ClockThứ Bảy, 05/11/2016 14:08

Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nổi bật tuần từ 31/10 - 4/11

TTH.VN - Nâng cao hiệu quả sử dụng tài sản công; tăng cường quản lý bán hàng đa cấp; phòng ngừa, ngăn chặn các vụ cháy tại nơi có nguy cơ cháy cao; hỗ trợ phát triển KTXH vùng dân tộc thiểu số, miền núi;...là những thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nổi bật tuần từ 31/10-4/11/2016.

Phòng ngừa, ngăn chặn các vụ cháy tại nơi có nguy cơ cháy cao

Tại công điện 1926/CĐ-TTg về việc tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương huy động lực lượng, phương tiện triển khai đồng bộ các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn các vụ cháy tại nơi có nguy cơ cháy cao, như: Khu công nghiệp, chợ, trung tâm thương mại, nhà cao tầng, nhà liền kề, cơ sở kinh doanh dịch vụ giải trí…, nhất là thời điểm từ nay đến Tết Nguyên đán 2017. Nơi nào, địa phương nào để xảy ra cháy phức tạp, gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản thì thủ trưởng bộ, ngành, địa phương nơi đó chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ và trước pháp luật.

Ứng phó khẩn cấp mưa lũ tại miền Trung

Tại công điện 1925/CĐ-TTg về việc ứng phó khẩn cấp mưa lũ tại miền Trung, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố, nhất là các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, triển khai kịp thời các biện pháp ứng phó theo cấp báo động theo phương châm “bốn tại chỗ”.

Các Bộ, ngành liên quan theo chức năng và nhiệm vụ được giao chỉ đạo các đơn vị trực thuộc sẵn sàng giúp đỡ địa phương khi có yêu cầu, hỗ trợ địa phương khắc phục nhanh hậu quả mưa lũ, ổn định đời sống và phục hồi sản xuất....

Nâng cao hiệu quả sử dụng tài sản công

Tại Chỉ thị số 31/CT-TTg về tăng cường quản lý, nâng cao hiệu quả sử dụng tài sản công, Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành các quy định cụ thể về tiêu chuẩn, định mức và chế độ quản lý, sử dụng đối với tài sản công tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị theo hướng hạn chế việc trang bị bằng hiện vật, chuyển dần sang cơ chế khoán có tính chất bắt buộc, thực hiện phương thức thuê dịch vụ và Nhà nước đặt hàng; xác định cụ thể từng đối tượng được trang bị tài sản; đồng thời xác định công năng sử dụng của tài sản để trang bị cho nhiều đối tượng dùng chung phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và thực tế ở từng cơ quan, tổ chức, đơn vị, tránh lãng phí trong việc trang bị, mua sắm tài sản.

Bộ Tài chính khẩn trương trình Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung Quyết định số 32/2015/QĐ-TTg ngày 4/8/2015 của Thủ tướng Chính phủ, trong đó sửa đổi đơn giá khoán kinh phí sử dụng xe ô tô phù hợp cho từng nhóm chức danh có tiêu chuẩn sử dụng và định mức xe ô tô phục vụ công tác chung; phấn đấu đến năm 2020 giảm khoảng từ 30% - 50% số lượng xe ô tô phục vụ công tác chung đang được trang bị cho các Bộ, ngành, địa phương, trừ các đơn vị thuộc địa bàn miền núi, hải đảo, vùng đặc biệt khó khăn; đồng thời xác định lộ trình thực hiện chế độ khoán kinh phí sử dụng xe ô tô áp dụng đối với chức danh thứ trưởng và tương đương, xe ô tô phục vụ công tác chung.

Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10/2016

Bảo đảm ổn định tỷ giá và thanh khoản của hệ thống ngân hàng; không tăng giá điện, giá dịch vụ y tế 2 tháng còn lại năm 2016; tiếp tục giảm phí BOT tối thiểu ở 19 trạm thu phí; xử lý nghiêm tình trạng lạm dụng, trục lợi bảo hiểm y tế... là những nội dung quan trọng tại Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10/2016.

