Để làm tốt công tác xây dựng Đảng, tôi thấy sự cần thiết phải làm tốt công tác tự phê bình và phê bình, thể hiện rõ trách nhiệm của người đảng viên phối hợp chặt chẽ với cấp uỷ, chính quyền địa phương và các đoàn thể vận động các thành viên trong gia đình, hội viên thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, góp phần xây dựng Đảng ta ngày càng trong sạch, vững mạnh (TS-VM).
Tuy nhiên, theo tôi, công tác kiểm tra Đảng cần phải thật nghiêm minh hơn nữa , tránh tình trạng “giơ cao đánh khẽ”, làm giảm sút lòng tin của quần chúng đối với tổ chức cơ sở Đảng nơi được kiểm tra.
Đảng ta được ví như một cơ thể sống, mỗi TCCS Đảng được coi là tế bào của cơ thể sống đó. Để Đảng mạnh khỏe, mỗi CB, ĐV trong tổ chức ấy phải mạnh, nhất là đội ngũ CB, ĐV cốt cán. TCCS Đảng mạnh là nhờ đội ngũ CB, ĐV trung thành, tận tụy với Đảng, gắn bó mật thiết với nhân dân, có năng lực thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, có khả năng xây dựng khối đoàn kết, quy tụ, tập hợp được quần chúng và tổ chức quần chúng thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ của tổ chức giao phó. Do vậy, việc đánh giá TCCS Đảng cần phải được tiến hành một cách nghiêm túc và có kiểm tra đánh giá khi phân loại, tránh tình trạng công nhận TCCS Đảng TS-VM, đảng viên xuất sắc xong rồi năm sau lại ra quyết định thu hồi như đã từng xảy ra ở một vài TCCS Đảng.
Hiện nay, công cuộc đổi mới của đất nước đang ở tầm cao hơn, đòi hỏi năng lực lãnh đạo của hạt nhân chính trị phải được đổi mới, nâng cao. Để nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của TCCS Đảng, trước hết, TCCS Đảng phải xác định đúng nhiệm vụ chính trị của mình và lãnh đạo thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ đó. Muốn xác định đúng đắn nhiệm vụ chính trị thì cấp ủy ở đó phải nắm vững đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các chủ trương, kế hoạch của cấp trên, nắm chắc đặc điểm, tình hình thực tế ở cơ sở và phải có kiến thức nhất định về các lĩnh vực của đời sống xã hội. Đồng thời, lắng nghe ý kiến của dân, bàn bạc, thảo luận một cách dân chủ trong Đảng và thường xuyên làm tốt công tác kiểm tra, giám sát. Cùng với đó, phải nâng cao chất lượng cấp ủy và đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý. Muốn làm tốt nhiệm vụ đó phải nâng cao chất lượng từng đảng ủy viên, chi ủy viên. Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ cơ sở cần coi trọng nâng cao chất lượng cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt của tổ chức Đảng, chính quyền, các đoàn thể ở cơ sở, nhất là đồng chí Bí thư cấp ủy và thủ trưởng cơ quan, đơn vị.
Ngoài ra, một yếu tố nữa cũng rất quan trọng là phải kiện toàn nâng cao chất lượng chi bộ, tăng cường công tác đảng viên. Đồng thời, phát huy vai trò của chính quyền, các đoàn thể Nhân dân tham gia đóng góp vào xây dựng TCCS Đảng TSVM. Qua phong trào cách mạng của Nhân dân, được Nhân dân đóng góp ý kiến xây dựng có thể được xem là phương thức đem lại hiệu quả cao, có tác dụng thiết thực để nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của TCCS Đảng. Vì vậy, cần phát huy vai trò của chính quyền và các đoàn thể Nhân dân tham gia vào hoạt động nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của TCCS Đảng. Tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra của cấp trên mà trước hết là cấp trên trực tiếp của tổ chức Đảng ở cơ sở giúp cơ sở sắp xếp, kiện toàn tổ chức, hướng dẫn, giúp đỡ trong việc hoàn thiện những quy định về chức năng, nhiệm vụ, quy chế hoạt động, chăm lo bồi dưỡng, đào tạo, quản lý cán bộ, xây dựng đội ngũ cán bộ kế cận, chỉ đạo, hướng dẫn cơ sở tổng kết các hoạt động, rút ra những kinh nghiệm, những bài học hay đồng thời uốn nắn những lệch lạc nếu có.
Vấn đề quan trọng nữa là cần phải phát huy tốt dân chủ trong Đảng. Mọi việc đều phải có sự bàn bạc từ trong Đảng đến quần chúng; tạo sự đồng thuận, thống nhất cao. Có như thế, tôi tin mọi việc đều có thể giải quyết tốt.