ClockThứ Năm, 31/01/2019 15:06

Chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 2

Lấy ý kiến trẻ em khi xây dựng văn bản liên quan, chi không quá 200 triệu mua tin thuốc lá lậu, lộ trình đổi thẻ ATM sang thẻ chip... là những chính sách có hiệu lực từ tháng 2.

Thông tư 122/2018/TT-BTC của Bộ Tài chính có hiệu lực từ ngày 1/2 hướng dẫn việc quản lý, sử dụng số tiền thu được từ hoạt động bán đấu giá thuốc lá ngoại nhập lậu bị tịch thu đảm bảo chất lượng để xuất khẩu ra nước ngoài.

 

Thông tư nêu rõ nội dung chi phí liên quan đến bán đấu giá thuốc lá ngoại nhập lậu bị tịch thu gồm: Chi phí kiểm nghiệm, giám định chất lượng; chi phí vận chuyển, giao nhận, bảo quản từ khi có quyết định tạm giữ hoặc tịch thu đến khi hoàn thành việc bán đấu giá; thù lao dịch vụ đấu giá...

 

Ngoài ra, tiền có được từ đấu giá sẽ chi cho các khoản sau: Mua tin thuốc lá nhập lậu tối đa không quá 200 triệu đồng/vụ việc; chi xăng dầu cho phương tiện để kiểm tra, bắt giữ đối tượng và tang vật vi phạm; bồi dưỡng làm đêm, làm thêm giờ cho cán bộ, công chức…

Trong thời hạn 3 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được số tiền thu được do đấu giá thì cơ quan, đơn vị được giao tổ chức bán đấu giá có trách nhiệm nộp toàn bộ số tiền vào tài khoản tạm giữ tại Kho bạc Nhà nước.

Được chi không quá 200 triệu đồng cho việc mua tin về thuốc lá nhập lậu. Ảnh minh họa: Tiến Tầm.

Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nộp tiền vào tài khoản tạm giữ, cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ chủ trì tổ chức bán đấu giá thuốc lá ngoại nhập lậu bị tịch thu lập 1 bộ hồ sơ đề nghị thanh toán gửi chủ tài khoản tạm giữ để chi trả chi phí quy định.

Người đứng đầu cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ chủ trì tổ chức bán đấu giá chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác của khoản chi đề nghị thanh toán. Các khoản chi phải có chứng từ hợp lý, hợp lệ theo quy định. Thông tư này có hiệu lực đến hết ngày 15/6/2020.

Quy định mới về thời gian tập sự của giáo viên

Từ ngày 8/2, thời gian tập sự theo chức danh nghề nghiệp giáo viên, giảng viên trong các cơ sở giáo dục công lập được thực hiện theo quy định tại Thông tư 31/2018/TT-BGDĐT do Bộ GG&ĐT mới ban hành.

Theo đó, để được bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp giáo viên/giảng viên, người trúng tuyển phải thực hiện thời gian tập sự trong các trường hợp cụ thể như sau:

Tuyển dụng vào chức danh nghề nghiệp giảng viên hạng III, giáo viên THPT hạng III, giáo viên dự bị đại học hạng III phải thực hiện thời gian tập sự 12 tháng (quy định hiện hành giáo viên THPT chỉ cần tập sự 9 tháng).

Tuyển dụng vào chức danh giáo viên THCS hạng III phải thực hiện thời gian tập sự 9 tháng.

Tuyển dụng vào chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non hạng IV, giáo viên tiểu học hạng IV phải thực hiện thời gian tập sự 6 tháng.

Thời gian tập sự trên áp dụng kể từ ngày 15/1/2019. Những trường hợp tuyển dụng trước ngày 15/1/2019 thì thực hiện theo quy định tại Thông tư 05/2016/TT-BGDĐT ngày 21/3/2016.

Điều kiện xe quân sự khi tham gia giao thông

Bộ Quốc phòng ra Thông tư số 172/2018/TT-BQP sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 102/2016/TT-BQP quy định về đăng ký, quản lý, sử dụng xe cơ giới trong Bộ Quốc phòng.

Thông tư về quy định về quản lý, sử dụng xe quân sự có hiệu lực từ 10/2. Ảnh: Thái Linh.

Đáng chú ý, xe quân sự khi tham gia giao thông phải bảo đảm đầy đủ các quy định như sau: Biển số đăng ký; chứng nhận đăng ký; tem kiểm định còn hiệu lực dán trên kính chắn gió; hệ thống số phụ; giấy công tác xe...

Xe quân sự phục vụ lãnh đạo Đảng, Nhà nước phải đáp ứng điều kiện: Biển số đăng ký; chứng nhận đăng ký theo quy định; giấy tờ khác theo quy định của pháp luật.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10/2.

Quản lý tiền mặt, tài sản tạm gửi tại kho bạc

Việc quản lý đối với tiền mặt, giấy tờ có giá, tài sản quý tạm gửi, tạm giữ do Kho bạc Nhà nước (KBNN) nhận bảo quản được thực hiện theo quy định tại Thông tư 135/2018/TT-BTC của Bộ Tài chính.

Thông tư quy định KBNN nhận bảo quản tài sản theo hòm, túi, gói được niêm phong của đơn vị gửi tài sản; trên niêm phong đóng dấu của đơn vị gửi, chữ ký của người niêm phong.

Trường hợp đơn vị gửi tài sản bảo quản là tiền mặt hoặc ngoại tệ tiền mặt vào tài khoản tạm giữ chờ xử lý của đơn vị thực hiện như sau: Đối với tiền mặt nộp tại KBNN, KBNN phải kiểm đếm xác định giá trị tài sản và hạch toán vào tài khoản tạm giữ chờ xử lý của đơn vị tại KBNN.