Tăng cường quản lý bán hàng đa cấp

Tại Chỉ thị 30/CT-TTg về việc tăng cường quản lý nhà nước đối với hoạt động bán hàng đa cấp, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm theo quy định các doanh nghiệp kinh doanh theo phương thức đa cấp chưa được cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp; thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm (nếu có) về việc đáp ứng điều kiện kinh doanh các mặt hàng của doanh nghiệp đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp thuộc thẩm quyền quản lý do pháp luật quy định; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm, các hoạt động khuyến mại, quảng cáo, hội nghị, hội thảo, tuyên truyền về các sản phẩm được phép kinh doanh theo phương thức đa cấp thuộc phạm vi thẩm quyền do pháp luật quy định.

Phạt nặng hành vi làm giả tài liệu trong hồ sơ chào bán cổ phiếu riêng lẻ

Theo Nghị định 145/2016/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 108/2013/NĐ-CP ngày 23/9/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán, thị trường chứng khoán, bổ sung quy định phạt tiền từ 400 - 700 triệu động đối với hành vi làm giả tài liệu trong hồ sơ chào bán cổ phiếu riêng lẻ mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Tăng phí dịch vụ môi trường rừng

Theo Nghị định số 147/2016/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 99/2010/NĐ-CP ngày 24/9/2010 của Chính phủ về chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR), mức chi trả tiền DVMTR đối với cơ sở sản xuất thủy điện tăng từ 20 đồng/kwh lên 36 đồng/kwh và cơ sở sản xuất nước sạch từ 40 đồng/m3 lên 52 đồng/m3.

Phải niêm yết giá dịch vụ vận chuyển hàng hóa công-te-nơ bằng đường biển

Theo Nghị định quy định việc niêm yết giá, phụ thu ngoài giá dịch vụ vận chuyển hàng hóa công-te-nơ bằng đường biển, giá dịch vụ tại cảng biển, nội dung niêm yết giá vận chuyển bằng đường biển, phụ thu gồm: Điểm đi và điểm đến của tuyến vận tải; danh mục và mức giá dịch vụ vận chuyển bằng đường biển, phụ thu tương ứng với tuyến đường vận chuyển và loại hàng hóa được vận chuyển; mức giá niêm yết đã bao gồm giá dịch vụ liên quan phát sinh và các loại thuế, phí và lệ phí (nếu có); thông tin doanh nghiệp kinh doanh vận tải biển hoặc đại lý, doanh nghiệp được ủy quyền niêm yết, gồm: Tên doanh nghiệp, địa chỉ giao dịch, số điện thoại, số fax, địa chỉ trang thông tin điện tử của doanh nghiệp.

Nội dung niêm yết giá dịch vụ tại cảng biển gồm thông tin doanh nghiệp cảng biển (Tên doanh nghiệp, địa chỉ giao dịch, số điện thoại, số fax, địa chỉ trang thông tin điện tử của doanh nghiệp); biểu giá dịch vụ tại cảng của doanh nghiệp đã thực hiện kê khai giá với cơ quan có thẩm quyền theo quy định.

Hỗ trợ sau đầu tư cho chủ tàu đóng mới tàu

Theo Quyết định 47/2016/QĐ-TTg quy định thí điểm cơ chế hỗ trợ một lần sau đầu tư cho chủ tàu đóng mới tàu theo quy định tại Nghị định số 89/2015/NĐ-CP ngày 7/10/2015 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 67/2014/NĐ-CP ngày 7/7/2014 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản, đối tượng được hỗ trợ sau đầu tư là tổ chức, cá nhân (chủ tàu) đặt hàng đóng mới và sở hữu tàu khai thác hải sản xa bờ và tàu dịch vụ hậu cần khai thác hải sản xa bờ có tổng công suất máy chính từ 800 CV trở lên.

Bảo vệ, phát triển rừng sản xuất

Quy chế quản lý rừng sản xuất đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành. Quy chế này quy định việc tổ chức quản lý, bảo vệ, phát triển và sử dụng rừng sản xuất bao gồm diện tích có rừng và diện tích chưa có rừng được Nhà nước giao, cho thuê hoặc quy hoạch lâm nghiệp.

Phân bổ chỉ tiêu sử dụng đất cấp quốc gia

Thủ tướng Chính phủ  phân bổ chỉ tiêu sử dụng đất cấp quốc gia cho các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Bộ Quốc phòng và Bộ Công an. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương lập điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016-2020) trình Chính phủ phê duyệt theo đúng quy định của pháp luật về đất đai và đảm bảo các chỉ tiêu sử dụng đất cấp quốc gia đã được phân bổ.

