So với những năm trước đây, tỉ lệ lao động trở lại làm việc sau Tết này cao hơn từ 4 đến 6%. Đó là nhờ hiệu quả từ các giải pháp giữ chân người lao động của doanh nghiệp.
Tại Công ty Trách nhiệm hữu hạn Mabuchi Motor Việt Nam, 100% vốn đầu tư Nhật Bản, ở Khu công nghiệp Biên Hòa 2, thành phố Biên Hòa, gần như toàn bộ hơn 4.000 công nhân của công ty đã trở lại và bắt tay vào làm việc bình thường. Nhờ có chế độ lương, thưởng tốt trước và sau Tết nên kết thúc kỳ nghỉ, công nhân đi làm lại theo đúng lịch đã thông báo.
Tỷ lệ công nhân đi làm sau tết đông là nhờ hiệu quả từ các giải pháp giữ chân người lao động của doanh nghiệp. (ảnh minh họa, nguồn: Báo ĐN)
Ông Phạm Hoàng Đức Nam, Phó Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Mabuchi Motor Việt Nam nói: “Trước tết, chúng tôi công bố tiền thưởng cho nhân viên để họ yên tâm về quê ăn Tết. Trung bình thưởng của nhân viên năm nay khoảng 2,3 tháng lương. Trước Tết công ty đã tổ chức một buổi rút thăm trúng thưởng, sau Tết công ty có tổ chức phát lì xì cho nhân viên”.
Tương tự, tại nhiều doanh nghiệp ở Đồng Nai, trong đó có những doanh nghiệp có hàng chục nghìn công nhân, tỉ lệ trở lại làm việc sau Tết đều rất cao, từ 95 đến 99%.
Theo đánh giá của các ngành chức năng, đây là kết quả từ các giải pháp tích cực nhằm giữ chân lao động của chủ sử dụng lao động, nhất là việc đảm bảo chế độ lương, thưởng đầy đủ. Nhiều doanh nghiệp đã hỗ trợ vé xe cho công nhân các tỉnh xa về quê ăn Tết hay có tiền lì xì cho công nhân trong ngày làm việc đầu năm, khiến cho công nhân cảm thấy ấm lòng.
Chị Nguyễn Thị Vân, quê Bắc Giang, công nhân công ty PouSung, KCN Bàu Xéo, huyện Trảng Bom nói: “Trước Tết, chúng em đi làm có thưởng. Sau khi đi làm trở lại, công ty đã lì xì cho chúng em nên cảm thấy muốn gắn bó lâu dài với công ty”.
Theo Ban quản lý các KCN Đồng Nai, nhìn chung những năm gần đây, tỉ lệ công nhân làm việc trở lại sau Tết đều rất cao, ít xảy ra tình trạng thiếu hụt lao động do tự ý bỏ việc hay nhảy việc. Điều đó cũng cho thấy ý thức của chính công nhân lao động cũng đã được cải thiện.
Ông Phạm Văn Cường, Phó trưởng Ban quản lý các KCN Đồng Nai cho rằng, sự hài hòa trong lợi ích của người lao động và người sử dụng lao động là mấu chốt.
Ông Cường nói: “Đối với các doanh nghiệp, sau thời gian dài đầu tư cũng nắm được tâm lý của người lao động. Cùng với các chính sách của nhà nước, cơ quan xây dựng chính sách quan hệ hài hòa. Những chính sách này dẫn đến chỗ là người lao động được chăm lo nên sẽ gắn bó lâu dài với doanh nghiệp”.
Đồng Nai hiện có khoảng hơn 900.000 công nhân lao động với hơn một nửa là người nhập cư. Những năm về trước, tình trạng nhiều lao động nghỉ Tết xong cũng nghỉ việc hoặc nhảy việc đã tác động xấu tới tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp cũng như ảnh hưởng chung tới môi trường đầu tư của tỉnh này. Năm nay, doanh nghiệp đã không còn phải quá lo lắng vì thiếu hụt lao động sau kỳ nghỉ Tết dài ngày, yên tâm ổn định và mở rộng sản xuất.
Dù vậy, Sở Lao động– Thương binh và Xã hội Đồng Nai cho biết do yêu cầu sản xuất, đến tháng 3/2017, các doanh nghiệp cần tuyển dụng thêm 30.000 lao động mới.
Tính cả năm 2017, số lao động mà doanh nghiệp dự kiến cần tuyển thêm khoảng gần 80.000 người. Ý thức trở lại lao động theo đúng tiến độ, hạn chế nhảy việc của người lao động cũng là yếu tố khiến doanh nghiệp yên tâm khi tuyển dụng.
Theo VOV