bằng, Ban Thường trực Mặt trận thành phố đã thành lập các đoàn giám sát chuyên đề; phối hợp với các ban ngành chức năng, đoàn thể thành viên triển khai các hoạt động giám sát về quy trình thực hiện dự án, việc thực hiện các khung chính sách, các chế độ liên quan; việc giải quyết đơn thư, khiếu nại, tố cáo của Nhân dân.

Thông qua hoạt động giám sát, nắm bắt tình hình, Mặt trận thành phố kịp thời có những ý kiến phản ánh, kiến nghị các vấn đề liên quan đến các chủ trương, chính sách trong tổ chức thực hiện dự án như: phản ánh của Nhân dân về thời điểm di dời; những khó khăn khi di dời hàng loạt; các chính sách thuê nhà tạm cư; nên có thiết kế mẫu nhà ở khu vực tái định cư để đảm bảo tính đồng bộ, mỹ quan và theo đúng kế hoạch; đề xuất xem xét các trường hợp đang ở hoặc thuê nhà tạm trên khu vực Thượng Thành. Qua đó, Mặt trận thành phố có những kiến nghị xem xét một số trường hợp cụ thể và đã được giải quyết.

Phía các phường cũng đã tiếp nhận 47 đơn kiến nghị liên quan đến dự án, trong đó chủ yếu việc xác định: hộ chính, hộ phụ, đề nghị cấp thêm do diện tích thu hồi lớn… Hiện, các đơn kiến nghị đã được UBND các phường tổ chức họp dân nhằm nắm tình hình liên quan và tổng hợp kiến nghị lên các cấp xem xét, giải quyết.

Ông Hoàng Viết Thắng, Chủ tịch Ủy ban MTTQVN TP. Huế cho biết, đơn vị sẽ tiếp tục triển khai các hoạt động giám sát đối với Dự án di dời dân cư, giải phóng mặt bằng Khu vực 1 di tích Kinh thành Huế; qua đó giải quyết những vướng mắc của người dân, tạo sự đồng thuận trong cả hệ thống chính trị để dự án đảm bảo đúng tiến độ.

Bài, ảnh: Minh Nguyên

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Già làng, người có uy tín - Cầu nối cho hành trình giảm nghèo

Huyện miền núi A Lưới đã vinh dự khi được công nhận thoát khỏi danh sách 74 huyện nghèo của cả nước. Đây là kết quả của sự nỗ lực bền bỉ từ chính quyền và cộng đồng, đặc biệt có vai trò của các già làng, người có uy tín (NCUT). Với tâm huyết và sự hiểu biết sâu sắc về phong tục, tập quán, họ đã trở thành cầu nối, giúp bà con dân tộc thiểu số (DTTS) vượt qua khó khăn và phát triển kinh tế bền vững.

Già làng, người có uy tín - Cầu nối cho hành trình giảm nghèo
Động lực để người dân vươn lên thoát nghèo

Với cách làm linh hoạt, hiệu quả, sát với tình hình thực tế, huyện Phú Lộc đang đưa các chính sách, mô hình thiết thực đến với hộ nghèo để giúp họ vươn lên trong cuộc sống.

Động lực để người dân vươn lên thoát nghèo
Sớm ổn định cuộc sống của người dân thuộc diện di dời, giải tỏa

Trong những lần thực tế kiểm tra các dự án giao thông trọng điểm, UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Lê Trường Lưu luôn lưu ý với các cấp ủy, chính quyền địa phương và sở, ban, ngành liên quan là tập trung giải quyết các vấn đề về dân sinh, sớm ổn định cuộc sống cho người dân trong diện phải di dời, giải tỏa.

Sớm ổn định cuộc sống của người dân thuộc diện di dời, giải tỏa
Return to top