ClockThứ Năm, 12/05/2022 07:30

Chống tham nhũng trong doanh nghiệp ngoài Nhà nước

TTH - Đã có sự ngộ nhận sai lầm về doanh nghiệp ngoài Nhà nước (DNNNN) khi họ sử dụng vốn kinh doanh của mình nên không có tham nhũng. Thực tế, bên cạnh nhiều doanh nghiệp kinh doanh đúng pháp luật vẫn có một số ông chủ không thiếu những chiêu trò làm ăn phi pháp, tham nhũng, tiêu cực.

Bộ Chính trị chỉ đạo xử lý dứt điểm các vụ án tham nhũng, tiêu cựcKiên quyết xử lý cán bộ, công chức vi phạm, tham nhũng, tiêu cực

Phiên họp của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Ảnh: TTXVN

Công ty Nhật Cường trong vụ án liên quan đến ông Nguyễn Đức Chung - cựu Chủ tịch UBND Hà Nội là một ví dụ. Ngoài ra, những doanh nghiệp liên quan đến dịch vụ, môi giới đều có “mối quan hệ” với các chủ đầu tư là cơ quan quản lý Nhà nước. Mới đây, Công ty cổ phần Việt Á “móc” được với các cơ quan khoa học, y tế để biến tướng trục lợi khủng từ test COVID-19 là một điển hình.

Phải nhìn nhận thực tế, doanh nghiệp tư nhân là những chủ thể làm ra một khối tài sản lớn, đóng góp nhiều cho ngân sách Nhà nước. Nhiều ông chủ có tâm, có trách nhiệm đã đóng góp tích cực cho phúc lợi xã hội, làm từ thiện, góp phần xã hội hóa, giảm chi cho ngân sách Nhà nước. Nhưng cũng có không ít doanh nghiệp đang “sống bám” vào cơ chế, nói cách khác là dựa vào Nhà nước để làm ăn, làm “bệ đỡ” trong kinh doanh.

Nhiều doanh nghiệp lợi dụng vào chính sách, quy định còn sơ hở để trốn thuế, không chấp hành đúng nghĩa vụ với Nhà nước, vi phạm pháp luật. Tập đoàn Tân Hoàng Minh hay tập đoàn FLC đã thao túng thị trường chứng khoán, thị trường bất động sản cũng từ nguyên nhân như vậy. Không có lý gì chỉ với một vài thương vụ, trong thời gian ngắn họ đã thu về lợi nhuận hàng trăm, thậm chí hàng ngàn tỷ đồng. Những doanh nghiệp trong lĩnh vực xây dựng, cầu đường, vận tải... chủ yếu là tìm được đối tác, ký kết hợp đồng làm các công trình do Nhà nước làm chủ đầu tư, dựa vào đó để rút được ngân sách, lợi dụng quay vòng đồng vốn. Nguồn ngân sách Nhà nước chuyển vào cho các loại hình doanh nghiệp là rất lớn, nếu không ràng buộc chặt chẽ thì thất thoát, tham nhũng là khó tránh khỏi. Lâu nay, những vấn đề liên quan đến tiêu cực chính là từ những thỏa thuận, ăn chia lợi nhuận, trích lại quả, hoa hồng... sau “hậu trường” của những hợp đồng dạng này.

Kết luận 12-KL/TW ngày 6/4/2022 của Bộ chính trị về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực” nêu rõ: “Từng bước mở rộng phạm vi phòng, chống tham nhũng ra khu vực ngoài Nhà nước”. Chủ trương của Đảng là đúng đắn, tuy có chậm nhưng là việc làm cần thiết để hạn chế sơ hở, tồn tại từ phía Nhà nước trong phòng, chống tiêu cực, vi phạm pháp luật.

Xét về mặt chủ thể thì DNNNN có đủ tư cách pháp nhân như các thành phần kinh tế khác, có chăng là tự chủ kinh doanh, được hưởng lợi riêng. Mặt khác, cần phải thấy được tài sản là vật chất của xã hội, không ai được quyền sở hữu nếu không phải do làm ăn hợp pháp.