Hỗ trợ phát triển KTXH vùng dân tộc thiểu số, miền núi

Chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2017 - 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trong đó hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, hỗ trợ vay vốn tín dụng ưu đãi.

Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt Đề án hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội các dân tộc thiểu số rất ít người giai đoạn 2016 - 2025. Đề án hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội các dân tộc thiểu số rất ít người giai đoạn 2016 - 2025 được thực hiện tại 194 thôn, bản sinh sống tập trung các dân tộc thiểu số rất ít người trên địa bàn 93 xã thuộc 37 huyện của các tỉnh Cao Bằng, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái, Tuyên Quang, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình và Kon Tum.

Khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân, Khung trình độ quốc gia Việt Nam

Quyết định số 1981/QĐ-TTg phê duyệt Khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân, Khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân gồm giáo dục chính quy và giáo dục thường xuyên.

Các cấp học và trình độ đào tạo của hệ thống giáo dục quốc dân bao gồm: Giáo dục mầm non gồm giáo dục nhà trẻ và giáo dục mẫu giáo; Giáo dục phổ thông gồm giáo dục tiểu học, giáo dục trung học cơ sở và giáo dục trung học phổ thông; Giáo dục nghề nghiệp đào tạo các trình độ sơ cấp, trung cấp và cao đẳng; Giáo dục đại học đào tạo các trình độ đại học, thạc sĩ và tiến sĩ.

Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt Khung trình độ quốc gia Việt Nam với cấu trúc gồm 8 bậc trình độ: Bậc 1- Sơ cấp I; Bậc 2 - Sơ cấp II; Bậc 3 - Sơ cấp III, Bậc 4 - Trung cấp; Bậc 5 - Cao đẳng; Bậc 6 - Đại học; Bậc 7 - Thạc sĩ; Bậc 8 - Tiến sĩ.

Xử lý nghiêm việc đưa tin thiếu trung thực về chất lượng nước mắm

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ Thông tin và Truyền thông xử lý nghiêm cơ quan báo chí (tập thể và cá nhân) đưa thông tin thiếu trung thực về chất lượng nước mắm, gây ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất kinh doanh và đời sống xã hội.

Cuối năm sẽ hoàn thành bồi thường thiệt hại do sự cố môi trường biển

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương liên quan tập trung chi trả tiền bồi thường thiệt hại do sự cố môi trường biển tại một số tỉnh miền Trung bảo đảm đúng đối tượng, sát thực tế, công khai, minh bạch, xem đây là nhiệm vụ trọng tâm; phấn đấu hoàn thành chi trả tiền bồi thường cho nhân dân trước khi kết thúc năm 2016.

Kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ - Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá yêu cầu công tác điều hành giá trong những tháng cuối năm cần tiếp tục được thực hiện một cách thận trọng, chặt chẽ, quyết liệt để kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra.

Theo VPCP

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Công bố 10 sự kiện nổi bật ngành tài nguyên và môi trường năm 2024

Ngày 21/12, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã công bố các sự kiện ngành tài nguyên và môi trường năm 2024. Các sự kiện của ngành tài nguyên và môi trường năm 2024 đã phản ánh, đề cập đến những vấn đề nóng, nổi bật, những thành tựu trong công tác hoàn thiện thể chế, chính sách, quản lý tài nguyên, môi trường, đa dạng sinh học..., để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội của đất nước bền vững. Dưới đây là 10 sự kiện nổi bật ngành tài nguyên và môi trường năm 2024:

Công bố 10 sự kiện nổi bật ngành tài nguyên và môi trường năm 2024
Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị tổng kết công tác đầu tư xây dựng các Dự án Đường dây 500kV mạch 3

Sáng 8/12, tại Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị tổng kết công tác đầu tư xây dựng các Dự án Đường dây 500kV mạch 3 từ Quảng Trạch (Quảng Bình) đến Phố Nối (Hưng Yên). Cùng dự có đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương. Buổi lễ được truyền trực tuyến tới điểm cầu trụ sở Ủy ban nhân dân 9 tỉnh có Dự án đi qua.

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị tổng kết công tác đầu tư xây dựng các Dự án Đường dây 500kV mạch 3
Return to top