Trong bối cảnh dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp trên toàn cầu nói chung, Việt Nam nói riêng, ưu tiên hàng đầu lúc này là phòng chống dịch hiệu quả. Điều này tác động đến nhiều mặt đời sống kinh tế, xã hội. Rõ nhất là sản xuất bị đình đốn, hàng hóa xuất khẩu ứ đọng các cửa khẩu, bến cảng, nhiều lao động nghỉ việc, không có thu nhập… Con số 19% doanh nghiệp đã tạm dừng hoạt động, thu hẹp quy mô; 98% lao động khu vực du lịch, dịch vụ nghỉ việc; 78% lao động ngành vận tải, giầy da, dệt may bị giảm việc, giãn việc hoặc ngừng việc; 98% lao động hàng không tạm nghỉ việc (ước tính của Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho thấy điều này. Tại Thừa Thiên Huế, ngành dệt may, trồng rừng, sản xuất đồ gỗ xuất khẩu, nuôi tôm là những ngành đang bị ảnh hưởng nhiều nhất.
Nhìn trên tổng thể, nền kinh tế đang bị ngưng trệ bởi các đứt gãy trong mối liên kết sản xuất hàng hóa. Khi dịch COVID-19 bùng phát ở Trung Quốc, hàng loạt các nhà máy trong nước bị ngưng trệ do thiếu nguyên liệu nhập khẩu; hàng nông sản ứ đọng không tiêu thụ được. Nay dịch COVID-19 vết đứt gãy nhiều hơn, lớn hơn bởi nhiều nước tạm đóng cửa biên giới để chống dịch.
Tuy nhiên, xét trong tổng cung- cầu thị trường, việc giảm “cầu” chỉ là ngắn hạn và khi dịch bệnh qua đi chắc chắn sẽ tăng trở lại, thậm chí tăng mạnh để bù đắp nhu cầu tiêu dùng của người dân sau thời gian chống dịch. Điều này sẽ tác động tích cực đến sản xuất để đáp ứng nhu cầu thị trường.
Đồng hành cùng các doanh nghiệp và người dân, Thủ tướng đã kịp thời ban hành các giải pháp ứng phó rất quyết liệt, đồng bộ, toàn diện cho các lĩnh vực của đời sống xã hội bị tác động bởi dịch bệnh. Đó là gói hỗ trợ gia hạn nộp tiền thuế, tiền thuê đất lên đến 180 nghìn tỷ đồng; gói hỗ trợ tiền tệ cho các doanh nghiệp lên đến 300 nghìn tỷ đồng; đẩy nhanh gói đầu tư công 700 nghìn tỷ đồng; gói hỗ trợ an sinh xã hội dự kiến khoảng 62 nghìn tỷ đồng cho khoảng 20 triệu đối tượng… Khi nguồn lực trên được tung ra chắc chắn sẽ thúc đẩy thị trường phát triển, tạo việc làm cho lao động.
Để nắm bắt cơ hội, các doanh nghiệp cần có sự chuẩn bị trước một bước để đón cơ hội khi dịch bệnh qua đi, thị trường sôi động trở lại. Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp đã tranh thủ thời gian ngừng hoạt động để đầu tư nâng cấp cơ sở, vật chất, đổi mới công nghệ, đào tạo lại nghề… đó là sự đầu tư đúng hướng. Một điều tuy khó trước mắt, nhưng các doanh nghiệp cũng cần quan tâm là chính sách giữ chân lao động, nhất là lao động có tay nghề; chia sẻ khó khăn, giữ mối liên hệ với bạn hàng, nhà cung cấp nguyên liệu để không bị đứt nguồn cung, mất nguồn cầu.
Hoàng Minh