Những doanh nghiệp sở hữu số vốn lớn, có ảnh hưởng ổn định cấp vĩ mô, nếu thua lỗ, phá sản hoặc làm ăn phi pháp không những ảnh hưởng kinh tế mà còn ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, trật tự xã hội.

Mới chỉ một số doanh nghiệp thao túng chứng khoán, bất động sản như vừa qua đã ảnh hưởng không nhỏ đến thị trường cổ phiếu, giá bất động sản. Nếu để xảy ra tràn lan khó tránh khỏi đổ vỡ theo "hiệu ứng đôminô". Từ đó xác định trách nhiệm quản lý Nhà nước, quản lý bằng pháp luật với DNNNN, tạo điều kiện cho doanh nghiệp kinh doanh đúng pháp luật là yêu cầu cần thiết. Những xử lý quyết liệt, mạnh mẽ như vừa qua đối với số doanh nghiệp vi phạm là tiền đề cho Đảng, Nhà nước đưa các loại DNNNN nói chung đi vào quỹ đạo quản lý.

Rút kinh nghiệm từ những tồn tại trong cơ chế hiện nay, để hoàn thiện quản lý ở vĩ mô đến cơ sở, phương châm đặt ra phải thông thoáng, vừa chống tham nhũng, tiêu cực, vừa tạo môi trường bình đẳng giữa DNNNN với các thành phần kinh tế. Mặt khác, phải chuyển đổi tâm thế của cán bộ quản lý, đảm bảo hiệu quả, chống nhũng nhiễu, “sân sau”, “rửa tiền”, “đầu tư biến tướng”, bắt tay ăn chia lợi nhuận... Hoạt động của doanh nghiệp lợi dụng làm ăn phi pháp dù khôn khéo, tinh vi nhưng nếu cơ chế chặt chẽ, cán bộ công tâm thì khó bề thao túng. Như chỉ đạo tại Hội nghị phát triển thị trường vốn ngày 22/4/2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ: “Không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, có chính sách hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp tuân thủ Hiến pháp, pháp luật, làm ăn hiệu quả, chính đáng, minh bạch”. Quan điểm đó cũng có nghĩa là xác định trách nhiệm quản lý của Nhà nước nhằm hạn chế, xóa bỏ tiêu cực, tạo điều kiện kinh doanh tốt nhất cho mọi thành phần kinh tế.

Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong doanh nghiệp Nhà nước đã khó, với DNNNN còn phức tạp gấp bội lần. Dù khó nhưng không thể không chủ động kiểm soát nhằm từng bước lành mạnh, thúc đẩy các thành phần kinh tế, góp phần quan trọng cho phát triển đất nước.

NGUYỄN AN HÒA

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Học giả Trung Quốc: Bài viết của Tổng Bí thư Tô Lâm thể hiện lập trường kiên định về chống lãng phí, chống tham nhũng

Bài viết với nhan đề "Chống lãng phí" của Tổng Bí thư Tô Lâm được đăng tải rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng trong và ngoài nước là một thông điệp hết sức kịp thời, thể hiện lập trường kiên định của lãnh đạo Việt Nam trong vấn đề phòng chống tham nhũng, chống lãng phí.

Học giả Trung Quốc Bài viết của Tổng Bí thư Tô Lâm thể hiện lập trường kiên định về chống lãng phí, chống tham nhũng
Khởi tố vụ án tham nhũng tại Chi cục Thủy sản tỉnh Thừa Thiên Huế

Ngày 3/10, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh cho biết, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh vừa ra quyết định khởi tố vụ án hình sự “Nhận hối lộ” xảy ra tại Chi cục Thủy sản tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2019 - 2022; khởi tố bị can và áp dụng các biện pháp ngăn chặn “Bắt bị can để tạm giam”, “khám xét” đối với 5 đối tượng về hành vi “Nhận hối lộ” quy định tại khoản 2, điều 354 Bộ luật hình sự.

Khởi tố vụ án tham nhũng tại Chi cục Thủy sản tỉnh Thừa Thiên Huế

TIN MỚI

Return to top