ClockThứ Năm, 03/08/2023 06:50

Chủ tịch Quốc hội chủ trì cuộc làm việc cho ý kiến về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)

Chiều 2/8, tại Nhà Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì cuộc làm việc cho ý kiến vào công tác tiếp thu, giải trình, chỉnh lý và một số nội dung lớn của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Các Phó Chủ tịch Quốc hội: Nguyễn Khắc Định, Nguyễn Đức Hải, Thượng tướng Trần Quang Phương đồng chủ trì cuộc làm việc. 

Báo cáo của Cơ quan thẩm tra cho biết, đến nay, vẫn có 12 nội dung lớn trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) còn ý kiến khác nhau như: Phân loại đất, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, tiêu chí thu hồi và đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án nhà ở thương mại, công trình thương mại, công trình dịch vụ, khu vui chơi, giải trí, tổ hợp đa năng để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng.

Bên cạnh đó là các vấn đề lớn như áp dụng phương pháp thặng dư để định giá đất hay mức phân bổ tối thiểu 10% nguồn thu từ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất hằng năm của địa phương cho Quỹ phát triển đất.

Tại cuộc làm việc, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà và Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh, lãnh đạo Bộ Tài chính đã thông tin về những vấn đề Chủ tịch Quốc hội gợi mở về những nội dung còn có ý kiến khác nhau giữa ban soạn thảo và cơ quan thẩm tra dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ ghi nhận, cảm ơn ý kiến của các đại biểu; đánh giá cao Thường trực Ủy ban Kinh tế đã tích cực, chủ động phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, các cơ quan, tổ chức hữu quan trong tiếp thu, chỉnh lý dự án luật; tổ chức thêm một số cuộc hội thảo ở cả Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.

“Đến thời điểm này, sau khi tiếp thu ý kiến đóng góp của nhân dân, của đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5, chất lượng dự án luật đã được nâng cao một bước”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Chủ tịch Quốc hội lưu ý, đến nay, dự án Luật Đất đai (sửa đổi) vẫn còn những vấn đề có ý kiến khác nhau, phải đưa ra các phương án. Ngay cả các vấn đề đã chốt phương án nhưng vẫn còn ý kiến khác nhau. “Những vấn đề còn lại đều là những vấn đề lớn, khó, then chốt, đòi hỏi Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội phải tiếp tục nỗ lực không ngừng nghỉ để có dự án luật tốt nhất”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh tinh thần chung là phải bám sát, thể chế hóa đầy đủ nội dung của Nghị quyết 18-NQ/TW, ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao. Đồng thời, phải bám sát các quan điểm, nguyên tắc trong các thông báo kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để tiếp tục hoàn thiện dự án luật.

Chủ tịch Quốc hội nêu ví dụ về các vấn đề thu hồi đất sau khi bố trí xong tái định cư; chính sách bảo đảm đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số nhưng phải ngăn ngừa việc chuyển nhượng đất sau khi được giao đất lần hai; về điều kiện chuyển nhượng đất trồng lúa với hàm ý cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp khi nhận chuyển nhượng phải thành lập tổ chức kinh tế và có phương án sử dụng đất trồng lúa đúng mục đích, hạn chế tình trạng đầu cơ, thu gom đất trồng lúa; phân quyền cho địa phương quyết định chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa trên nguyên tắc rất thận trọng; vấn đề thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng; phải quy định về giá đất, phương pháp tính giá đất trong luật; về hoạt động lấn biển…

Chủ tịch Quốc hội lưu ý thêm về những vấn đề rất khó như: đất ở, thuê đất làm nhà ở cần phải có sự thống nhất với Luật Nhà ở; về nộp tiền một lần và thu tiền đất hằng năm bảo đảm tính khả thi và bảo đảm phương án tài chính của Chủ đầu tư; các trường hợp nào đấu thầu, trường hợp nào đấu giá; vấn đề thu hồi đất và tiếp tục áp dụng trường hợp thỏa thuận; vấn đề phát triển cơ sở dữ liệu thông tin đất đai, thủ tục hành chính về đất đai; nghiên cứu thêm quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất không gian ngầm, công trình ngầm và phát triển thị trường bất động sản; tổng kết Nghị quyết thí điểm một số chính sách để tháo gỡ vướng mắc, tồn đọng trong quản lý, sử dụng đất quốc phòng, an ninh kết hợp với hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế, quy định vào dự án luật theo hướng giao Chính phủ tiếp tục tiến hành thí điểm như một phần của hồ sơ dự án luật.

Chủ tịch Quốc hội yêu cầu trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) phải bảo đảm đồng bộ với các luật khác trong hệ thống pháp luật, nhất là với các dự án luật mà Quốc hội đang xem xét, quyết định; không sử dụng luật này làm thay chức năng của các luật khác.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ủy ban Kinh tế phối hợp với Thường trực Ủy ban Pháp luật, Bộ Tài nguyên và Môi trường, các cơ quan hữu quan khẩn trương hoàn thiện hồ sơ dự án luật, báo cáo một số vấn đề lớn tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự án luật, trình Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách dự kiến diễn ra vào cuối tháng Tám này và trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến trước khi trình Quốc hội xem xét, quyết định tại Kỳ họp thứ 6 vào cuối năm nay.

Theo TTXVN
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành Đề án thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương

Tại toà nhà Quốc hội, sáng 28/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) tổ chức Phiên họp thứ 37 để cho ý kiến về Đề án thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương và sắp xếp, thành lập các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên cơ sở địa giới hành chính tỉnh Thừa Thiên Huế.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành Đề án thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương
UBTV Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật (sửa đổi)

Sáng 20/8/2024, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục phiên họp thứ 36 để cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật; Cho ý kiến về dự thảo Kế hoạch giám sát và đề cương báo cáo của Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển và sử dụng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao”.

UBTV Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật sửa đổi
Chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội đóng góp thiết thực cho tổng thể quan hệ Việt Nam – Trung Quốc

Chiều 12/4, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã về đến Sân bay quốc tế Nội Bài, kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa theo lời mời của Ủy viên trưởng Ủy ban Thường vụ Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc Trung Quốc Triệu Lạc Tế.

Chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội đóng góp thiết thực cho tổng thể quan hệ Việt Nam – Trung Quốc
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lên đường thăm chính thức nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa

Nhận lời mời của Ủy viên trưởng Ủy ban Thường vụ Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc Trung Quốc Triệu Lạc Tế, sáng 7/4, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam rời Hà Nội, lên đường thăm chính thức nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa từ ngày 7 - 12/4/2024.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lên đường thăm chính thức nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa

TIN MỚI

Return to top