ClockThứ Ba, 24/01/2023 08:59

Cha và con và…

Kỷ niệm 73 năm Ngày thành lập Trường Thanh niên tiền tuyến HuếCao Văn Khánh, vị tướng cách mạng người Huế lừng danh

Tôi mượn tên tiểu thuyết trên của nhà văn Nguyễn Khải để viết về cuốn “Tướng Cao Văn Khánh – Hồi ức lịch sử”, Tiến sĩ dược khoa Cao Bảo Vân viết về cha. Có nhiều người cha đáng viết, nhưng “dòng” sách này không đông và cũng ít cuốn thành công, có lẽ câu “mẹ hát con khen hay” nó ám. Đây là đầu sách rất đáng xem, hơn 800 trang sớm tái bản. Chị Bảo Vân, tất nhiên xuất phát từ cảm xúc, đã tiết chế nhiều chủ quan bộc phát để tiếp cận với phương pháp của nhà khoa học. Ở đây, người cha còn là nhân vật “ngoài gia đình”, tham dự, lăn lộn, tiếp xúc với bao sự kiện, con người làm nên lịch sử, nên cần rất nhiều tư liệu để dựng nên chân dung khách quan.

Tướng Cao Văn Khánh và vợ (Ảnh chụp năm 1955)

Hình dung là có một núi công việc: tìm nhân chứng, sách báo, chọn cách viết, kể cái gì không kể cái gì…, thật lạ là vẫn giữ được giọng văn gợi cảm. Dẫu vậy, Nhà xuất bản Tri thức vẫn phải thận trọng “Chúng tôi tôn trọng, nhưng không nhất thiết đồng tình với quan điểm, cách tiếp cận và lý giải riêng của tác giả…”; “… mong độc giả đọc cuốn sách này như một tài liệu tham khảo với tinh thần phê phán và khai phóng”.

Nghĩa là phải rón rén. Bởi vì Một nhà nghiên cứu ở Huế đã nói (với tác giả) “Tôi chịu chết không hiểu vì sao lý lịch thế này mà ông cụ nhà chị lên được chức Phó Tổng tham mưu trưởng…”. Còn những đồng đội trận mạc vào sinh ra tử với ông lại thầm nghĩ: “Tại sao một người như vậy mà ở vị trí nào cũng chỉ là Phó thôi?”. (tr. 53)

Trung tướng Cao Văn Khánh (1917 – 1980), Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam được coi là vị tướng trí thức. Nhà ông ở đường Ngự Viên – Huế, có “những khóm hoa tường vi”. Ông nội Cao Văn Nhuận dạy chữ Nho, nghiêm khắc cứng rắn. Ông ngoại gốc Quảng Trị, nơi vua Hàm Nghi trú lại năm 1885 trên đường xuất bôn từ Huế ra Tân Sở. “Cả khu vườn cau rất rộng nằm đầy lính tráng. Hai thớt voi không đưa được vào trong vườn… xích vào gốc cây cổ thụ” (tr. 42). Hai anh ông đều tham gia chính trường Việt Nam Cộng hòa, ngoài Bắc còn đồn thổi có liên quan đến tướng Cao Văn Viên “bên kia”.

Cuốn sách“Tướng Cao Văn Khánh - Hồi ức lịch sử” của tiến sĩ dược khoa Cao Bảo Vân

Học xong thành chung ở Huế, Cao Văn Khánh ra Hà Nội, theo hết tú tài thì giành học bổng toàn phần trường Luật Đông Dương rồi về lại Huế. Ký ức những người thân cho biết, Cao Văn Khánh có một tuổi trẻ rất sôi động: Giỏi thể thao, xà tạ, đua xe đạp, học quyền Anh với mệ Bửu Tuyền về “mắt sưng môi trề”, theo Tổng ủy viên hướng đạo Tạ Quang Bửu thành tráng sinh. Khi dạy tư thục Phú Xuân, Providence Thuận Hóa…, hình ảnh ông thầy khỏe mạnh trang nhã lưu lại trong mộng bao nhiêu thiếu nữ đất Thần kinh.

Vợ ông, bác sĩ Ngọc Toản xuất thân còn “phong kiến” hơn: Con gái Thượng thư Bộ Hình Tôn Thất Đàn dưới các triều Khải Định, Bảo Đại. Năm 1933, cụ Đàn được triều đình Huế cử sang Pháp thuyết phục vua Bảo Đại quay về nhiếp chính. Ngôi nhà thơ ấu của bà Toản ở Lạc Viên trang gia có “vườn cam Xã Đoài cây lùn trĩu trịt quả… nhưng không đứa trẻ nào được tự tiện hái, vì phải để cúng”.

Những kiến trúc Đông – Tây đan cài cho thấy tâm thế văn hóa một thời: Nhà thờ gia tiên mái cong cổ kính, bên kia hồ sen bách hợp là căn nhà gỗ trang nhã hai tầng kiểu Pháp. Rồi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 tác động sâu sắc đến số phận những con người. Bà Ngọc Toản nhập lớp kỹ năng sơ cứu trong chiến tranh, học băng bó, tiêm truyền, rồi nhập ngũ vào tháng 9. Bảy năm sau, đang là sinh viên y khoa kháng chiến ở Việt Bắc, bà tình cờ gặp lại người cũ. Ngày 22/5/1954, lễ cưới nổi tiếng diễn ra ở hầm De Castrie tại Điện Biên Phủ, chú rể Cao Văn Khánh, cô dâu Ngọc Toản chụp ảnh kỷ niệm trên xe tăng chiến lợi phẩm.

Mô tả cuộc đời người cha theo binh nghiệp, Bảo Vân dấn thân vào địa hạt không thể coi là quen thuộc. Lạ và cũng đáng phục, là chị lại theo hết gót chân của ông được, những sông Thao, Thượng Lào thời chống Pháp, sang chống Mỹ là Tây Nguyên, Nam Lào, mà viết không chỉ bằng lý trí. Với mẹ và gia đình ở hậu phương là thời sơ tán, những vất vả, tủi thân, mất mát xen lẫn hào hùng. Cuộc chiến dằng dặc cuối cùng cũng tạm chấm dứt. Tháng 7/1975, Cao Văn Khánh đưa người thân về lại Huế, chốn cũ Lại Thế, Ngự Viên… Sau 30 năm hoặc đã đổi chủ hoặc “sao giờ nhìn bé thế”.

Dừng lại Huế chốc lát thôi, rồi lại dấn thân. Chiến tranh vẫn đợi họ, cuộc có tên rực rỡ cuộc không lời thầm lặng. “Con sông dùng dằng con sông không chảy/ Sông chảy vào lòng nên Huế rất sâu...” biết đâu thi sĩ Thu Bồn viết câu này từ những cơn cớ tương tự…

Bài: Trần Chiến

Ảnh: Tư liệu

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Return to top