Quy định mới về việc quản lý tiền mặt, tài sản tạm gửi. Ảnh: TCB.

Đối với tiền mặt và ngoại tệ tiền mặt (các loại ngoại tệ mà KBNN có tài khoản thanh toán bằng ngoại tệ tại ngân hàng) nộp tại ngân hàng, đơn vị nộp trực tiếp tại ngân hàng thương mại để chuyển vào tài khoản của KBNN.

Thông tư cũng quy định, KBNN phải có trách nhiệm mở các loại sổ để ghi chép, theo dõi từng lần nhập, xuất tài sản. Cán bộ KBNN phải hướng dẫn thủ tục, tạo điều kiện thuận lợi cho bên gửi đến giao và nhận lại tài sản.

Nếu, KBNN phát hiện mất tài sản của đơn vị gửi tài sản tại KBNN thì KBNN nơi để mất tài sản phải báo ngay cho cho cơ quan chức năng và đơn vị gửi tài sản để phối hợp giải quyết.

Trường hợp bên gửi phát hiện mất hồ sơ tài sản gửi bảo quản phải báo ngay cho KBNN bằng văn bản để phối hợp ngăn ngừa kẻ gian lấy tài sản.

Thông tư có hiệu lực thi hành từ ngày 15/2.

Phải lấy ý kiến trẻ em khi xây dựng văn bản liên quan

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội vừa ban hành Thông tư 36/2018/TT-BLĐTBXH hướng dẫn thực hiện lấy ý kiến của trẻ em trong quá trình xây dựng chương trình, chính sách, văn bản quy phạm pháp luật, quyết định, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội về trẻ em hoặc liên quan đến trẻ em.

Theo đó, cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản, tổ chức đại diện tiếng nói, nguyện vọng của trẻ em, Hội bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam (cơ quan, tổ chức lấy ý kiến của trẻ em) chủ động tổ chức thực hiện việc lấy ý kiến của trẻ em trên cơ sở sự tham gia tự nguyện của trẻ em.

Đồng thời cung cấp đầy đủ thông tin cho trẻ em; nội dung, hình thức lấy ý kiến phải phù hợp với độ tuổi, giới tính, dân tộc, hoàn cảnh, mức độ trưởng thành sự phát triển của trẻ em.

Phải lấy ý kiến trẻ em khi xây dựng văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến trẻ em.

Các cơ qua trên phải tạo môi trường an toàn, thân thiện, bình đẳng, không phân biệt đối xử, không trù dập, kỳ thị khi trẻ em bày tỏ hoặc không bày tỏ ý kiến; bảo đảm bí mật đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em tham gia lấy ý kiến.

Thông tư cũng nêu rõ, ý kiến, nguyện vọng của trẻ em, ý kiến của Tổ chức đại diện tiếng nói, nguyện vọng của trẻ em và Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam phải được cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản tôn trọng, lắng nghe, tiếp thu, phản hồi đầy đủ, kịp thời, khách quan, trung thực và sử dụng đúng mục đích.

Người thực hiện lấy ý kiến của trẻ em phải có kiến thức, thái độ thân thiện, kỹ năng phù hợp để làm việc với trẻ em. Việc lấy ý kiến của trẻ em trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về trẻ em hoặc liên quan đến trẻ em thực hiện theo quy định.

Trong quá trình tổ chức lấy ý kiến của trẻ em phải bảo đảm việc kịp thời cung cấp, giải thích thông tin, hỗ trợ cho trẻ em.

Thông tư cũng có hiệu lực từ ngày 15/2.

Lộ trình chuyển đổi thẻ ATM sang thẻ chip

Quy định này được bổ sung tại Thông tư 41/2018/TT-NHNN sửa đổi Thông tư 19/2016/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước về hoạt động thẻ ngân hàng.

Đến 31/12/2020, 100% thẻ ATM sẽ chuyển sang thẻ chip nội địa. Ảnh: D.T

Lộ trình chuyển đổi được quy định như sau: Đến 31/12/2019, ít nhất 35% ATM, 50% thiết bị chấp nhận thẻ tại điểm bán tuân thủ tiêu chuẩn cơ sở về thẻ chip nội địa.

Đến 31/12/2020, 100% ATM và thiết bị chấp nhận thẻ tại điểm bán tuân thủ tiêu chuẩn cơ sở về thẻ chip nội địa.

Trong thời gian chuyển đổi, tổ chức phát hành thẻ và tổ chức thanh toán thẻ phải đảm bảo hoạt động thẻ diễn ra liên tục, ổn định, an toàn và bảo đảm quyền lợi hợp pháp của chủ thẻ.

Thông tư có hiệu lực từ ngày 18/2.

Theo zing.vn

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Cần tháo gỡ các nút thắt về vốn cho hoạt động tín dụng chính sách

Ngày 25/10, Đoàn công tác của Hội đồng quản trị (HĐQT) Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) Việt Nam do ông Ngô Văn Cương, thành viên HĐQT NHCSXH Việt Nam làm Trưởng đoàn đã có buổi kiểm tra, giám sát đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh.

Cần tháo gỡ các nút thắt về vốn cho hoạt động tín dụng chính sách
“Điểm tựa” vốn vay chính sách

“Biết ơn sự quan tâm của chính quyền địa phương và Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Phú Vang, gia đình tôi đã sử dụng vốn vay thật hiệu quả để phát triển kinh tế, thay đổi cuộc sống” - chị Nguyễn Thị Thảo (thôn Xuân Ổ, xã Phú Xuân, huyện Phú Vang) chia sẻ.

“Điểm tựa” vốn vay chính sách
Return to top